Đắm say những điệu múa của người M’nông

 Điệu múa cầu mùa của người M’nông

Trong quá trình sinh sống và phát triển, đồng bào M’nông đã sáng tạo ra nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phong phú. Trong đó, bằng sự mô phỏng các động tác lao động, sản xuất, đồng bào đã tạo ra những điệu múa làm đắm say lòng người. 

Có thể nói, với đồng bào M’nông, múa rất quan trọng, múa không chỉ có mặt trong các lễ hội mà còn gắn liền với các sự kiện trọng đại của gia đình như cưới xin, vào nhà mới…Chính các điệu múa tạo ra không khí linh thiêng, vui tươi, sống động cho lễ hội.

Múa của đồng bào M’nông có rất nhiều thể loại như: Múa sinh hoạt, múa tập thể, múa tín ngưỡng, múa độc diễn, múa đạo cụ… Mỗi điệu múa đều có nội dung khác nhau, nhưng chung quy lại đều thể hiện mối cộng cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Bằng sự uyển chuyển của cơ thể mà những hình ảnh sinh hoạt, lao động hết sức bình dị của cộng đồng được tái hiện một cách sâu sắc. Tiêu biểu, phổ biến nhất là điệu múa đánh chiêng - điệu múa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các động tác của tay và chân.

Người M’nông không quy định khi múa chân nào bước trước, chân nào bước sau, số lần nhảy tương ứng với số lần đánh chiêng. Nhưng qua các động tác múa chiêng, người xem có thể nhận biết được cảm xúc, tình cảm của từng nghệ nhân múa. Ví dụ như điệu múa chim G’rứ đang vươn mình và xòe đôi cánh bay trên nền trời, nhịp chiêng nhún nhảy, mơ màng thể hiện khát vọng và mơ ước của cộng đồng. Hay vũ điệu mời rượu, múa kông tuôr thì lại thành kính, dịu dàng trong từng bước chân, nét mặt, tất cả đều hướng về một tâm điểm như để chia sẻ, nhận lấy sự đồng cảm, tri ân với cộng đồng, thấy trong lòng được yên vui, vỗ về...

 Những điệu múa của các cô gái M’nông đắm say lòng du khách

Hầu hết, các động tác múa của người M’nông được lặp đi lặp lại nhiều lần theo tiết tấu âm nhạc, nên những nhạc cụ như cồng chiêng, kèn, trống, sáo... là không thể thiếu. Do đó, trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng thì cuộc vui đều bắt đầu bằng bản hòa tấu cồng chiêng hay một nhạc cụ riêng lẻ. Âm thanh của các nhạc cụ này như thúc giục mọi người xích lại gần nhau, cùng nhau chung vui với niềm hân hoan của cộng đồng. Sự xúc cảm, hưng phấn trong lúc vui chơi tập thể, bao gồm cả nam lẫn nữ, người già lẫn người trẻ tăng dần lên, rồi tạm ngừng khi cuộc vui kết thúc.

Cùng với những điệu múa trữ tình, người M’nông còn có những điệu múa vui nhộn, hài hước. Điều đáng nói ở đây là múa không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng biết múa và tham gia biểu diễn một cách nhuần nhuyễn, không kém phần lãng mạn. Múa không chỉ thể hiện sự dẻo dai của nam giới mà còn là cách để luyện tập võ nghệ. Không những vậy, chính các điệu múa mô phỏng các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của đồng bào cũng là cách giáo dục thế hệ trẻ hướng về nguồn cội.

Nói về điều này, ông Y Dơn ở bon Bu Kol, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) cho biết: “Với đồng bào M’nông, múa là sợi dây gắn kết, đưa các thành viên trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn. Múa không chỉ làm cho đời sống tinh thần thêm phong phú mà còn là cách để quảng bá những đặc trưng văn hóa của dân tộc”.

Còn chị Thị Nhơi ở cùng bon cũng chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì dân tộc mình có những điệu múa đắm say, uyển chuyển đến vậy. Chính các điệu múa đã giúp chúng tôi quên đi bao vất vả của cuộc sống cũng như giáo dục thế hệ trẻ có ý thức sống vì cộng đồng, hiểu biết về văn hóa dân tộc”.

Thông qua điệu múa, đồng bào luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, cuộc sống ấm no, con cháu khỏe mạnh, hạnh phúc.

Lan Anh/ baodantoc.vn