Mùa thu trong mắt ai

 

Nhớ thời còn đi học cấp 2, tôi đã say đắm mùa thu qua những áng văn mượt mà miêu tả mùa thu của các nhà văn Vũ Bằng, Băng Sơn. Mùa thu trong con mắt của Băng Sơn là một chút nắng vàng, một áng mây trắng lơ lửng trên không trung, một hồ sen cuối mùa với những bông sen thoang thoảng đưa hương nhưng không thể thiếu cô gái quê hái sen để kịp bán phiên chợ sớm...

Còn trong tác phẩm “Thương nhớ mười hai” của Vũ Bằng là những phẩm vật nổi tiếng neo giữ bao tâm hồn tha hương: Đó là những quả hồng chín mọng, trái chuối trứng cuốc vàng xuộm với mẻ cốm rang vội được gói trong mảnh lá sen, nhưng cũng không thể thiếu bàn tay đảm đang của “cô hàng xén răng đen, váy sồi đen nhức” bày biện trong bữa tiệc Trung thu... Để rồi những hình ảnh thân thương đó đi vào trong những bài bút ký, tản văn làm say lòng bao thế hệ yêu văn chương, nghệ thuật.

Mùa thu trong con mắt nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi: “...Như có vàng bay trong nắng/ Những vòm cây sáng trên cao /Em ơi có phải/ Mùa thu về/ Trên hồ sen úa nâu?”. Còn trong thơ Xuân Quỳnh thì mùa thu là: “Tên mình ai gọi sau vòm lá/ Lối cũ em về nay đã thu...”.

Sau bao năm bươn trải, đến cái tuổi “tri thiên mệnh”, tôi mới cảm nhận được những dòng viết của các nhà văn, nhà thơ thật sâu sắc, là những món quà quý giá để lại cho lớp người sau thụ hưởng. Tựu chung lại ở họ là tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước, con người, để những tác phẩm của họ sống mãi với thời gian...

Mùa thu còn đồng nghĩa với mùa khai trường, mùa mà hàng triệu học sinh các cấp tưng bừng bước vào năm học mới với bao nhiêu nỗ lực trong học tập và kỳ vọng về một tương lai tốt lành. Trong nắng thu, nhìn bầy trẻ em tung tăng đến lớp, tiếng ríu ran đọc bài của các em trong những lớp học khang trang ở thành phố hay ở nông thôn, ai cũng phấn khởi và mong đợi sự tiến bộ của các em. Sẽ là thiếu sót nếu thiếu đi hình ảnh các em học sinh miền núi đi học trong nắng thu bằng đôi chân trần trên những con đường núi cao gập ghềnh hoặc phải lội suối hàng giờ để đến lớp. Trong những lớp học còn đơn sơ bằng tre nứa ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa nơi miền Tây Bắc hay những lớp học lợp bằng những lá dừa nước ở miền đồng bằng sông Cửu Long..., dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng tiếng đọc bài ríu ran và những đôi mắt đen láy hướng về thầy cô đầy tôn kính vẫn luôn là hình ảnh đẹp mỗi độ thu về...

Mùa thu sẽ không thể thiếu đi những mâm cỗ trung thu của các gia đình dù ở nông thôn hay thành thị. Đêm hội trăng rằm là nét đẹp văn hóa của người lớn dành cho trẻ em những vật phẩm ngon nhất để thể hiện tình yêu, mối quan tâm nhất cho các em: Trái bưởi vàng, trái chuối trứng cuốc, quả na mở mắt ngơ ngác bên quả hồng chín mọng bày biện khéo léo và những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm ngậy... để các em phá cỗ trông trăng.

Nhưng mùa thu năm nay, đại dịch Covid-19 mang theo bao thảm họa, từ các thành phố lớn, những khu công nghiệp đến các bản làng xa xôi đều phải căng mình chống dịch. Có biết bao nhiêu em bé cùng người thân nhiễm bệnh đang phải điều trị... Lúc này đây, cả dân tộc đoàn kết quyết tâm vượt qua đại dịch và chúng ta tin tưởng: Đại dịch sớm qua để mùa thu bình yên và hàng triệu học sinh các cấp lại được đến trường trong năm học mới...

Nguyễn Viết Hiện (theo baosonla.org.vn)