Thị trường thương mại điện tử châu Á-TBD sẽ dẫn đầu toàn cầu vào 2025

 Sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên của Việt Nam được quảng bá trên Sendo.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, tiềm năng tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất lớn, đến năm 2025, doanh số thương mại điện tử của khu vực này, bao gồm Australia sẽ có tiềm năng tăng trưởng 68,5 tỷ USD, trở thành thị trường thương mại điện tử dẫn đầu toàn cầu.

Trong báo cáo có tên gọi “Bán lẻ đang trong quá trình chuyển đổi: Cơ hội thương mại điện tử tương lai của châu Á-Thái Bình Dương và Australia”, Euromonitor ước tính doanh số bán hàng trực tuyến của toàn bộ khu vực này sẽ mở rộng, chiếm trên 45% tăng trưởng thương mại điện tử toàn cầu.

Báo cáo nhấn mạnh, tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương chủ yếu do dịch COVID-19 thúc đẩy.

Năm 2020, doanh số thương mại điện tử khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng khoảng 187,2 tỷ USD, trong khi tăng trưởng của Australia là 5,3 tỷ USD.

Trong đó, tăng trưởng rõ ràng nhất đến từ các thị trường phát triển hơn như Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngoài ra, mặc dù Thái Lan và Ấn Độ vẫn là những thị trường thương mại điện tử thuộc giai đoạn phát triển đầu, nhưng lại tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ, lần lượt đạt mức 80% và 60%.

Singapore cũng là thị trường thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh, năm 2020 ghi nhận doanh số tăng 51,4%.

Cùng với hoạt động kinh tế của một số nước từng bước phục hồi, hành vi của người tiêu dùng có xu hướng bình thường hóa trở lại.

Báo cáo dự đoán, tỷ lệ sử dụng thương mại điện tử cao đột biến xuất hiện trong thời kỳ phong tỏa sẽ giảm xuống. Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, hành vi của không ít người tiêu dùng sẽ được duy trì, mua sắm trên trực tuyến sẽ trở thành một kênh quan trọng bên cạnh mua sắm tại cửa hàng thực tế.

Doanh số bán thực phẩm trực tuyến của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên 172,8 tỷ USD.

Đến năm 2025, doanh số bán thực phẩm và đồ uống trực tuyến của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên 172,8 tỷ USD, trong đó thực phẩm tươi sống, đồ uống có cồn và thực phẩm đóng gói chiếm trên 57% cơ hội kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời sẽ thúc đẩy hơn nữa sự tăng trưởng của khu vực này.

Nguyên nhân chủ yếu là do đối với những người tiêu dùng quan tâm hơn đến sức khỏe và sự trải nghiệm, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen bình thường mới của họ.

Báo cáo nhấn mạnh, trong thời kỳ dịch bệnh, xuất phát từ nhu cầu thiết yếu, người tiêu dùng của khu vực này chuyển sang kênh mua sắm trực tuyến để mua tạp hóa, điều này giúp các nhà khai thác thương mại điện tử khắc phục nhiều trở ngại trước đó để phát triển.

Dự báo trong những năm tới, các doanh nghiệp thương mại điện tử của khu vực này như Shopee, Grab và Lazada…, cũng như một số chuỗi siêu thị trong khu vực sẽ mở rộng nghiệp vụ bán hàng đa kênh để nắm bắt cơ hội kinh doanh này.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà khai thác thương mại điện tử cần phải cải thiện hiệu quả và hoạt động của chặng cuối (last mile).

Theo báo cáo, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 42% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng, thời gian giao hàng thương mại điện tử thường lâu hơn dự kiến.

Euromonitor nêu ví dụ dẫn chứng, sở dĩ Công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang thể hiện sự vượt trội ở thị trường địa phương chủ yếu là do sử dụng ưu thế của mình trên phương diện vận chuyển logistics, giúp việc giao hàng hiệu quả, nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Đối với các cửa hàng thực, báo cáo cho rằng vai trò của các cửa hàng thực đang chuyển từ nơi mua sắm thành trung tâm trải nghiệm, hơn 80% các nhà hoạt động trên lĩnh vực bán lẻ và ngành tiêu dùng cho rằng công ty của họ đang tìm kiếm các mô hình kinh doanh khác nhau.

Các nhà bán lẻ cần phải xem xét lại mục đích của các kênh và chiến lược thị trường đa dạng để đón nhận quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng./.

Thạch Bình (TTXVN/Vietnam+)