Ngày mai sáng rỡ

 Tin em bé chào đời trong khu vực ngay sát vùng cách ly y tế như một tiếng reo vui khiến mọi người ấm lòng trong mùa dịch. Ảnh minh họa Internet

- Đưa máy đây cho mẹ, nhanh con!

Rồi không cả kịp tắt vòi nước đang tưới, chị cầm máy:

- Bao giờ anh về? Em quá ngày dự sinh đã hai hôm rồi. Chắc cu Bin chờ bố nó về mới chịu ra đấy!

Chị nói thế rồi cười, nhìn xuống cái bụng đã trụt thấp xuống, háo hức chờ chồng thông báo giờ về. Chồng chị bao giờ cũng thế, anh thường làm cho vợ bất ngờ bởi về không báo trước.

Đầu dây bên kia có vẻ im lặng một lúc. Rồi giọng anh rất nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát cất lên:

- Anh chưa về được. Giờ đang giai đoạn cao điểm dịch, anh phải bám chốt. Cả đơn vị trực trăm phần trăm. Em chủ động trước mọi việc nhé. Giúp anh! Sau này hết giãn cách, anh xin đơn vị nghỉ phép về với mẹ con.

Anh nói thế rồi tắt máy. Không để cho chị kịp nói thêm gì. Tính anh là vậy, có lần anh nói anh sợ phải nghe những tiếng khóc thút thít hay thở dài từ chị. Nó làm cho anh mất hết sức mạnh. Từ lúc đó, chị biết mình phải chấp nhận sự cô đơn, xa cách như một sự thử thách xuyên suốt trong cuộc đời làm vợ lính. Mà chị đã làm vợ lính bảy năm có lẻ rồi, điều đó với chị đâu còn quan trọng nữa.

Nghĩ vậy thôi nhưng chị vẫn buồn. Một nỗi tủi thân dâng lên trong mắt chị. Lần đẻ bé Na chị cũng một mình. Lúc đó đẻ con đầu còn ngờ nghệch, nội ngoại lại ở xa nên lên bàn đẻ còn quên đủ thứ. Cũng may lúc đó chị nói chồng chị là bộ đội ở xa nên các bác sĩ đã tận tình giúp đỡ. Các y tá ngày đầu còn mua cơm cho chị cho đến khi có người nhà đến đưa về.

Lần này khác, bao năm chăm con một mình, chị đã tự chủ động được mọi thứ cần thiết. Chị chỉ bị động là không gọi đến ông bà nội ngoại vì chủ quan lần này anh hứa sẽ xin nghỉ phép để về với mẹ con. Mấy ngày nay, nghe tin bùng phát dịch, chị đã thấy không yên tâm trong lòng nhưng đến giờ phút này, chị lại lâm vào tình thế bị động quá mức bởi xung quanh thành phố bị phong tỏa, mà bố mẹ chị ở xa thì không thể nào vào kịp.

Nghĩ thế, tự nhiên chị đâm hốt hoảng. Mọi việc tưởng đã gọn gàng giờ lại rối lên khiến chị cuống cuồng cất đặt lại mọi việc từ đầu. Đầu tiên là bé Na, nó còn bé quá, chắc sẽ không theo chị vào trong bệnh viện được mà phải ở nhà dì Thu bạn mẹ ít bữa. Cũng may nhà dì Thu còn có lũ trẻ cũng yên tâm phần nào. Tiếp đến là đồ áo tư trang cá nhân vào viện. Đồ em bé, đồ mẹ, điện thoại, dây sạc, đồ ăn thức uống xếp vào trong hai cái làn mang theo lúc cần. Khi đã thiết lập xong tình trạng khẩn cấp mới, chị mới báo cáo kết quả để anh được biết.

*

Trời nắng như đổ lửa khiến người ta rất ngại ra đường, thêm vào những trận gió lào khiến cây cối quắt queo cháy nắng. Trên các chốt canh vào thành phố, các chiến sĩ bộ đội, công an, dân quân tự vệ đang gấp rút lập chốt chuẩn bị 12h trưa giãn cách xã hội. Chị đứng ngồi không yên. Đã đến ngày dự sinh rồi mà cu Bin vẫn chưa chịu ra, chị lại đang ở ngoài thành phố, khi giãn cách muốn vào nội thành cũng khó lòng.

- Em thấy sao rồi?

- Không sao chị, thường ngày dự sinh cũng phải cộng trừ 1 đến hai tuần.

- Chị ở bên nhà. Có gì gọi chị nhé!

Chị vừa nghe điện thoại của hàng xóm gọi sang báo cần gì cứ gọi, lòng đã thấy yên tâm phần nào. Trong thời buổi dịch dã này, bụng mang dạ chửa, chồng lại đang ở tuyến đầu chống dịch khiến ai cũng ái ngại cho chị nhưng chị đang chủ động được, tránh làm phiền mọi người khi họ cũng đang lo lắng cho gia đình.

Thời khắc cứ thế qua đi. Đường phố bỗng nhiên vắng đến lạ thường. Con vi-rút vô hình cứ như có một sức mạnh khủng khiếp tấn công cả vào nỗi sợ hãi của con người khiến người ta né tránh nó. Cơn gió ràn rạt thổi theo một đợt hơi nóng tỏa ra như một cái lò nung khiến chị bồn chồn. Đêm đang xuống. Đêm đầu tiên giãn cách xã hội khiến chị không sao ngủ được. Bỗng cơn đau dội lên từ bụng khiến chị bàng hoàng. 1h sáng, các chị hàng xóm đã sẵn sàng nhưng chị đã vỡ ối.

- Gọi trạm xá đi, không kịp nữa!

- Gọi bác sĩ trực ở trạm xá nhờ họ giúp đỡ!

Chị nằm vật vã trong phòng khách, nghe tiếng các chị gọi nhau dồn dập. Người lo đun nước nóng, người lo chuẩn bị đồ dùng. Tiếng con bé Na cầm tay mẹ khóc thút thít. Chị như muốn lịm đi nhưng cố cưỡng lại được. Rồi chị nghe tiếng xe đã gấp gáp dừng tận ngõ và tiếng bác sĩ kiên quyết: ca này phải đẻ tại nhà thôi, không kịp để xuống viện nữa rồi. Chị bừng tỉnh. Chị phải cố gắng, chị không thể buông lỏng mình lúc này.

Chị nghĩ đến anh, đến những ngày anh và đồng đội không quản ngày đêm cắt rừng vào với đồng bào khi có lũ quét và cùng dân vận chuyển gạo, nước, vật liệu xây dựng vào giúp dân sửa chữa nhà cửa ổn định cuộc sống… cũng giống như những “chiến sĩ áo trắng” bây giờ đang hết sức để giúp đỡ chị qua cơn vượt cạn không ngờ này. Chị bừng mở mắt, tiếng em bé oa oa khóc váng lên khắp nhà trong tiếng cười vui sướng của mọi người. Chị trào nước mắt.

“Sáng nay, một bé trai kháu khỉnh chào đời trong khu vực ngay sát vùng cách ly y tế. Bác sĩ, nhân viên y tế xã đã đến nhà riêng hỗ trợ ca sinh khá đặc biệt trong mùa Covid-19 này”.

Tin mới nhất trong ngày như một tiếng reo vui khiến mọi người ấm lòng trong mùa dịch. Chị ngân ngấn nước mắt nói lời cảm ơn trong nghẹn ngào. Rồi lấy hết can đảm, chị gọi điện cho anh:

- Trên chốt căng không anh?

- Căng lắm. Vừa có công văn chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh quân khu yêu cầu các đơn vị tăng cường cán bộ, chiến sĩ cho bộ đội biên phòng các địa phương có tuyến biên giới, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại các tổ, chốt biên phòng trên các tuyến biên giới, đường mòn, lối mở, nhằm ngăn chặn người vượt biên trái phép và kiểm soát tốt khu vực biên giới.

- Nắng ni vất vả - chị thở dài

- Đặc sản mà, tránh mô nổi - Anh hài hước. Rồi chuyển giọng: - Em và con sao rồi?

Chị lặng người, cố ngăn nước mắt đang lăn dài trên má. Chị không cầm lòng được khi nghĩ đến anh. 20 năm quân ngũ, hơn 4 năm học nghề, còn lại thời gian chủ yếu của anh là đi cứu trợ thiên tai. Nay dịch bệnh lại cắm chốt ở biên giới nơi giáp ranh với nước bạn Lào, không lúc nào được ngơi nghỉ. Cứ tưởng tượng mình sẽ phải ở một nơi không điện, không nước, nấu cơm bằng củi, uống nước dưới khe, ngủ trong căn nhà lợp tôn… Nắng miền Trung không sợ bằng mưa rừng, muỗi với sên đu bám khi có hơi người... chỉ nghĩ thế thôi chị đã không cầm được nước mắt.

Còn nhớ ngày đầu khi quyết định yêu anh, bạn chị đã phản đối một cách gay gắt. Thu lúc đó nghiêm khắc lắm, vừa nhìn chị, vừa lên lớp: “Yêu lính, nghĩa là cậu phải chấp nhận ăn cơm một mình, đi dạo một mình, ngủ qua ngày lễ một mình, đi khám thai một mình, sinh con một mình”. “Làm gì đến nỗi ấy” - chị nói. “Cậu đợi mà xem?”.

Đến bây giờ thì chị đã nghĩ lời Thu nói là đúng, nhưng chị hiểu vì sự an toàn của Tổ quốc, anh đang cắm chốt trong rừng sâu nơi giáp ranh biên giới.

- Anh đừng lo, em chuẩn bị xong hết cả rồi, xung quanh còn có bà con hàng xóm, cần gì em gọi họ - Giọng chị dịu dàng

- Được thế thì may quá, giọng anh như reo.

- Anh biết tin gì không?

- Anh ở đây làm gì có mạng internet.

- “Sáng nay, một bé trai kháu khỉnh chào đời trong khu vực ngay sát vùng cách ly y tế. Bác sĩ, nhân viên y tế xã đã đến nhà riêng hỗ trợ ca sinh khá đặc biệt trong mùa Covid-19 này” - chị vừa đọc lại nguyên tin thông báo buổi sáng vừa cười - em vừa đọc tin trên mạng đấy.

- Tuyệt vời quá!

- Món quà dành cho chiến sĩ Trần Vũ đang ở chốt biên giới đó.

Chị nói thế rồi lặng người đi. Trong niềm rưng rưng xúc động, chị nghe thấy tiếng anh đang khóc. Chị lặng lẽ ghé điện thoại lại sát em bé đang ọ ẹ trở mình để anh có thể nghe được tiếng con đang thở khe khẽ, đoạn nói nho nhỏ: An toàn để ngày mai tươi sáng, anh nhé!

Trần Quỳnh Nga (theo baohatinh.vn)