TP.HCM: Chuyển biến mạnh trong phòng, chống dịch COVID-19

Bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP.HCM điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. (Ảnh: TTXVN phát) 

Ngày 7/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, nhất là trong bối cảnh Thành phố vừa trải qua 15 ngày thực hiện các biện pháp tăng cường về giãn cách xã hội (từ ngày 23/8 - 6/9).

Thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội

Báo cáo sơ kết 15 ngày thực hiện Chỉ thị số 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời, khẩn trương yêu cầu giãn cách xã hội với nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó."

Qua đó, tạo chuyển biến mạnh trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm "xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn, mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch," người dân là "chiến sỹ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà; lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.

Kết quả sau 15 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, lưu lượng phương tiện lưu thông tại Thành phố giảm khoảng 85% so với thời điểm trước ngày 22/8; các khu dân cư cũng đã được siết chặt hơn, người dân cơ bản đã chấp hành theo yêu cầu giãn cách của Thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít bộ phận người dân ra ngoài không có lý do chính đáng.

Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố đã linh động, kịp thời giải quyết những vướng mắc khi kiểm soát các phương tiện và đối tượng lưu thông, vừa đảm bảo hạn chế tối đa lưu thông, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Về công tác xét nghiệm và điều trị COVID-19, từ ngày 23/8 đến nay, Thành phố đã tích cực triển khai kế hoạch cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao và rất cao với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca nhiễm trong cộng đồng.

Do đẩy nhanh xét nghiệm, trong hai tuần vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao, bình quân mỗi ngày phát hiện khoảng 5.300 ca nhiễm.

Thành phố cũng đã chuyển hướng tập trung hơn cho công tác điều trị ở tuyến cơ sở, xây dựng và ban hành "Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người nhiễm COVID-19"; cung cấp các gói thuốc điều trị mẫu giúp điều trị kịp thời cho các trường hợp mắc COVID-19 mới phát hiện, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, từ đó giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và các bệnh viện dã chiến, đồng thời giúp giảm bớt sang chấn tâm lý cho người bệnh, góp phần nhanh chóng hồi phục. Ngoài ra, Thành phố còn tăng cường công tác tư vấn, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà từ xa qua các Tổng đài 1022, các Tổ y tế lưu động của các trường Y khoa.

Thành phố đã thành lập 471 trạm y tế lưu động (vượt chỉ tiêu đề ra là 400 trạm); tiếp tục phát huy hiệu quả ứng dụng quản lý thông tin giường bệnh và oxy cho bệnh nhân COVID-19 (trong hệ thống 3 tầng điều trị) để kịp thời điều chuyển, không để ùn ứ, nâng cao năng lực điều trị giữa các tầng. Công tác chăm lo an sinh xã hội nhìn chung được các ngành, các cấp nỗ lực thực hiện với phương châm "không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc."

Trung tâm An sinh Thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ trên 1,6 triệu "túi an sinh xã hội" cho người dân trên địa bàn Thành phố; tổ chức chương trình SOS hỗ trợ trên 10.500 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp; vận động hơn 85.000 chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê cho 670.000 phòng trọ với số tiền trên 329 tỹ đồng.

Tuy nhiên, do số lượng người cần hỗ trợ rất đông nên đôi lúc Thành phố vẫn chưa đáp ứng đủ và kịp thời nhu cầu của người dân. Thành phố đang tăng cường các lực lượng để kiểm tra giám sát việc thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội cho người dân.

Tạo điều kiện cho đội ngũ vận chuyển hàng hóa hoạt động

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chấp thuận việc gia hạn tổ chức xét nghiệm nhanh, miễn phí cho lực lượng shipper (người giao hàng) trên toàn Thành phố đến ngày 15/9. Theo đó, lực lượng shipper tiếp tục được xét nghiệm nhanh miễn phí mỗi ngày đối với shipper hoạt động tại 8 địa bàn "vùng đỏ" và 2 ngày/lần đối với shipper hoạt động tại địa bàn "vùng xanh." Việc xét nghiệm cho lực lượng shipper vẫn do hơn 400 trạm y tế lưu động tại 312 phường, xã, thị trấn tại Thành phố thực hiện.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, trong thời gian qua, đội ngũ shipper đã tham gia tích cực vào việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phục vụ người dân. Mặc dù còn một số khó khăn, số lượng shipper hoạt động chỉ ở mức 50% số lượng đăng ký (khoảng 10.000 shipper), nhưng tổng số đơn hàng đã thực hiện đạt 1.066.871 đơn, bình quân đạt 152.410 đơn mỗi ngày.

Riêng trong hôm nay, Thành phố ghi nhận có 12.529 shipper đang hoạt động trên địa bàn, cho thấy một tín hiệu vui khi lực lượng shipper tăng nghĩa là nhu cầu về mua sắm nhu yếu phẩm của người dân cũng sẽ được đáp ứng tốt hơn.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép lực lượng shipper được kéo dài thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày (thay vì đến 18 giờ như hiện nay) để hỗ trợ phân phối hàng hoá kịp thời đến người dân.

Sở cũng đề xuất Thành phố cho phép các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được mở rộng thời gian và phương thức hoạt động trở lại trong khoảng thời gian tương tự.

Thời gian qua, ngành công thương Thành phố đã tiếp nhận đăng ký và cấp hơn 17.400 giấy đi đường cho lực lượng shipper của 27 công ty. Đội ngũ vận chuyển, giao hàng chuyên nghiệp này đã kịp thời hỗ trợ chính quyền địa phương, các hệ thống phân phối vận chuyển, giao hàng đến người dân cũng như "đi chợ hộ" người dân Thành phố trong bối cảnh "ai ở đâu ở yên đó."

Triển khai chi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu

Thông tin về việc chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 24/8, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua 2 nghị quyết số 12 và 13 về việc chi hỗ trợ lực lượng tuyến đầu cũng như chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức.

Theo đó, Thành phố sẽ chi hỗ trợ một lần cho 5 nhóm đối tượng là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch COVID-19 gồm lực lượng y tế tuyến đầu trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, kíp cấp cứu 115, lực lượng tham gia vận chuyển người mắc COVID-19; lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp; các Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng; lực lượng tình nguyện viên được Thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch và lực lượng tình nguyện viên do Bộ Y tế huy động chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai vấn đề này đến các đơn vị. Một số đơn vị đã chi trả cho các lực lượng tuyến đầu như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bình Dân và một số đơn vị khác.

Tuy nhiên Sở cũng ghi nhận một số đơn vị triển khai chậm khiến nhiều nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu chưa được hỗ trợ kịp thời. Các đơn vị đang tập trung thực hiện việc chi trả để tất cả lực lượng tuyến đầu nhận được gói hỗ trợ trong tuần này.

Đối với các đơn vị trực thuộc trung ương như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương tham gia công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện địa phương, việc chi hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua tổng hợp của bệnh viện địa phương.

Phát hiện 63 người mắc COVID-19 lưu thông qua quét mã QR

Về tình hình giao thông trong thời gian thực hiện giãn cách, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, qua kiểm tra tại 914 chốt kiểm soát trên toàn Thành phố, lực lượng Công an Thành phố đã kiểm tra hơn 2.141.502 triệu phương tiện và 938.614 lượt người.

Qua kiểm tra, lực lượng công an đã lập biên bản 11.176 trường hợp, xử phạt số tiền hơn 17,7 tỷ đồng; thu hồi 9 giấy đi đường, đưa vào cảnh cáo trên hệ thống 20 giấy. Trong đó, lỗi ra đường không có lý do chính đáng chiếm 99,11%.

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, qua kiểm tra mã QR khai báo y tế tại các chốt, từ ngày 23/8 đến ngày 6/9, Công an Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 63 trường hợp mắc COVID-19 lưu thông trên đường. Trong đó, có 29 người có giấy đi đường, còn lại là các trường hợp khác như đi khám chữa bệnh, tiêm ngừa, shipper...

Qua đối chiếu kiểm tra với các địa phương, 63 trường hợp người nhiễm này có 10 người đã khỏi bệnh, 17 người cách ly tập trung, còn lại là cách ly tại nhà.

Để khắc phục tình trạng người dân vi phạm giãn cách xã hội, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, được sự hỗ trợ từ Bộ Công an, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, sáng 7/9, Công an Thành phố đã tổ chức tập huấn, cung cấp các trang thiết bị về camera, SIM 4G và hướng dẫn kỹ thuật cho các địa phương. Cụ thể, Công an Thành phố hoàn thành lắp đặt 100 đầu quét kiểm tra mã QR tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 17h ngày 7/9

Thành phố Hồ Chí Minh
- Số ca nhiễm: 266.366
- Số ca tử vong: 10.938
- Tiêm chủng: 6.550.242

Trong nước:
- Số ca nhiễm: 550.996
- Số ca tử vong: 13.701, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh 10.938, Hà Nội 47.
- Số ca khỏi bệnh: 311.710
- Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 22.675.644 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.231.238 liều, tiêm mũi 2 là 3.444.406 liều.

Thế giới:
- Số ca nhiễm: 222.115.841
- Số ca tử vong: 4.592.043
- Số ca hồi phục: 198.740.674

 

Hồng Giang (TTXVN/Vietnam+)