Tiếng tơ trên sông

Con nước đứng, mặt sông yên lặng như tờ, những tiếng đờn kìm ông Tám thả rưng rưng lan dài trên mặt nước. Cá tôm chừng cũng bị đánh thức, lững lờ đớp bóng trăng. “Ông Tám nay câu trúng hay sao mà trỗi đờn sớm!” - Lài tự nhủ. Lài là một trong những người chờ nghe tiếng đờn của ông mỗi đêm. Theo thói quen, ông Tám thả xuồng câu từ vàm sông vô ngọn, đến đây trời cũng vừa nửa khuya, cũng lúc con nước ròng, ông cho xuồng về. Lúc này ông đờn một vài bản rồi nhè nhẹ bơi theo dòng sông, có khi ông thả trôi xuồng theo con nước. Chiếc xuồng có bánh lái phía sau cắm phập xuống, giữ xuồng không chệch hướng, cứ theo nước đưa về nhà. Bao nhiêu bài bản ông đem ra trải dài trên sông vào khuya khoắc, tiếng tơ cứ lan dài, đọng trong kẽ lá vòm cây, là đà với gió.

Ðối với ông Tám, cây đờn kìm là bảo vật vô giá. Nghe đâu cây đờn có một quá khứ dầy qua mấy đời người, cuối cùng rơi vào tay một kẻ chỉ biết ăn chơi, đem đờn đi cầm ở một cửa tiệm. Ông Tám lúc đó dạy đờn cho con gái ông chủ tiệm. Ông tận tâm dạy cho cô tiểu thư hết các bài bản và ngón đờn, nên khi cô tiểu thư có chồng đi Pháp, đã tặng cây đờn kìm này cho ông Tám gọi là đền đáp chút công ơn. Thùng đờn được làm từ loại gỗ quý. Trục đờn và phím bằng ngà, càng đờn lâu càng óng ánh vàng. Ông Tám sợ người ta biết đờn quý khó có thể giữ giữa thời loạn lạc, nên cùng đờn về quê sống với nghề câu tôm. Mỗi lần đi câu về, ông nhẹ nhàng nâng cây đờn kìm đem lên treo bên đầu nằm, còn xuống xuồng thì cây đờn có bộ đồ nghề che mưa nắng. Mỗi khuya, trước khi ông Tám so giây nắn phím, ông ngồi thẳng sống lưng, mắt hướng về phía trước, rồi tiếng đờn theo từng ngón tay bay là đà, vọng bốn bề sông nước.

Lâu ngày thì người ở ngọn rạch quen việc thức giấc lúc nửa khuya để chờ nghe tiếng đàn của người câu tôm. Họ thấy ánh trăng già chếch bóng in hình chiếc xuống câu đơn độc và bóng người ngồi ôm cây đàn lờ mờ trên mặt sông. Trăng sao bỗng lung linh, mặt nước rưng rưng cùng “Lưu thủy hành vân”, “Trăng thu dạ khúc”, 12 câu Phụng hoàng... Có khi ông Tám chuẩn bị lui xuồng, thì có người đề nghị: “Ông Tám ơi chầm chậm nán lại vài bản nữa rồi về...”. Ông Tám đều không từ chối. Có những đám thôi nôi, cưới gả mời ông đến, ông cặp xuồng câu đờn tới sáng luôn. Ðôi khi gia chủ gửi ông cặp vịt, trái cây vườn nhà, ông đều không nhận.

Một hôm Lài đánh bạo xin ông Tám chỉ cách ca vài bài bản. Và từ đó, ở ngọn rạch có thêm tiếng ca của Lài. Cứ mỗi buổi tối, không chỉ người ở ngọn rạch, mà người ở nơi khác cũng bơi xuồng đến nghe ông Tám đờn, Lài ca. Khi thì bản vắn, khi thì sáu câu vọng cổ, khi thì trích tuồng “Lâm Sanh Xuân Nương”, “Lá huyết thơ”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”... Sân khấu trên mặt sông, không màn nhung, chỉ vỏn vẹn 2 người mà thu hút người nghe một cách lạ lùng. Dần dần những người biết đờn, biết ca đều cùng tham gia. Ai muốn học đờn, học ca ông Tám đều không giấu nghề, cũng không sợ người học giỏi hơn ông. Bởi điều ông sợ nhất là không được đờn. Cuộc đời ông chỉ còn tiếng đờn làm bạn khi vợ ông về thế giới bên kia. Từ đó, tiếng đờn kìm của ông sắt se trên sông nước.

Những đêm đờn hát tự do trên sông truyền đi khắp nơi, người đến xem ngày một đông. Có người cách xa hơn chục cây số cũng lần đến, khi tan về nhà là trời hửng sáng, cũng là lúc bắt đầu công việc cấy cày. Vậy mà rất vui. Mỗi lần ông Tám đờn bài chia tay, người ta vỗ tay vang cả mặt sông, và í ới hẹn nhau mai gặp lại…

Nào ngờ đêm ấy khán giả vừa tụ lại rất đông, ông Tám bắt đầu trỗi đờn thì bốn phía vang tiếng súng nổ thị uy. Có tiếng quát nạt giải tán đám đông vì nghi ngờ tụ tập để bàn chuyện làm cách mạng. Mọi người hối hả xuống xuồng ghe, khua lộp bộp trên sông. Từ đó người ta không còn thấy ông Tám và Lài nơi ngọn rạch.

Tiếng đờn ca cũng từ hôm đó vắng bặt thinh âm. Bà con thương nhớ ông Tám bộc trực cùng tiếng đờn kìm trên sông nước. Sau đêm đó, chính quyền sở tại cấm không cho nhóm họp, ca hát ban đêm. Con sông trở nên hoang vắng quạnh quẽ vô cùng. Ðêm vắng lại bất an hơn khi vài loạt súng nổ ở đầu vàm, những cuộc ruồng bố bắt người gây lo sợ hoang mang khắp nơi...

***

Cho đến một hôm, xóm làng bừng dậy. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất. Buổi văn nghệ đầu tiên tại huyện, ông Tám và Lài xuất hiện cùng đoàn văn công giải phóng. Tiếng đàn kìm ông vừa trỗi lên, giọng ca của Lài hòa nhịp ngọt lịm, sân khấu ngoài trời muốn vỡ tung tiếng hoan hô. Ðêm ngọn rạch bừng lên đón mừng ông Tám trở lại vui vô cùng. Ông Tám nâng cây đờn kìm lên, nói: “Cây đờn bị bom đạn hai lần, phải gia cố lại, gỗ dùng cũng không quý như nguyên bản. Cần phím bằng ngà đã gãy mất chỉ còn mấy trục vặn. Nhưng đây là cây đờn đã cùng tôi tìm được ý nghĩa thực sự của cuộc sống”. Nói rồi ông Tám so dây, mặt sông chợt êm đềm, bốn bề im lặng như tờ. Tiếng đờn lên cao rồi hạ thấp trầm bóng trăng sao. Người nghe như có tiếng bom đạn, tiếng hành quân ra trận rầm rập cuồn cuộn về phía trước. Có lúc trầm buồn nhớ những người ngã xuống, lúc lắng đọng tình quân dân cá nước, rồi kết hằng khúc ca ngày giải phóng.

Tiếng ca của Lài cất lên đong đầy tình cảm thân thương của xóm làng và dòng sông mộc mạc, của người con xa quê giờ về đoàn tụ với gia đình. Sau đêm đó, người ở ngọn rạch còn được nhiều lần nghe tiếng đờn ông Tám và chất giọng ngọt ngào của Lài trong nhiều chương trình lưu diễn cùng đoàn văn công, hay trên radio, rồi sau này trên truyền hình. Theo thời gian, chiến tranh lùi xa, xóm làng đông vui, nhà nhà đầy đủ tiện nghi và người ở ngọn rạch vẫn luôn nhớ tiếng đờn trên sông đã đi qua những thăng trầm năm ấy, để hôm nay vẫn vang xa.

Nhật Hồng (theo baocantho.com.vn)