"Tiếng vọng Việt mộng mơ"

Ban tổ chức và các đại biểu tới dự khai mạc triển lãm chụp ảnh lưu niệm 

Mâcon, thành phố thủ phủ của tỉnh Saône-et-Loire, thuộc vùng Bourgogne-Franche-Comté – nơi nổi tiếng thơ mộng và sản xuất rượu vang, cách phía nam Paris (CH Pháp) 400 km. Mâcon là điểm gặp hẹn hò của ba dòng chảy đổ về sông Saône hùng vĩ. Nhấp chút rượu thơm say nồng, đứng trước ngã ba sông, nhìn cây tỏa bóng xuống, thấy đời thật lung linh đáng yêu. Nhờ sự quyến rũ mộng mơ, nhà thơ nổi tiếng thế giới Lamartine đã sinh sống ở đây để lại những vần thơ bất hủ về dòng sông thời gian chảy ra đại dương không níu được quá khứ…

Mãi cứ xô đẩy về bến bờ xa lạ.
Đêm vĩnh cửu mênh mông không lối
Giữa đại dương thời gian liệu ta có thể
Neo giữ một ngày dừng lại được hay chăng?

(Trích bài thơ Hồ -Lamartine)

Một thành phố xinh nhỏ nhắn mang màu sắc văn hóa gô tích xen lẫn với thời La mã. Một nhà thờ lớn sừng sững trên quả đồi, với thành quách xưa giờ đã đổi thay khác thời Lamartine. Tuy nhiên vẫn hấp dẫn và đẹp lạ thường. Vẻ đẹp quyến rũ đã thu hút họa sĩ nổi tiếng gốc Việt Mai Trung Thứ đến để sinh sống. Mấy câu thơ của Lamartine cũng nói lên tâm trạng của Mai Trung Thứ - người con gốc Việt sống tha hương ở Pháp.

Vừa qua, thành phố Mâcon đã trân trọng vinh danh Mai Trung Thứ, tổ chức triển lãm, công phu sưu tầm những bức tranh của ông khi còn sống. Ngày 7/7, thành phố tổ chức lễ khai mạc triển lãm với sự có mặt của Thị trưởng thành phố Mâcon và bà Đại sứ Việt Nam tại UNESCO, Giám đốc bảo tàng Ursulines và Phó giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp cùng đại diện một số hội đoàn người Việt ở Paris (Interface francophonie, et Aurore Ánh Sáng).

Buổi khai mạc trời đẹp. Tình cờ giữa lá cờ Pháp và cờ Việt Nam, hai bức áp phích song song đung đưa trong gió, đó là hai quảng cáo một bên triển lãm Mai Trung Thứ và một bên là triển lãm về Lamartine. Còn vinh dự nào hơn thế nữa. Một thành phố nhỏ có vinh dự sinh ra nhà thơ nổi tiếng và họa sĩ lớn gốc Việt. Mai Trung Thứ không sinh ra nơi đây như Lamartine, nhưng ông đã sinh ra những tác phẩm nghệ thuật, những bức tranh đẹp đầy quyến rũ nơi đây. Tên triển lãm "Tiếng vọng Việt mộng mơ" cũng đủ nói lên những bức tranh vọng hồn Việt của Mai Trung Thứ.

Nhân lễ khai mạc, Ban tổ chức đã mời con gái Mai Lan Phương cùng cháu nội của họa sĩ tới dự. "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", họ không quên công của gia đình người Pháp từng đón Mai Trung Thứ khi còn đang bỡ ngỡ tìm kế sinh nhai. Không phải họa sĩ nào cũng giàu có. Tranh của ông sau này mới được nhiều người biết đến với giá triệu EUR. Họa sĩ Van Goch nổi tiếng thế giới với những bức tranh hơn triệu USD, sinh thời sống trong nghèo túng và nợ nần. Mai Trung Thứ đã được gia đình người Pháp đón nhận khi thấy ở ông một tài năng hội họa.

Bảo tàng dành nguyên 3 tầng để trưng bày tranh và kỷ vật của Mai Trung Thứ do gia đình cung cấp: Từ cây đàn tam thập lục ông vẫn thường chơi đến bút vẽ, bảng pha màu, thư viết tay, thẻ căn cước và hình ảnh ông và bạn bè thời ở Pháp… Tầng dưới hầm chiếu phim Hồ Chí Minh qua Pháp 1946 do chính Mai Trung Thứ dàn dựng. Ông quả là một nghệ sĩ đa năng, cầm - kỳ - thi -  họa và cả trong nghề điện ảnh.

Sau buổi khai mạc, thành phố chiêu đãi các đại biểu tại quán ăn khá lãng mạn trong vườn đầy cây xanh rợp bóng. Khi người con gái của Mai Trung Thứ đến muộn, mọi người trân trọng nhường chỗ cho bà ngồi chính giữa. Cậu cháu nội rất tự hào về ông mình và khoe sẽ cố gắng làm một thước phim về nhạc để kỷ niệm về ông mình. Một số người Pháp trong số khách tham dự đã bày tỏ sự bất ngờ đến khâm phục về tranh lụa Việt và khát vọng được đến thăm Việt Nam sau mùa Covid.

Rất may lệnh phong tỏa vì Covid được chấm dứt, Bảo tàng được mở cửa. Triển lãm tranh Mai Trung Thứ là triển lãm đầu tiên được khai mạc sau mùa Covid. Một số người Việt vùng lân cận biết tin cũng đến dự. Một chị bảo, vinh dự cho Việt Nam quá, nên tôi quyết định rủ ông xã người Pháp đến xem để tăng thêm tự hào dân tộc. Một linh mục Việt trụ trì ở Mâcon cũng có mặt. Theo ông đây là dịp hiếm có, và hãnh diện cho người Việt. Linh mục Việt cũng là khách được tòa thị chính mời đến.

Triển lãm tranh Mai Trung Thứ không chỉ là triển lãm tranh thuần túy của họa sĩ, mà là triển lãm về một số tư liệu quý thời Đông Dương liên quan đến tác giả. Đó là một bộ sưu tầm đầy công phu và chất lượng. Ban tổ chức đang nuôi hy vọng sẽ đưa bộ sưu tầm này đi triển lãm ở những thành phố lớn trên khắp 3 miền Việt Nam, đặc biệt là Hải Phòng - quê hương của Mai Trung Thứ.

Nước Pháp quả là xứng danh là một đất nước nổi tiếng về văn hóa và trân trọng văn hóa. Họ vẫn còn lưu giữ trong nhà thờ bức vẽ và chữ ký của Mai Trung Thứ.

Trong lúc bắt đầu khai mạc, bỗng tiếng chuông nhà thờ trên đồi ven sông vọng đến. Tiếng chuông như báo hiệu một niềm vui mới cho nền hội họa Việt Nam. Vinh quang Mai Trung Thứ chính là vinh quang cho hội họa Việt Nam, vinh quang cho người Việt sống ở nơi xa xứ, đánh dấu một ảnh hưởng giao thoa của hai nền văn hóa Pháp - Việt trong đó có dùng kỹ thuật hội họa hiện đại trên lụa Việt Nam.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

 Các đại biểu tới dự khai mạc Triển lãm chụp ảnh lưu niệm 

 Bà Mai Lan Phương, con gái Mai Trung Thứ (áo đỏ)

Tác giả chụp hình với gia đình đón Mai Trung Thứ và ông Thị trưởng thành phố Mâcon (ngoài cùng bên trái) 

Hai áp phích Mai Trung Thứ và Lamartine trong buổi khai mạc triển lãm

Trần Thu Dung (Pháp)