Hơn 4 triệu người trên toàn cầu tử vong vì dịch COVID-19

 Hỏa táng bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h00 sáng 6/7, số ca tử vong trong đại dịch COVID-19 đã vượt qua 4 triệu người, trong số tổng cộng 184.912.084 ca nhiễm virus SARS-CoV-2.

Hơn 1/6 số ca tử vong tập trung tại Mỹ (621.335 ca) trong khi Brazil là nước ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới với 525.229 ca và Ấn Độ đứng thứ ba với hơn 403.000 ca.

Cũng xét theo số ca tử vong, trong số 10 quốc gia đứng đầu còn cố Mexico, Peru, Nga, Anh, Italy, Pháp và Colombia.

Châu Á hiện là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, hiện là 56.580.054 ca, trong đó có 803.448 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với hơn 48 triệu ca nhiễm, nhưng đứng thứ nhất về tổng số ca tử vong, hiện đã vượt qua 1,1 triệu ca.

Khu vực Nam Mỹ đã có tổng cộng hơn 1 triệu ca tử vong, đứng thứ hai thế giới, dù số ca nhiễm hiện là hơn 33 triệu ca. Trong khi đó, khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận hơn 40 triệu ca nhiễm và 920.920 ca tử vong.

Tại châu Á, Bộ Y tế Israel cho biết nước này đã ghi nhận 369 ca ca nhiễm mới trong ngày 5/7, mức cao nhất trong 3 tháng qua. Tỷ lệ xét nghiệm cho kết quả dương tính là 0,7%. Trong khi đó, tháng trước có thời điểm tại Israel chỉ phát hiện 6 ca mới/ngày, với tỷ lệ xét nghiệm dương tính 0,1%.

Biến thể Delta đang làm gia tăng nhanh chóng số ca COVID-19 và khiến Chính phủ Israel lo ngại dịch bệnh quay lại, sau khi tưởng chừng đã được dập tắt.

Hiện tại, biến thể Delta là thủ phạm chiếm đến 90% các ca mắc mới tại Israel, trong đó có trên một nửa là những người đã được tiêm phòng ít nhất một mũi. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân mới có trên 30% là trẻ em dưới 11 tuổi.

Giữa tháng Tư, Israel đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine cho trên 50% dân số, làm cơ sở để Bộ Y tế dỡ bỏ hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội, như bỏ quy định đeo khẩu trang hoặc cấm tụ tập đông người. Trước khi biến thể Delta xuất hiện, các thống kê cho thấy vaccine giúp ngăn ngừa tới 91,2% các ca nhiễm mới.

Ấn Độ hiện vẫn đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm (30.618.939 ca), song số ca nhiễm mới trong ngày đang có xu hướng giảm bớt so với mức đỉnh hồi cuối tháng Tư. Iran hiện đứng thứ hai khu vực châu Á với hơn 3,2 triệu ca nhiễm và hơn 84.949 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã ghi nhận 2.313.529 ca nhiễm và 61.140 ca tử vong.

Ngày 5/7, Chính phủ nước này đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng quy mô nhỏ đối với các khu vực bên ngoài đảo Java và Bali từ ngày 6-20/7 tới.

Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia Airlangga Hartarto cho biết lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng quy mô nhỏ sẽ được siết chặt tại các khu vực được xếp hạng 4 cấp dựa trên các tiêu chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các trung tâm mua sắm tại khu vực cấp 4 chỉ được mở cửa đến 17h và được phép hoạt động với 25% công suất tối đa.

Địa điểm tôn giáo tại khu vực cấp 4 buộc phải đóng cửa, trong khi các trường học chỉ tổ chức dạy trực tuyến.

Trước đó, chính phủ Indonesia cũng đã áp đặt ệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp tại 122 quận, huyện thuộc 7 tỉnh và thành phố trên hai hòn đảo Java và Bali trong khoảng thời gian từ ngày 3-20/7.

Trong khi đó, Philippines cũng đã ghi nhận hơn 1,4 ca nhiễm, và 25.192 ca tử vong. Malaysia đã có 785.039 ca nhiễm và 5.574 ca tử vong.

Tại Mỹ, các trường hợp nhiễm mới đã gia tăng khi biến thể Delta lan rộng, nhất là tại các bang có tỷ lệ người dân tiêm chủng vaccine phòng bệnh thấp.

Tất cả 50 bang và thủ đô Washington đã báo cáo các trường hợp dương tính với biến thể Delta, được cho là có khả năng lây truyền cao hơn các chủng khác. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết dù các chuyên gia nhấn mạnh vaccine là biện pháp bảo vệ tốt nhất và cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại biến thể, nhưng tại một số bang, tỷ lệ người dân tiêm chủng vaccine phòng bệnh vẫn ở mức thấp.

Ngày 5/7, công ty dược phẩm Mexico (BIRMEX) thông báo đã sản xuất thử nghiệm lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V của Nga, nhằm đánh giá độ an toàn và chất lượng tiến tới việc sản xuất đại trà vào cuối tháng 7 này theo kế hoạch đề ra.

Trước đó, vào cuối tháng Sáu, BIRMEX đã ký một thỏa thuận với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) về các công đoạn sản xuất cuối cùng, gồm dán nhãn và đóng lọ vaccine Sputnik-V tại Mexico.

Hiện tại, Mexico đã tiếp nhận những lô nguyên liệu đầu tiên của vaccine Sputnik-V.

Ngoài việc hợp tác sản xuất, Mexico đã ký một thỏa thuận mua 24 triệu liều vaccine Sputnik-V và đã nhận được 4,1 triệu liều.

Tại châu Âu, Pháp và Nga bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 5,6 triệu ca nhiễm ở mỗi nước.

Trong khi đó, Anh và Italy đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca, còn Tây Ban Nha và Đức đã có hơn 3,7 triệu ca. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì có số ca tử vong cao nhất thế giới.

Trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành mạnh, Ấn Độ cho biết sẵn sàng chia sẻ nền tảng quản lý tiêm chủng CoWIN, theo đó ứng dụng này sẽ trở thành nền tảng mã nguồn mở và Ấn Độ sẽ chia sẻ phần mềm này với tất cả các quốc gia trên thế giới đang tìm cách tăng cường hệ thống kỹ thuật số trong cuộc chiến chống COVID-19.

Đến nay, CoWIN đã được sử dụng để tiêm 350 triệu liều vaccine COVID-19 tại Ấn Độ.

Thủ tướng Modi nói thêm rằng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, mọi người cần chung tay và chia sẻ kinh nghiệm.

Đến nay, đã có hơn 50 quốc gia từ Trung Á, Mỹ Latinh đến châu Phi, đã bày tỏ quan tâm đến nền tảng quản lý tiêm chủng CoWIN của Ấn Độ./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)