Cánh đồng năn lác

1.

Mọi chiều, Duệ vẫn nhập cuộc với đám con gái ở làng đi cắt cỏ. Lần này đi mãi đồng xa nơi xã khác. Ở làng Duệ, trẻ con biết làm việc giúp gia đình từ còn bé, nói chung là chúng chẳng khi nào được chơi một cách nhàn hạ cả. Nếu trông em thì kèm theo trông nhà, nấu cơm. Chăn trâu thì kèm theo nhặt củi rơi củi vãi dọc đường. Còn không thì ra đồng làm ruộng cấy hái, nhổ cỏ, bắt sâu, gánh nước

Riêng con gái tuổi dậy thì của các nhà thì rủ nhau đi cắt cỏ cho trâu bò. Mỗi ngày đều hẹn nhau ở gốc xà cừ to đầu xóm rồi đi thành hàng đoàn, dễ đến hai chục người. Đến ngã ba đầu đình, mọi người sẽ tản mát chia nhau ra cắt cỏ ở các cánh đồng khác nhau. Chừng ba bốn đứa một khu đồng, lăn lê bò toài, dùng liềm gọt sạch bóng những bờ cỏ, lội cả xuống vệ đầm, mương nước cắt sạch sẽ từng lọn cỏ núp trong bụi gai, hay đám cỏ năn cỏ lác trên mặt nước. Những bàn tay con gái xanh két nhựa cỏ.

Làng nghèo nhưng trâu bò nhà ai cũng béo, có cỏ ăn quanh năm. Những khuôn mặt con gái làng tơ non luôn bịt kín khăn bông, hát thầm dưới nón. Những cái lưng con gái không làm dáng luôn cúi xuống chăm chỉ dọc những bờ đầm, bờ ruộng. Chiều về, đoàn quân cắt cỏ tụ họp lại ở bến sông vui tươi náo nhiệt. Bọn nào cắt cỏ dính bùn đất thì phải rửa cỏ, bọn cắt cỏ khô nơi đồng cao thì xếp gánh, ngồi trên bờ tán chuyện. Kê cái đòn gánh để ngồi lên, đứa nào đứa ấy tháo hết nón, khăn che mặt và áo mặc ngoài ra. Những mái tóc đen nhánh buông xuống che những cái má hồng rực, tươi trẻ.

Mấy đứa cúi rửa cỏ dưới bến sông thì xắn quần cao, hở những bắp chân trần trắng nhễ, do đi bộ nhiều mà bắp chân đứa nào cũng to và chắc. Nói đến chuyện lấy chồng, mỗi đêm gác chân lên người anh ta, là anh ta khắc biết… làm mấy đứa cười phá lên. Bọn dưới té nước đùa nhau, bọn trên bờ cũng nhao nhao tán chuyện. Anh Tựa làm cán bộ thú y đi xe máy qua, bị cả bọn nhấc quang cỏ chặn đường. “Mấy cô này gọn vào cho tôi đi cái, đang vội” - anh Tựa kêu lên. “Anh ơi, lợn nhà em ốm rồi, u em bảo anh đến tiêm cho không nó chết mất”, “Anh Tựa ơi, cái Nga nó ốm rồi đây này, anh có chữa được không”. “Sao anh không học để chữa bệnh cho con gái bọn em mà học chữa bò chữa lợn thế, phí ra, anh Tựa ơi”… Anh Tựa ngoài ba mươi chưa vợ mặt đỏ như gấc, lúng búng không nói nên lời. Có đứa còn táo tợn: “Ai muốn được chăm sóc thì cưới anh Tựa đi, đêm tân hôn anh ấy khắc tiêm cho. Vợ chồng nhà ấy mà nuôi bò thì lớn phải biết, cỏ nhiều, thuốc tốt để đâu hết tiền bán bò”… “Gớm, người ta con gái hơ hớ không phải bò hay lợn đâu nhé mà tiêm”. “Ơ thế, các em không biết cái kim tiêm của anh Tựa mấy chục năm nay để không à… hé hé hé”. Tiếng nói và cái cười chua chảnh của chị Sông, người lấy chồng sớm nhất làng vừa đi từ trên đê xuống. Mấy đứa cười như pháo ran. Anh Tựa xấu hổ, lách xe bằng được rồi nổ máy vèo đi. Chẳng ai ngờ, ít thời gian sau, anh Tựa lấy một chị xinh đẹp nhất nhì hôm ấy. Chắc chắn không phải là Duệ rồi.

Duệ chỉ thấy thú vị khi đám con gái liên kết lại chọc ghẹo, dồn một thằng con trai nào đó vào thế bí, chứ không ưa cái vẻ lì lợm, hai mắt đùng đục của anh Tựa. Tan cuộc, cả bọn gánh cỏ lên vai, quần xắn cao đi về làng. Một hàng dài những quang cỏ lắc lư, những mái tóc phủ đầy ánh hoàng hôn. Có anh nhà thơ nào đó đi qua làng, gặp cảnh này sẽ phải thốt lên làm thơ tặng cô gái chân trần cắt cỏ chứ chẳng đùa. Duệ từng gặp cái ánh mắt thật khó hiểu của thằng bạn cùng làng. Nó nhìn mãi theo bóng Duệ, lại còn mỉm cười rất ấm áp. Điều đó đủ làm cô thấy vui vui, lòng xốn xang khi mỗi chiều gánh cỏ về, quên đi những nhọc nhằn cả ngày trời.

2.

Duệ thoáng ngỡ ngàng trước cánh đồng lạ. Quang cảnh hoàn toàn khác với đồng ruộng quê nhà. Ở đây, ruộng xếp bậc thang xuống sát vệ đầm. Lúa tốt ngang lưng. Những bờ ruộng cỏ bời bời. Gần đồng, những quả đồi chỉ có thưa thớt vài nhà ở. Thỉnh thoảng có con cò bợ kêu “túng… túng” giữa thảm xanh. Chị Nhẫn bảo với Duệ là sẽ cắt cỏ ở mấy cái ruộng sát chân đồi kia, vì cỏ cho bò cần khô ráo. Còn Duệ sẽ cắt ở khu ruộng sát đầm nước, vì nhà Duệ có trâu. Lạ một điều, đầm nước ở đây cỏ năn cỏ, lác mọc thành đám tốt không ai cắt, những vạt rau ngổ non mỡ trải dài. Duệ hạ gánh, vươn vai hít một hơi dài đầy lồng ngực rồi bắt đầu cắt. Cũng thoáng chột dạ, nhỡ đâu người ta cấm không cho cắt, tịch thu hết quang gánh thì sao. Nhưng nhìn đồng vắng lặng, nhà dân ở lại xa nên Duệ có phần yên tâm. Tay cầm liềm, tay nắm cỏ, Duệ thành thục cắt gọt sạch bóng mấy bờ cỏ. Nắm cỏ xếp chi chít sau lưng. Duệ xắn quần lội ra mặt đầm cách bờ chừng hai đòn gánh để cắt đám cỏ lác. Thân cỏ non cứ lay lay trước gió làm Duệ không thể không cắt về. Trâu nhà mình sẽ được vài ngày no nê thỏa thích - Duệ nghĩ thế và lội ra. Càng lội đến gần đám cỏ lác thì hình như đám bùn càng dính két. Duệ chột dạ nghĩ đến cái đầm lầy ác quỷ không đáy nuốt chửng con người cây cối trong truyện. Mặt bùn bỗng rung động. Cả một khoảng rộng cỏ lác lay chuyển. Tay Duệ vừa chạm vào khóm cỏ thì hẫng một cái, chân Duệ thụt sâu xuống, không thấy đất cứng, không thể rút chân lên. Càng cố nhoi lên thì Duệ càng tụt sâu xuống bùn, vành quần xắn đến đùi đã lấm bùn.

Duệ hoảng sợ, nhìn ra mặt đầm mênh mông cỏ, phía trên cũng là đồng lúa bao la, chị Nhẫn mãi bờ đồi kia, sẽ không ai cứu Duệ hết. Nếu cứ đà này, Duệ sẽ bị chìm dần, chìm dần xuống bùn lỏng, và chết. Đám năn lác xanh om đang động rùng rùng kia sẽ bị nuốt xuống bùn. Mới 15 tuổi, chả lẽ đã thành ma sao. Duệ bỗng nghẹn ngào. Chợt lóe lên trong óc Duệ một tia sáng. Duệ hết sức nhẹ nhàng túm vào một gốc cỏ gần nhất và từ từ nhoai người lên, từng chút một, chút một, nổi dần lên rồi lết qua mặt bùn, với vào bờ ruộng, bò lên. Duệ hoảng hồn nhìn đám bùn trên mặt đầm đã khép lại phẳng lặng như chưa hề có gì xảy ra. Bỗng “meo” một tiếng yếu ớt. Duệ nhìn quanh, con mèo nhỏ tội nghiệp đẫm bùn nằm thở ngay chỗ Duệ ngồi. Chắc nó cũng vừa thoát chết. Duệ đưa tay đỡ, con mèo bỗng đứng dậy, lết đi, nó đi theo bờ ruộng về phía ngôi nhà trên đồi. Một hàng dài lốt chân in trên cỏ. Duệ đi theo. Không biết ai sống trong ngôi nhà đó.

Duệ lách qua cánh cửa gỗ, một căn nhà kiểu biệt thự cổ kính hiện ra. Có vẻ vắng người. Mấy cánh cửa mạng nhện chăng kín. Giếng nước có chiếc gàu úp ngược còn ướt. Vậy là có người. Duệ lên tiếng: Bác ơi, bác…! Bác chủ nhà ơi! Con mèo ban nãy giờ ngồi trên bậu cửa ngơ ngác. Tiếng bát đũa va nhau. Một đàn chừng sáu bảy chú mèo túa ra kêu loạn xị. Một anh chàng chừng hơn tuổi Duệ đi ra. Duệ giật mình. Khuôn mặt anh ta méo mó. Hai mắt cách xa nhau bất thường, dáng người vẹo sang một bên, hàng nước dãi chảy xuống bên mép. Duệ lùi lại định ù té chạy. Anh chàng bỗng nói to: “Ừng ạy, ớ iền à” (đừng chạy, tớ hiền mà). Duệ sững người. Anh chàng đưa về phía Duệ cái ngô nướng rồi chỉ tay ra giếng: “ửa ặt i, ừng ao ờ ến ỗ ầm ầy á” (rửa mặt đi, đừng bao giờ đến chỗ đầm lầy nhá). Duệ chau mày đoán những câu nói ngọng và nhìn khắp xung quanh, có vẻ anh ta ở một mình hay sao. Không hiểu sống thế nào nhỉ. Anh ta chỉ vào nhà nói: “ối à ội ới a” (tối bà nội mới ra). Duệ ngồi nghe anh chàng nói ú ớ đủ thứ chuyện.

Duệ lờ mờ đoán ra sự cô đơn của anh ta, anh tên là Xuân hay Huân gì đó. Duệ bế con mèo ra giếng rửa sạch bùn cho nó rồi cúi chào tạm biệt chủ nhà. Anh chàng đứng bậy dậy: “Ào ẹ, ẹ ơi” (chào mẹ, mẹ ơi). Nghe tiếng chào ũng ướt…

Duệ chạy một mạch đến bờ đầm, xếp cỏ rồi về. Hoàng hôn đã nhuộm đỏ thảm cỏ lác. Có tiếng gì u trầm loang ra khắp mặt đầm, giống tiếng hát từ xa vọng lại, không phải, giống tiếng đàn hơn, âm thanh trong hộp kín. Gió xạc xào, những thân cỏ ngả nghiêng, tiếng u u biến mất, âm thanh lạ xuất hiện, trong hơn, giống tiếng sáo trúc, nhưng ngắt quãng như kiểu người thổi bị hụt hơi. Duệ bỗng nghĩ đến một mái tóc dài bung xõa vừa bay lướt qua mặt đầm. Thoáng rùng mình, Duệ đi như chạy, gánh cỏ bỗng nhẹ bẫng. Về đến đầu làng Duệ mới dừng lại thở. Đêm ấy Duệ khăn gói vào ngủ với bà nội để nghe chuyện ngày xưa, nhất là ngôi nhà ấy.

3.

… Xưa lắm rồi, chủ bãi thuyền sầm uất xứ Đông Bơ là người làm cho đồn điền Pháp. Căn biệt thự xây cầu kỳ nằm khuất lùm cây dành cho hai bà vợ và một đàn con. Cách mạng thành công, người Pháp biến xới, ông chủ bãi thuyền cũng phiêu dạt chân trời góc bể, căn biệt thự trở thành nơi hội họp của chính quyền. Dần dần trở thành kho chứa hàng hóa, nông sản. Không ai thèm ở nhà của bọn làm cho thực dân. Mấy chục năm hoang tàn, phải đến những năm chống Mỹ, Hợp tác xã cho vợ chồng một anh bộ đội ở nhờ. Anh bộ đội trước vốn là đứa trẻ mồ côi, xung phong ra trận, chị vợ ở nhà rau bèo nuôi lợn cấy lúa. Chị vợ tên Cải người vùng Thái Bình đẹp gái, tóc dài, khéo tay. Những sợi bèo khô, cỏ năn khô chị dùng bện thành những cái bị, cái giỏ tặng cho mọi người xung quanh và mang ra bán ở chợ làng. Do không có họ hàng, ngoài bà mẹ nuôi của chồng nên cuộc sống gia đình chị trở nên biệt lập. Chị hầu như ngày nào cũng ra bờ đầm cỏ lác cỏ năn ngồi chơi một mình, cho đến một ngày biến mất…

Chị Cải nức nở khóc khi sau chiến tranh chồng mình trở về. Thương binh cũng được, cụt một chân vẫn có thể sống hạnh phúc, miễn là đừng hy sinh. Anh chị vui mừng mời hàng xóm ăn bánh kẹo, dân làng chào đón, dành cho anh chị sự yêu quý, ngưỡng mộ. Ngày nào người ta cũng thấy hai vợ chồng chị Cải làm từ sớm tới khuya sửa lại nhà, đào ao, đắp vườn…. Chị Cải vui nhất là sắp được làm mẹ. Cái bụng ngày một lớn lên cùng bao khắc khoải và hy vọng. Chị mong mỏi. Còn anh thương binh thì lo lắng, những nỗi lo không thể để cho vợ biết.

Ngày trở dạ, người ta nghe thấy tiếng chị rú lên ở phòng trạm xá. Thằng bé biết khóc nhưng vẹo vọ hình hài, hai mắt cách xa nhau trố ra, miệng không khép lại được. Cải khóc ngất, người chồng quỳ dưới chân giường nắm tay vợ an ủi “dù sao nó cũng là con của mình em ạ”, nước mắt lặng lẽ chảy trên hai má. Hóa ra chuyện những cánh rừng cháy khét vì chất độc hóa học, những thùng phuy bột trắng máy bay địch thả xuống chiến trường – nơi bộ đội Việt Nam hành quân mà chồng kể lại liên quan đến chị. Thảo nào anh cứ phấp phỏng lo lắng, cứ lần lữa không muốn có con. Chị Cải ôm chồng khóc mấy ngày, mãi chị mới bế con cho bú. Tình mẫu tử, những sẻ chia, yêu thương của chòm xóm cũng làm chị nguôi dần. Thằng bé lớn lên ngốc nghếch, ốm đau.

Chị gầy rộc. Nhưng chị vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu của tạo hóa. Ngày nào chị cũng ra bờ đầm, ném đủ thứ mảnh bát, ngói vỡ xuống đám sình lầy làm vui. Nhìn các thứ bị bùn nuốt ngay chớp mắt không dấu vết, chị cũng lành dần những khổ đau.

Chị có bầu bận thứ hai, cả làng cả xã hồi hộp, anh chồng không dám ra trạm xá. Ai cũng giục chị đi xuống tỉnh kiểm tra xem rồi tính, nhưng vin vào hoàn cảnh, đường xa chị không đi. Không phải, chị muốn kiểm chứng những ước vọng mãnh liệt của mình. Đêm ấy mưa gió, bà đỡ đến đỡ đẻ cho chị Cải. Đứa bé ra đời khóc tiếng mèo, hình hài kỳ dị. Bà đỡ dù là người từng trải cũng giật mình, vội lấy cái khăn bông quấn đứa bé vào, chưa đưa cho Cải vội. Chị Cải thiếp đi đến tàn trăng, bà đỡ cũng ngồi như hóa đá, mẹ nuôi của chồng chị Cải bế đứa nhỏ nói thì thầm: “tội nghiệp cháu tôi, nó đi rồi…”.

Tiếng chân vội vã, xiêu vẹo trong mưa, ngọn đèn bão leo lét, mấy người đàn ông trong xóm cùng bà già ra nghĩa địa giữa khuya. Anh thương binh chống nạng dựa vào bức tường cụt cuối cánh đồng nuốt tiếng nấc khô đắng khi đứa con bé bỏng chưa kịp nhìn mặt cha mẹ đã về với đất. Nước mưa chảy tràn qua mặt anh.

Mỗi ngày, làng xã đều cử một người đến nhà chị Cải giúp đỡ công việc và động viên hai vợ chồng. Nhiều ngày tháng sau đó, chị Cải hầu như không nói, chị mua về một đàn mèo cả chục con để chăm bẵm, bế bồng. Chị ngồi như tượng đá, mắt vô hồn xa xăm, tay xoa lưng cho thằng Khờ. Thằng bé nghe chừng hiểu phận mình, nó ôm chặt lấy chân mẹ ú ớ nói cười. Chồng chị dồn hết sức lực chăm bẵm vườn nhãn sau nhà. Chiến tranh bom đạn không quật ngã được anh nhưng nỗi đau chuyện sinh nở đã làm anh kiệt sức.

Chị Cải ra bờ đầm ngồi từ bình minh đến hoàng hôn. Có hôm chị hát bài gì đó u trầm buồn bã. Chị hú hét trong những khóm năn, khóm lác một hồi rồi xõa tóc đi trên bờ cỏ như diễn xiếc. Phụ nữ quanh vùng bảo chị Cải phát điên rồi, khổ thân. Rồi chị Cải không về. Chồng con và hàng xóm dáo dác đi tìm. Đôi dép trên bờ cỏ, một vạt cỏ bết xuống bùn dẫn ra đám sình không đáy. Từ lâu người ta đã rào vùng sình lầy nguy hiểm ấy lại bằng đám gai tre. Trai tráng buộc dây thừng vào thắt lưng để lặn xuống đám bùn mò mẫm. Hàng chục người cầm đầu dây hết sức kéo họ lên từ hố bùn. Không thấy gì hết, không thể tìm kiếm, mọi người chấp nhận chị Cải đã biến thành cỏ năn cỏ lác trong đầm.

Chồng chị Cải sau đó cũng đi tìm vợ. Đến nay cả chục năm vẫn chưa trở về. Bà nội thằng Khờ rau cháo nuôi cháu lớn lên. Được cái nó ngoan nên cả ngày chơi với đám mèo con trong nhà. Thi thoảng có cô giáo tình nguyện đến dạy chữ và vẽ tranh…

“Bà ơi, chuyện nghe thương thế, lúc chiều cháu suýt bị tụt xuống hố bùn không đáy đó bà” – Duệ ôm lấy bà nội nói. Bà nội Duệ ngồi phắt dậy: “Không ai người ta đến bờ đầm đó đâu, nguy hiểm lắm, con bé này…”. Ra vậy, thảo nào, cỏ tốt bời bời, cỏ kết bè kết tảng thành vô vàn điệu nhạc du dương, trầm bổng, u buồn. Cỏ kể chuyện về nỗi đau của vợ chồng anh thương binh… “Biết đâu một ngày nào đó bố mẹ thằng Khờ trở về bà nhỉ”. “Ừ, ai cũng mong thế”…

4.

Hôm sau, Duệ không đi cắt cỏ mà gói một bọc xôi lạc to chạy tắt đồng đến nhà thằng Khờ. Bà bảo nó ít hơn Duệ một tuổi. Duệ mở cổng đi vào, lũ mèo chạy tán loạn, thằng Khờ cười bẽn lẽn. Duệ đưa cho Xuân bọc xôi. Duệ thích gọi Khờ là Xuân, cái tên gợi cho người ta niềm vui. Duệ quét quáy dọn dẹp rồi nói cho Xuân nghe mình từ đâu đến, nhà có những ai. Mấy tháng liền, Duệ đều mang sách đến cho Xuân, đọc truyện cho nó nghe. Thằng Xuân ngồi chăm chú nghe, mắt chớp chớp, dãi chảy dài xuống cằm. Nó lấy khăn lau rồi bỗng ôm chặt Duệ khóc “Ẹ ơi”. “Chị không phải là mẹ em, mai chị đến đưa em sang làng chị chơi nhé”.

Duệ không ngờ chưa kịp gặp bà nội Xuân thì bà mất, vợ chồng anh Tựa chị Nga xin với xã đón thằng Khờ về nuôi. Anh Tựa cưới chị Nga xinh nhất đám cắt cỏ đã là bất ngờ. Giờ anh Tựa chị Nga xin nuôi Xuân càng bất ngờ hơn. Bà Duệ bảo mẹ anh Tựa chính là chị ruột bà nội nuôi của thằng Khờ, vì cây mà dây quấn. Anh Tựa bảo: “Mai anh nhờ Duệ đi xe ra đèo thằng Khờ về làng nhé, cứ đưa về nhà em xong anh sang đón”. Duệ sẽ đèo Xuân về làng. Vui và may quá, nó đã không phải cô đơn. Khờ ngồi sau xe ôm chặt lấy Duệ cười dọc đường, lâu lâu lại “ẹ, ẹ, ỗ ày ẹp óa” (mẹ, mẹ, chỗ này đẹp quá). Nhiều người tinh ngịch trêu là “đôi uyên ương”. Duệ cũng chẳng buồn, Duệ thương Xuân, thương vợ chồng cô Cải, nhất định sau này lấy chồng, Duệ sẽ vẫn mua quà cho Xuân. Giờ mới mười sáu tuổi, lo gì, Duệ còn học đại học.

Buổi tối Khờ nhập khẩu nhà anh Tựa, cả xóm đến chơi, cho bánh kẹo, quần áo, đồ ăn không đếm xuể. Mẹ Duệ mang cho Xuân hộp màu nước. Xuân mặc quần áo mới, ngồi cười, gọi tất cả mọi người là mẹ. Xuân chạy lại kéo tay Duệ hỏi “èo âu?” (mèo đâu). Lạ quá, chưa bao giờ nó thấy đông người thế này, lũ mèo của nó đâu nhỉ. Xuân tuy ngoại hình như vậy, nói năng ngô ngọng nhưng lại rất nhớ và hiểu ý. Duệ vỗ vỗ vào vai nó, vậy là Xuân ngồi xuống nghe mọi người nói chuyện. Đêm về, Duệ thấy bố mẹ rì rầm đến khuya. Cái gì đó liên quan đến lớp dạy vẽ cho trẻ tự kỷ của chị Hằng - chị gái Duệ trên tỉnh. Cái gì đó liên quan đến Hội cựu chiến binh huyện hình như đã tìm ra manh mối vợ chồng cô Cải. Duệ thầm thấy vui, phải thế chứ, phải trở về chứ…

5.

Duệ đưa các chị em cùng hội cắt cỏ của làng và thằng Xuân ra đầm cỏ lác. Hôm nay đám cỏ lác bị rạp xuống sau mưa bão. Cỏ năn xếp sóng nhau từng lớp, từng lớp như mái tóc khổng lồ ngả trên mặt đầm. Các chị trầm trồ chỉ trỏ, thật lạ, tuy cách vài cây số mà chưa bao giờ các chị nhìn thấy nơi này. Duệ kể lại câu chuyện nghe từ bà nội. Mọi người trầm tư hẳn. Bỗng mặt đầm rung chuyển, chỗ sình lầy không đáy bỗng chao đảo, lắc lư, cả một khoảng lớn cỏ năn cỏ lác chuyển động, trôi dần vào chỗ đám bùn, từ tự tụt xuống cái hố sâu thăm thẳm. Cả bọn kinh hãi kêu lên. Duệ chột dạ, nếu cô Cải nằm trên đám cỏ năn kia và trôi vào đó thì sao… Duệ thấy cầu vồng xuất hiện. Các chị túm tụm lại bảo nhau, đầm này có ma, con ma dụ cái Duệ đến đây. Duệ không tin chuyện đó, nhưng nhờ đầm cỏ này mà cô biết thêm câu chuyện về số phận con người. Chỉ mười phút sau, cả một thảm lớn cỏ năn cỏ lác không còn dấu vết. Mặt đầm lại bình yên phẳng lặng. Ngày mai, cỏ lại tươi tốt, lấp đầy. Cả một cánh đồng cỏ lác mênh mông…

Duệ bóp chặt tay Xuân thì thầm: “Em đừng sợ, mình không lội ra chỗ kia là được, đầm cỏ này đẹp mà, rồi bố mẹ em sẽ trở về, chị tin là thế. Khổ đau rồi sẽ qua…”. Tự bản thân Duệ cũng mơ về một ngày mai cô Cải đi cùng người chồng thương binh trở lại làng. Mong mỏi lắm. Cánh đồng cỏ lác ngày ngày trôi trong tâm trí Duệ. Âm thanh u trầm trong đầm lầy thôi thúc Duệ không được lãng quên thằng Khờ. Trong ký ức cắt cỏ tươi vui, Duệ luôn nghĩ đến cảnh Xuân bế mèo, chờ mẹ bên đầm cỏ bời bời…

Nguyễn Thị Mai Phương (theo baovannghe.com.vn)