Độc đáo đền Chín Gian

Đền Chín Gian tọa lạc trên ngọn đồi Pú Pỏm có độ cao 186,4m so với mực nước biển. Ban đầu, đền được làm bằng tranh, tre, nứa; sau được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn đặc trưng của đồng bào Thái. Đền có diện tích 138,6m2, gồm 9 gian, mái và xung quanh đều được đóng bằng gỗ; phía trước và hai bên trổ cửa, mái xòe rộng sang 4 phía. Trên bờ nóc, bờ giải trang trí hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt” - sự giao thoa văn hóa giữa miền xuôi và miền ngược. Hai bên hồi có 2 cầu thang lên xuống, mỗi bên gồm 9 bậc. Bên trong đền chia thành 9 gian, tương ứng với nơi thờ tự của 9 mường. Chính giữa là nơi thờ mường chủ, còn lại là nơi thờ 8 mường anh em. Trên mỗi ban thờ đặt các đồ tế khí gắn với phong tục tín ngưỡng của đồng bào Thái như ống tre đựng nước, bạc nén, vải thổ cẩm...

Ngoài công trình chính, trong không gian đền còn có các hạng mục di tích bổ trợ như: Bãi Tắm trâu (hay bến Tà Tạo) nằm dưới chân đồi, bên bờ sông Nậm Giải, là nơi thực hiện lễ phóng sinh và nghi lễ tắm trâu trước khi rước trâu về tế lễ. Gần đó là am Thổ thần và am nghỉ. Từ đây, du khách sẽ leo 164 bậc đá xanh để đến sân đền, nơi có 9 con trâu màu đen và trắng, được làm bằng xi măng đặt trên bệ đá, là vật hiến tế tượng trưng của các mường xưa. Phía trước 9 con trâu có 9 vạc đựng nước mưa để luộc trâu, tế thần.

Đền Chín Gian được coi là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào Thái ở miền Tây Nghệ An. Gắn với di tích là Lễ hội đền Chín Gian diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Hai âm lịch hằng năm, với quy mô liên vùng gồm các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương và vùng Sầm Tớ (Lào) với nhiều phong tục văn hóa đặc sắc. Năm 2016, Lễ hội đền Chín Gian đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đền Chín Gian được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2008.

Trung Nguyên/ Hà Nội Mới