Việt Nam dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền LHQ

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự một cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Ngày 22/2, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ), Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động mở đầu của Khóa họp là Phiên họp cấp cao được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của hơn 115 đoàn cấp cao, trong đó có 7 Tổng thống, 2 Phó Tổng thống, 4 Thủ tướng, 9 Phó Thủ tướng, 1 Quốc vụ khanh và, 91 Bộ trưởng.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự.

Phiên khai mạc diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền, bà Nazhat Shameem Khan (Đại sứ Fiji).

Ông Volkan Bozkir - Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; ông Antonio Guterres - Tổng Thư ký Liên hợp quốc và bà Michelle Bachelet - Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, tham dự và phát biểu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh quyền con người là cơ sở kết nối nhân loại, giải quyết các xung đột và xây dựng hòa bình bền vững trong đó, Hội đồng Nhân quyền là cơ quan toàn cầu chính để giải quyết các thách thức về quyền con người.

Ông Antonio Guterres đánh giá, đại dịch COVID-19 đã khiến các thách thức về quyền con người trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng nặng nề tới các nhóm yếu thế và kêu gọi tập trung hành động trong hai lĩnh vực ưu tiên gồm chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại và bình đẳng giới.

 Toàn cảnh phiên khai mạc Khóa họp lần thứ 45 Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN

Tổng Thư ký Liên hợp quốc phê phán chủ nghĩa dân tộc vaccine; tình trạng phát tán các thông tin sai lệch hoặc tình trạng xâm phạm, thu thập, lợi dụng thông tin của người dân để phục vụ lợi ích thương mại.

Bà Michelle Bachelet - Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc - cũng phát biểu về tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 đối với việc bảo đảm, thúc đẩy quyền con người trên thế giới; nhấn mạnh, các giải pháp ứng phó với đại dịch cần dựa trên cơ sở bảo đảm các quyền con người, niềm tin của cộng đồng, các thể chế dân chủ hiệu quả.

Phát biểu tại Phiên họp cấp cao diễn ra cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những khó khăn do đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng; đời sống hàng tỷ người bị tác động tiêu cực, tạo áp lực nặng nề lên hệ thống y tế và an sinh xã hội của tất cả các nước; ảnh hưởng đến việc thụ hưởng quyền con người.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực, phục hồi khi thế giới bước sang trạng thái “bình thường mới;” cho rằng đại dịch là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, trong đó, sự đoàn kết và hợp tác quốc tế là yếu tố then chốt để giúp vượt qua thách thức.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, việc bảo đảm cho xã hội an toàn trước dịch bệnh là cách tốt nhất để bảo đảm việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người cho mỗi thành viên trong xã hội; nêu bật các chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh đại dịch; vừa kiểm soát đại dịch, chăm sóc sức khỏe người dân vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng thông tin về những đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực chung của thế giới ứng phó với đại dịch COVID-19 như hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế cho hơn 50 nước và đối tác quốc tế; đề xuất và được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết chọn ngày 27/12 hàng năm là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức về việc phòng ngừa và ứng phó các dịch bệnh.

Tại Phiên thảo luận cấp cao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo việc Việt Nam, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Khóa họp thường kỳ lần thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 22/2-23/3 nhằm thảo luận các biện pháp thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa./.

Thu Hằng