Nét đẹp trong đời sống tâm linh ở Thái Lan

 Người dân Thái Lan rất coi trọng văn hóa ứng xử nơi đền, chùa.

Vào những ngày đầu năm mới, người dân Thái Lan thường đi lễ chùa để dâng vật thực và cầu nguyện cho một năm bình an, cuộc sống trường thọ. Trong lễ dâng vật thực này, người Thái trao các vật dụng sinh hoạt cho các sư thầy để tỏ lòng thành kính. Trong những giỏ quà, các phật tử thường đặt vào đó lương thực hoặc đồ dùng cần thiết như gạo, xà bông, thuốc men, áo quần, nước trái cây, nến, dù, giày dép, đèn pin, sữa, kem và bàn chải đánh răng, nước khoáng, mỳ gói...

Một số tín đồ Phật giáo ngoài quyên góp tiền vào hòm công đức đặt trong chùa còn trực tiếp trao tặng tiền cho các tăng lữ. Số tiền này tùy vào lòng hảo tâm của phật tử và tuyệt nhiên các tăng lữ không được quyền yêu cầu phật tử cho tiền. Đó là một điều cấm kỵ ở đất nước Chùa Vàng. Người Thái cũng không bao giờ để tiền vào tay tượng Phật vì đó là một hành động bất kính, trái với đạo lý nhà Phật.

Theo truyền thống, người dân Thái Lan ăn mặc rất cẩn thận khi đến chùa và họ cũng đặt ra những tiêu chuẩn về trang phục đối với khách du lịch muốn tới lễ Phật. Để đảm bảo sự tôn nghiêm, thông thường, váy hoặc quần phải có chiều dài quá đầu gối. Áo cũng phải kín đáo, không được hở vai, lưng và bụng. Rất nhiều ngôi chùa yêu cầu phật tử và khách du lịch để giày dép ở bên ngoài gian thờ.

Không riêng gì ở Thái Lan mà hầu như quốc gia Phật giáo nào cũng vậy, nữ giới thường giữ khoảng cách khi tiếp xúc với các vị sư và không chạm tay vào họ. Ngoài việc chú ý không cười nói quá to, hạn chế chụp ảnh khi vào đền, chùa, trong văn hóa Thái Lan, việc chỉ tay bằng ngón trỏ bị coi là bất lịch sự. Chính vì thế, khi tham quan một ngôi đền, chùa và muốn chỉ ra một chi tiết thú vị cho bạn bè hoặc hỏi người hướng dẫn về điều gì đó, khách tham quan sử dụng cả bàn tay với lòng bàn tay hướng lên trên để chỉ. Bên cạnh đó, theo quan điểm của người Thái, chân là bộ phận “thấp kém” nhất nên khi ngồi đàn ông thường bắt chéo chân và phụ nữ quỳ gập chân về phía sau. Đặc biệt, khi ở trong chùa, việc ngồi gác chân cao, ngón chân chĩa vào các tượng Phật được xem là hành vi phỉ báng đức Phật.

Chính vì những quy tắc nghiêm ngặt tại các đền, chùa Thái Lan, trên diễn đàn du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor, chủ đề mặc gì và làm gì khi tới chốn tâm linh ở xứ Chùa Vàng được các thành viên bàn tán rất sôi nổi. Nhiều ý kiến đồng tình rằng, tùy vào mỗi quốc gia, tùy vào từng khu vực mà cách ăn mặc phải tuân theo quy tắc “nhập gia tùy tục”. Tại các đền, chùa Thái Lan, khách du lịch thường được khuyến cáo mặc phục trang giản dị, kín đáo, tránh những chiếc áo bó sát người và quần cộc vì đây là một đất nước Phật giáo lâu đời. Nhiều người đến chùa để cầu nguyện và thiền định, vì vậy, tốt hơn hết là tránh nói chuyện rôm rả và nên để điện thoại ở chế độ im lặng.

Người dân Thái Lan rất tôn thờ Phật và đền, chùa với họ là nơi rất linh thiêng. Du khách có thể nhìn thấy những lời nhắc nhở của Phật giáo trong suốt chuyến du lịch của họ. Do đó, nhiều người dân đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi du khách đến nơi linh thiêng có thái độ khiếm nhã. Cách đây không lâu, một phụ nữ phương Tây bị người dân Thái Lan phản ứng dữ dội sau khi mặc váy ngắn và ngồi hớ hênh chụp ảnh tại chùa Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc) ở Bangkok. Hình ảnh nữ du khách trong tư thế phản cảm đã bị một người đi chùa chụp lại và đăng tải trên facebook với dòng nhận xét: "Đây là hành động không phù hợp. Dù không nhìn thấy biển cảnh báo, cô ấy cũng không nên làm vậy". Năm 2017, một cặp du khách nam quốc tịch Mỹ cũng chụp ảnh khiếm nhã trước một ngôi chùa. Hai người này bị cảnh sát bắt giữ, phải nộp phạt và bị trục xuất khỏi Thái Lan.

Hiểu và trân trọng các tập tục, quy định khi đi lễ đền, chùa, mỗi du khách không chỉ tạo được thiện cảm với người dân Thái Lan mà còn giúp họ gìn giữ, bảo vệ sự tôn nghiêm ở chốn linh thiêng, qua đó lan tỏa nét văn hóa đẹp trong đời sống tâm linh ở đất nước có tới 95% dân số là phật tử.

Quỳnh Dương/ Hà Nội Mới