Làn sóng kiều bào trẻ về Việt Nam lập nghiệp

Trong 5 năm qua, mỗi năm có khoảng từ 700 nghìn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước du lịch, thăm thân, tìm hiểu và triển khai các cơ hội đầu tư, làm việc… Một tín hiệu vui là trong số này có rất nhiều kiều bào trẻ vốn sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, khái niệm về Việt Nam trong họ vốn chưa được định hình rõ nét, nhưng nhờ những chuyến trở về trải nghiệm chốn cội nguồn đã níu chân họ. Để rồi, rất nhiều bạn trẻ đã quyết định ở lại Việt Nam lập nghiệp và đóng góp tích cực cho sự phát triển phồn vinh của đất nước.

MIMI VŨ VÀ CÁC DỰ ÁN CHỐNG BUÔN BÁN NGƯỜI

Mimi Vũ sinh ra tại thành phố Flint, bang Michigan, Mỹ, trong một gia đình người Việt và là con út trong bốn người con. Bố cô là bác sĩ và mẹ cô là dược sĩ. Khi còn nhỏ, Mimi Vũ được nuôi lớn hoàn toàn trong văn hóa Việt Nam và thừa hưởng những điều tốt đẹp từ cả hai nền văn hóa. Theo truyền thống của gia đình, Mimi Vũ đi theo con đường khoa học và toán học, nhưng khi đang học Nha khoa ở trường đại học thì cô nhận ra mình không thỏa mãn với con đường sự nghiệp đó, nên đã quyết định học thạc sĩ ngành Chính sách và Phát triển Quốc tế, rồi lại tiếp tục lên kế hoạch học tiến sĩ. Đây cũng là lúc MiMi Vũ cần đến những kinh nghiệm thực tiễn quốc tế và chú tâm đến các nước đang phát triển. Lựa chọn cô ưu tiên lúc đó là châu Phi, nhưng sự gợi ý của cha đã khiến con đường sự nghiệp của Mimi Vũ đột ngột rẽ hướng. “Sao con không về Việt Nam nhỉ? Con nên trở về giúp xây dựng đất nước. Bây giờ con đã được học hành, có bằng cấp, con nên trở về để xây dựng và khiến đất nước tươi đẹp hơn.” – lời khuyên của cha mà sau này Mimi Vũ vẫn hay đùa “đó là một mệnh lệnh đã thay đổi cuộc đời tôi”.

 Sáng kiến mác áo trong dự án Chống buôn người của Mimi Vũ và các cộng sự

Chỉ sau hai tuần gửi lý lịch đi, Mimi Vũ đã nhận được thư mời đề nghị phỏng vấn cho một vị trí ở tổ chức East Meets West tại Đà Nẵng, dù lúc đó cô chưa biết Đà Nẵng ở đâu, mà chỉ nghĩ đó là về Việt Nam làm việc. Và East Meets West cũng chính là tổ chức phi chính phủ đầu tiên mà MiMi Vũ đầu quân tại Việt Nam. Kế hoạch của cô lúc đó là sẽ chỉ làm việc tại Việt Nam 2 năm rồi quay về Mỹ học tiến sĩ, nhưng MiMi Vũ cũng không ngờ rằng, sau quyết định ngày đó, đến nay cô đã ở lại Việt Nam 13 năm.

Tại Việt Nam, Mimi đã tìm thấy rất nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp tại các công ty và tổ chức phi lợi nhuận. Từ công việc chuyên viên phát triển và thông tin cho tổ chức East Meets West, cô chuyển sang làm Giám đốc Phát triển cho tổ chức Vina Capital. Nhờ đó, cô tích lũy thêm kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có gây quỹ và chiến lược quan hệ đối tác, quan hệ đối tác công-tư, cũng như tương tác với các cộng đồng xa xứ.

Năm 2013, nhờ bắt đầu làm việc cho tổ chức Pacific Links, cô có thêm chuyên môn và kiến thức về buôn bán người, nô lệ hiện đại, di cư bất thường và bình đẳng giới. Đây cũng là công việc đem tới những dấu ấn và bước ngoặt cho MiMi Vũ khi cô quyết định trở về làm việc tại Việt Nam. “Dựa trên hoạt động mà tổ chức đang thực hiện đó là giúp đỡ các nạn nhân của nạn buôn bán người, công việc của tôi là nỗ lực ngăn chặn tệ nạn đó bằng cách nghiên cứu các vấn đề về phát triển như: thiếu giáo dục, mất cân bằng giới, đồng thời kêu gọi thêm nhiều đối tác và người ủng hộ đấu tranh chống buôn người trên quy mô toàn cầu, bởi vì đây chính là bản chất của vấn nạn buôn người. Nó bắt đầu từ những ngôi làng rồi ngay lập tức trở thành một vấn đề một quốc tế, khi các nạn nhân bị bán ra nước ngoài” – Mimi Vũ chia sẻ thêm về công việc của mình.

 MiMi Vũ cùng các kiều bào tiêu biểu gặp gỡ lãnh đạo TP. HCM 

Theo số liệu của Bộ Công an, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 300-400 vụ buôn người với khoảng 1 nghìn nạn nhân và các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 500 đối tượng. Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm UNODC ước tính: lợi nhuận có được từ mua bán người trên thế giới là 150 tỷ USD mỗi năm, gần bằng GDP của một quốc gia đang phát triển.

Là một chuyên gia về chống buôn bán người, ngoài những chuyến đi thực địa, hỗ trợ các nạn nhân của nạn buôn người, Mimi Vũ thường xuyên có những bài phân tích và phỏng vấn trên báo chí và các hãng thông tấn quốc tế. Công việc của cô cũng đòi hỏi thường xuyên đi đi về về giữa Việt Nam và châu Âu.

Tại châu Âu, Mimi Vũ thường gặp gỡ các cộng đồng người Việt xa xứ, các chợ ở Séc, Berlin, Ba Lan, Pháp và dọc biên giới giữa Séc và Đức. Đó không chỉ là nơi cộng đồng người Việt sinh sống, mà còn là nơi diễn ra hoạt động buôn bán người. Bên cạnh đó, cô cũng đi thăm các trại của người nhập cư từ Việt Nam. Tại đây cô đã hỗ trợ người Việt trong các cuộc thẩm vấn và cung cấp bằng chứng chuyên môn cho những người bị mắc kẹt trong hệ thống pháp lý, giúp chứng minh họ không phải những kẻ buôn lậu ma túy mà chính là nạn nhân của nạn buôn bán người và nô lệ hiện đại. Cô đã phỏng vấn rất nhiều người Việt, ở nhiều giai đoạn khác nhau trong hành trình của họ, đây là cách để cô nhận biết các xu hướng, chẳng hạn như nạn buôn bán người đang thay đổi như thế nào trên thực địa.

Sau 6 năm làm việc cho Pacific Links Foundation, Mimi Vũ cùng người bạn của mình đã sáng lập Raise Partners, một công ty tư vấn về trách nhiệm công dân của doanh nghiệp. Trách nhiệm công dân của doanh nghiệp là một thuật ngữ còn khá mới tại Việt Nam. Nó đề cập đến các trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội và môi trường. Nhiệm vụ của Raise Partners là nâng cao yếu tố đó trong doanh nghiệp theo cách tư duy chiến lược, tư duy cho tương lai. Bởi theo Mimi Vũ, yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp đã được Mimi Vũ và Raise Partners tư vấn về trách nhiệm công dân của doanh nghiệp vì ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này trong phát triển bền vững.Còn tại Việt Nam, trên chính quê hương của mình, Mimi Vũ cũng đã tham gia triển khai những dự án cụ thể để giúp ngăn chặn buôn bán người. Trong đó điển hình là dự án: hợp tác với Công ty quảng cáo Ogilvy và Nhà máy may mặc Unavailable để tạo ra những chiếc nhãn mác “cầu cứu” trên quần áo. Trên nhãn có ghi bằng tiếng Việt và tiếng Trung, hoặc là tiếng Việt và tiếng Anh: “Tôi bị cưỡng bức đưa tới đây. Tôi là nạn nhân của nạn buôn bán người. Hãy đưa tôi đến sở cảnh sát hoặc đại sứ quán” và có cả số điện thoại, Zalo, Whatsapp in trên mác áo… Sau đó các sự kiện tiếp cận cộng đồng, tuyên truyền về cách phòng chống buôn bán người sẽ được tổ chức tại các chợ dân tộc trên biên giới phía Bắc, những chiếc áo được tặng miễn phí và hướng dẫn cụ thể cho bà con đồng bào dân tộc. “Ý tưởng này rất tuyệt vời! Bởi vì đó là một hoạt động cộng đồng ở cấp độ cơ sở, liên kết với các đơn vị tư nhân, sử dụng khả năng sáng tạo. Chúng tôi cũng hợp tác với chính quyền địa phương hay những người đứng đầu mỗi cộng đồng cư dân. Chúng tôi thực hiện hoạt động này bằng tiếng Việt và bố trí người dịch sang cả tiếng H’mong, tiếng Tày, tiếng Dao Đỏ. Đó là một dự án tuyệt vời! Đây là một cách đưa thông tin với cách thức rất đơn giản nhưng lại rất ý nghĩa vì mọi người sẽ ghi nhớ.” – Mimi Vũ hào hứng chia sẻ về dự án đặc biệt này.

Đến nay sau 13 năm, MiMi Vũ vẫn đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Với cô, Việt Nam đã trở nên thân thuộc, là “nhà” để gắn bó, phát triển sự nghiệp và tận tâm cống hiến.

VIETCETERA VỚI SỨ MỆNH NÂNG CAO HÌNH ẢNH CỦA VIỆT NAM

 “Xây dựng một cộng đồng kiều bào trẻ tại Việt Nam và chia sẻ câu chuyện của họ, lý do họ đang có mặt tại Việt Nam. Mong muốn độc giả trong nước và quốc tế trân trọng một Việt Nam thật khác, một Việt Nam hiện đại và trẻ trung”. Đây chính là lý do ra đời Vietcetera – công ty đa phương tiện cung cấp nền tảng nội dung song ngữ Việt – Anh, do 2 bạn trẻ kiều bào là Hảo Trần và Guy Trương sáng lập.

Hảo Trần sinh ra và lớn lên tại San Francisco, Mỹ. Từng sống ở nước ngoài một thời gian nhưng mãi đến khi 20 tuổi, Hảo Trần mới về Việt Nam lần đầu tiên. Những gì anh biết về hai tiếng “quê hương” lúc đó gần như con số 0 tròn trĩnh. Tình cờ có một công ty ở Mỹ muốn mở văn phòng tại Việt Nam và thế là Hảo Trần có cơ hội đến Việt Nam để tiếp tục làm công việc mà anh đang làm. Nhưng lúc đó anh nghĩ cũng chỉ làm công việc này khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, anh gặp cộng sự của mình, người sáng lập Vietcetera – anh Guy Trương.

 Guy Trương và Hảo Trần (từ trái qua) đồng sáng lập Vietcetera

Guy Trương sinh ra tại Việt Nam, gia đình anh chuyển đến Bỉ năm 1979 khi anh mới 3 tuổi. Năm 1999, anh trở về Việt Nam để mở một công ty về nhân sự. Sau đó Guy Trương trở lại Bỉ và khoảng 12 năm trước anh mới về lại Việt Nam lần nữa. Có lẽ may mắn hơn rất nhiều các kiều bào trẻ khác, ngay từ khi còn nhỏ bố mẹ Guy Trương đã thường xuyên đưa anh về Việt Nam để thăm gia đình, bởi vậy mà tình yêu với cội nguồn như được ngấm vào anh từng chút một. Nếu Mỹ - nơi Guy Trương từng lựa chọn để làm việc, đã giúp anh có được rất nhiều kỹ năng, gặp những người rất tuyệt vời và học hỏi được nhiều điều; thì Việt Nam lại cho anh một cảm giác phấn khích, đầy những khám phá và cơ hội. Đây cũng là điều không chỉ thu hút Guy Trương trở về, mà còn tiếp tục là một trong những lý do khiến anh quyết định ở lại Việt Nam.   

Là những kiều bào trẻ nên cả Hảo Trần và Guy Trương đều thấy rằng họ không có nhiều thông tin về Việt Nam, thậm chí vốn tiếng Việt của họ cũng khá hạn chế. “Chúng tôi không có nhiều thông tin bằng tiếng Anh về những gì đang diễn ra ở Việt Nam” – cả Hảo Trần và Guy Trương đều thừa nhận như vậy. Để tìm ra giải pháp cho chính mình và cộng đồng kiều bào trẻ khắp thế giới, cả 2 đã bắt tay sáng lập Vietcetera.

Mùa hè năm 2016, Vietcetera ra mắt trong vai trò một chuyên trang thông tin trực tuyến về các vấn đề Việt Nam, về xã hội, kinh doanh và hơn thế nữa. Họ bắt đầu bằng niềm tin rằng có một nhóm độc giả trong và ngoài Việt Nam, với tư duy toàn cầu, đang khao khát những bài viết sâu về một Việt Nam năng động, cuốn hút và những câu chuyện về những nhân vật tại đây. Vietcetera hiện có hơn 20 thành viên mong muốn gắn bó với công việc. Sau gần 3 năm hoạt động chính thức, Vietcetera có tốc độ tăng trưởng hàng tháng hơn 20% với hàng trăm nghìn bạn đọc.

“Trước đây hình ảnh Việt Nam trong mắt độc giả quốc tế chỉ là đồ ăn đường phố, du lịch bụi, lịch sử chiến tranh. Mặc dù tất cả những điều đó đều đúng và liên quan đến Việt Nam hôm nay, nhưng vẫn còn rất nhiều điều nữa về Việt Nam, có rất nhiều cơ hội ở đây. Đó là điều mà chúng tôi muốn đưa tới cho mọi người, để thế giới có thể nhìn thấy Việt Nam là một nơi tuyệt vời để sống, một nơi tuyệt vời để kinh doanh và có nhiều cơ hội để phát triển. Chúng tôi muốn thể hiện rằng có một phong cách sống khác ở đây, không phải chỉ là những điều mà giới truyền thông hoặc những kết quả tìm kiếm trên Google nói với bạn. Đó là ý đồ của chúng tôi khi nói về việc mang những câu chuyện về công nghệ, thời trang, thiết kế và bất cứ ngành nào khác của Việt Nam ra thế giới, và chúng tôi truyền tải những điều đó đến thế giới thông qua một góc nhìn.”- Hảo Trần chia sẻ thêm về Vietcetera.

*

*        *

Giống như Mimi Vũ, Hảo Trần và Guy Trương, hàng nghìn người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đã quyết tâm trở về quê hương để lập nghiệp. Theo thống kê, chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, mỗi năm có xấp xỉ 30 ngàn người trẻ gốc Việt về thăm và khám phá cơ hội kinh doanh, cũng như bắt đầu sự nghiệp tại Việt Nam. Trong số họ rất nhiều người sau vài năm trở về đã muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất hình chữ S vốn trước đây chỉ là một điều gì đó mơ hồ qua những câu chuyện của ông bà, cha mẹ. Sẽ không bao giờ là muộn để trở về nếu bạn mang theo quyết tâm cùng khát khao cống hiến. Để rồi chính những bạn trẻ trong các câu chuyện kể trên đã trở thành những đại sứ, những nhịp cầu nối cho rất nhiều kiều bào trẻ khác đang và sẽ có ý định trở về.

 Mimi Vũ

 

 “Chúng tôi rất tự hào về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19. Khi tôi nói chuyện với những người bạn Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới thì họ đều nói rằng họ mong ước mình đang ở Việt Nam và họ rất tự hào về Việt Nam. Họ đều mong muốn được trở về và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng thấy được một chiến dịch nào đó từ Chính phủ để thu hút kiều bào trẻ trở về, giống như những chiến dịch quảng bá du lịch Việt Nam trên khắp thế giới vậy. Chính phủ Việt Nam có thể làm việc với các tổ chức văn hóa hay các cộng đồng kiều bào để tạo ra một tổ chức mà thành viên là hàng nghìn Việt kiều ở khắp mọi nơi trên thế giới, những người yêu Việt Nam, yêu nguồn gốc của mình và luôn tìm kiếm các cơ hội để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Và điều đó cũng sẽ góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước bởi  chúng tôi là người Việt Nam và tinh thần dân tộc vẫn chảy mạnh mẽ trong chúng tôi” – Mimi Vũ

 

 Hảo Trần

 

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam đang quảng bá hình ảnh của mình rất tốt. Nhưng không phải ai cũng biết đến hình ảnh đó. ‘Truyền thông’ là một chìa khóa. Tăng cường truyền thông để kiều bào trẻ dễ tiếp cận hơn thông qua việc đa dạng hóa các loại ngôn ngữ, trong đó chủ yếu là tiếng Anh, sẽ góp phần hỗ trợ cộng đồng đó. Bạn có thể nhận thấy những cơ hội tuyệt vời tại Việt Nam nhưng không phải ai cũng biết. Cho nên việc tiếp cận đến công chúng quốc tế và kiều bào ở nước ngoài là rất quan trọng” – Hảo Trần.

 

 Ken Đạt Dương

“Tôi làm việc đi đi về về Việt Nam 10 năm nay và mỗi lần về tôi lại thấy Việt Nam phát triển hơn. Đam mê của tôi là giúp phát triển giáo dục ở Việt Nam, nhấn mạnh vào học tiếng Anh cho người trẻ và chuyên gia. Tôi nghĩ rằng đam mê của mình có thể góp phần phát triển nhân lực trẻ và kinh tế Việt Nam, bởi vậy tôi đã trở về” – Ken Đạt Dương, Hãng luật quốc tế TDL.

 Bảo Nguyễn

“Tôi về đây vì tôi thấy sự thay đổi rất nhanh chóng của Việt Nam. Mọi thứ rất năng động, những người trẻ mang lại nhiều cảm hứng cho tôi. Là một đạo diễn, tôi luôn tìm kiếm các câu chuyện khác nhau nên thật tuyệt được chứng kiến các câu chuyện thú vị ở Việt Nam. Nhiều người bảo chỗ tôi từng sống - thành phố New York - thật thú vị, nhưng tôi thấy Việt Nam còn thú vị hơn nhiều!” – Bảo Nguyễn, đạo diễn, nhà sản xuất phim.

 Hà Thục Chi

“Phần lớn những người bạn của tôi đều là kiều bào và tất cả đều phát triển được một sự nghiệp thành công rực rỡ và hạnh phúc viên mãn ở ngay tại đây và ngay lúc này. Chúng tôi cũng luôn tự nhủ là mình phải làm nhiều công việc tình nguyện để đáp lại những gì chúng tôi nhận được từ quê hương.” – Hà Thục Chi, Giám đốc tư vấn đại học, Tập đoàn giáo dục Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Mộc Miên