Phòng ngừa đột quỵ não dễ hay khó?

Đau đầu dữ dội là một trong những dấu hiệu điển hình của đột quỵ não 

Sau khi bị đột quỵ não, bạn có thể gặp các vấn đề như: sa sút trí nhớ, hay quên, giảm hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt. Với tình trạng nặng, người mắc đột quỵ còn có thể bị liệt nửa người, cánh tay hoặc một bên chân yếu liệt, gây khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

Không dừng lại ở đó, khi trong gia đình có người bị đột quỵ nặng, bắt buộc cần phải có người thân dành thời gian chăm sóc. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người chăm sóc và kinh tế trong gia đình. Do đó, tốt nhất, bạn đừng để đột quỵ xảy ra. Muốn vậy, bạn nên chủ động có biện pháp phòng ngừa đột quỵ ngay từ sớm.

Nguyên nhân đột quỵ não

Có nhiều nguyên nhân gây ra đột quỵ não như:

1. Huyết áp cao: Đây là nguyên nhân gây đột quỵ cao nhất. Nếu huyết áp của bạn thường là 140/90 mmHg hoặc cao hơn, bạn nên đến bệnh viện để điều trị ngay và được các bác sĩ đưa ra giải pháp tốt nhất.

2. Thuốc lá: Hút thuốc làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ của bạn. Nicotine trong thuốc lá làm cho huyết áp của bạn tăng lên. Khói thuốc lá cũng gây tích tụ mỡ ở động mạch cổ. Nó cũng làm máu đặc hơn và dễ hình thành cục máu đông.

3. Bệnh tim: Người bị bệnh tim như khiếm khuyết van tim, rung tâm nhĩ hoặc nhịp tim không đều chiếm 1/4 các trường hợp đột quỵ ở người cao tuổi. Bạn cũng có thể bị tắc động mạch do bị mỡ lắng đọng.

4. Đái tháo đường: Những người bị bệnh này thường có huyết áp cao và cũng có khả năng thừa cân. Cả hai điều này đều làm tăng nguy cơ đột quỵ. Bệnh đái tháo đường làm tổn thương các mạch máu, khiến đột quỵ dễ xảy ra hơn.

5. Cân nặng: Nguy cơ bị đột quỵ có thể tăng lên nếu bạn thừa cân. Mỗi ngày, bạn hãy đi bộ nhanh 30 phút hoặc tập các bài tập tăng cường cơ bắp.

6. Thuốc: Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ như thuốc làm loãng máu, liệu pháp hormone, thuốc ngừa thai…

7. Tuổi tác: Bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ, ngay cả trẻ sơ sinh. Nguy cơ này càng tăng khi bạn lớn tuổi.

8. Gia đình: Nếu trong gia đình bạn có người bị đột quỵ não, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Ở một số trường hợp, đột quỵ có thể xảy ra do rối loạn gen ngăn chặn máu đến não.

9. Giới tính: Phụ nữ ít bị đột quỵ hơn nam giới cùng độ tuổi, nhưng lại hay bị đột quỵ ở độ tuổi muộn hơn, khiến họ ít có khả năng hồi phục và nhiều khả năng tử vong.

Dấu hiệu đột quỵ

Theo dõi các dấu hiệu đột quỵ nếu bạn nghĩ rằng, mình hoặc người khác sắp bị đột quỵ. Chú ý thời điểm các dấu hiệu này bắt đầu. Nếu phát hiện chậm trễ dấu hiệu đột quỵ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị và có thể dẫn đến tử vong. Các dấu hiệu đó bao gồm:

Gặp khó khăn khi nói và hiểu lời người khác: Bạn bất ngờ có thể gặp khó khăn khi nói hoặc hiểu lời nói của người khác.

Tê liệt ở mặt, cánh tay hoặc chân: Bạn có thể bị yếu hoặc tê liệt đột ngột ở mặt, cánh tay hoặc chân. Điều này thường xảy ra ở một bên cơ thể. Hãy cố gắng giơ cả hai tay lên đầu cùng lúc. Nếu một cánh tay bắt đầu rơi xuống, bạn có thể bị đột quỵ. Ngoài ra, một bên miệng có thể bị xệ xuống khi bạn mỉm cười.

Gặp rắc rối về thị giác: Bạn có thể đột ngột bị nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt, hay có thể nhìn đôi.

Đau đầu: Đau đầu đột ngột dữ dội, kèm theo nôn mửa, chóng mặt hoặc thay đổi ý thức, có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị đột quỵ.

Khó khăn khi đi lại: Bạn có thể bị vấp ngã hoặc chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hay mất sự phối hợp của cơ thể.

Khi nào đến bệnh viện ngay?

Gọi cấp cứu 115 ngay để được chăm sóc y tế khi bạn thấy có những dấu hiệu đột quỵ. Để dễ nhớ các dấu hiệu này, bạn có thể nhớ từ FAST. Đây là từ viết tắt của:

Khuôn mặt (Face): Yêu cầu người bệnh cười để xem một bên mặt có bị xệ xuống không?

Cánh tay (Arm): Yêu cầu người đó giơ cả hai tay để xem một cánh tay có bị rơi xuống không? Hay cánh tay không thể giơ lên được?

Giọng nói (Speech): Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ đơn giản. Bạn kiểm tra xem người đó có nói được không hay chỉ ú ớ, nói ngọng.

Thời gian (Time): Nếu bạn quan sát thấy bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây thì hãy gọi 115 ngay lập tức. Cơn đột quỵ càng lâu sẽ càng khó điều trị, khả năng tổn thương não và khuyết tật càng lớn.

Sơ cứu người bị đột quỵ

 Khi người đột quỵ ngưng thở, bạn phải thực hiện hồi sức tim phổi cho bệnh nhân

Đột quỵ có thể gây mất thăng bằng hoặc bất tỉnh, dẫn đến té ngã. Nếu nghi ngờ một người bị đột quỵ, trong lúc chờ đợi xe cứu thương đến, bạn nên thực hiện những bước sau để sơ cứu đột quỵ:

- Đặt người bị đột quỵ ở vị trí an toàn, thoải mái, nằm nghiêng một bên, đầu hơi nâng cao và hỗ trợ khi họ nôn.

- Kiểm tra xem họ có đang thở không. Nếu không, bạn hãy thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho bệnh nhân. Nếu họ khó thở, hãy nới lỏng quần áo như cà vạt hay khăn quàng cổ.

- Nói chuyện một cách bình tĩnh để bệnh nhân an tâm.

- Đắp chăn lại để giữ ấm.

- Không cho họ ăn hay uống bất cứ món gì.

- Nếu người bệnh có biểu hiện yếu chi, bạn không được di chuyển họ.

- Quan sát cẩn thận với bất cứ sự thay đổi nào của bệnh nhân. Hãy nói lại những triệu chứng đột quỵ của người bệnh cho nhân viên y tế, ví dụ như bị ngã hoặc đánh vào đầu.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Phòng ngừa đột quỵ ngay từ sớm là cách tốt nhất để hạn chế những hậu quả nguy hiểm của bệnh. Dưới đây là những cách giúp bạn chủ động phòng ngừa đột quỵ:

1. Hạ huyết áp

Mục tiêu: Huyết áp lý tưởng là dưới 135/85 mmHg

Thực hiện: Bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, pho mát và kem; nên ăn từ 4 – 5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2 – 3 phần cá một tuần và tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt cũng như sữa ít chất béo. Nếu cần, dùng thuốc trị tăng huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.

2. Giảm cân

Mục tiêu: Chỉ số khối cơ thể (BMI) lý tưởng là 25 hoặc thấp hơn

Thực hiện: Không ăn quá 1.500 – 2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc vào mức độ hoạt động và chỉ số BMI của bạn). Tăng vận động thể chất như đi bộ, chơi golf hoặc tennis đều đặn.

3. Tập thể dục nhiều hơn

Mục tiêu: Tập thể dục ở cường độ vừa phải ít nhất 5 ngày/tuần

Thực hiện: Đi dạo quanh khu phố sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy. Nếu bạn không có 30 phút liên tiếp để tập thể dục, hãy chia nhỏ ra thành 10 – 15 phút/lần và 2 – 3 lần/ngày.

Tập thể dục nhiều hơn

4. Hạn chế uống bia, rượu

Mục tiêu: Không uống rượu hoặc uống một cách vừa phải

Thực hiện: Mỗi ngày, không uống nhiều hơn một ly rượu và nên uống rượu vang đỏ vì nó chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.  

5. Kiểm soát bệnh đái tháo đường

Mục tiêu: Giữ lượng đường huyết ổn định

Thực hiện: Theo dõi đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Áp dụng chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc để giữ đường huyết ở phạm vi cho phép.

6. Bỏ thuốc lá

Mục tiêu: Bỏ thuốc lá

Thực hiện: Nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn hãy nhờ bác sĩ tư vấn để chọn ra cách thích hợp nhất với mình. Sử dụng các sản phẩm giúp cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán…

(Theo hellobacsi.com.vn)