Hãy tạo bàn đạp cho doanh nghiệp tư nhân tiến mạnh vào mảng năng lượng tái tạo

Tiềm năng của Việt Nam

Được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời lớn, với mức bức xạ mặt trời khoảng từ 4,0 – 5,2 kW/giờ/m2/ngày cùng với số giờ trung bình 2.600 giờ trong năm, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm thế mạnh của điện gió ngoài biển khơi (offshore wind farm), rồi đây không những sẽ là chủ bài cho chính sách năng lượng quốc gia, mà còn góp sức thêm, làm nhiệm vụ tiền đồn, phên dậu bảo vệ hải đảo, Biển Đông của Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu.

 Dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450MW lớn nhất nước và Đông Nam Á cùng hệ thống trạm biến áp, truyền tải 500kV đầu tiên do tư nhân đầu tư đã khánh thành vào tối 12/10/2020, giúp giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo cho tỉnh Ninh Thuận - Ảnh: Tuổi trẻ

Nhìn qua tình hình xây dựng và phát triển điện gió (Land onshore wind energy) và điện mặt trời (Solar energy) ở Việt Nam, có thể thấy đất nước ta có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo:

An Giang: hiện có 4 dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) đã đi vào hoạt động, phát điện thương mại với tổng công suất 214 MWp; 5 đề án điện gió (ĐG) với tổng công suất 656 MWp đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.

Bạc Liêu: có 10 dự án ĐG được khởi công, với tổng công suất 562 MW, cùng với 27 dự án khác với công suất hơn 5.000MW đang trình bổ sung quy hoạch. Tỉnh này đặt mục tiêu ĐMT khoảng 1 tỷ kWh.

Ninh Thuận: đã đưa 3 dự án ĐG tổng công suất 181 MW và 31 dự án ĐMT với tổng công suất 2.173 MW vào vận hành thương mạivà dự kiến đến cuối năm 2020 có 35 dự án vận hành, công suất 2.452 MW.

Bình Thuận: dự kiến đến cuối 2020 sẽ đưa toàn bộ 26nhà máy ĐMT vào vận hành,tổng công suất khoảng 1338 MWp. Đến nay tỉnh có 20 dự án ĐG với công suất 812,5 MW đã được Thủ tướng phê duyệt. Riêng với ĐG ngoài khơi có các dự án ĐG Thăng Long Wind ngoài khơi mũi Kê Gà (công suất đề xuất 3.400 MW), đề án La Gàn…tổng công suất dự định lên đến 18.800MW.

Quảng Trị: có 88 dự án ĐGđược đề xuất, công suất hơn 4.400 MW.

Đắk Lắk: hiện có 10 dự ánnhà máy ĐMT đã được chấp thuận bổ sung quy hoạch, tổng công suất 1013 MWp, cùng với 213 MWp ĐMT mái nhà. Tỉnh có 10 dự án ĐG với quy mô công suất 776 MW và 1 công trình đã phát điện thương mại với công suất 28,8MW.

Gia Lai: có 2 nhà máy ĐMT đã đi vào vận hành, công suất 84 MWp. Tỉnh có 16 dự ánĐG đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất dự kiến 1.129,4 MW.

Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) có tổng công suất 100 MW, tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng. Ảnh: Báo Đấu thầu 

Cũng nên kể đến thành quả của dạng hệ thống ĐMT áp mái (Rooftop) hoà lưới và không hoà lưới, đến nay chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận đã có hơn vài mươi ngàn nóc nhà được phủ xanh. Một số doanh nghiệp dạng nhỏ trong ngành cũng đã đóng góp thiết thực vào mục tiêu phấn đấu của con người là yêu năng lượng xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và trân trọng, yêu chuộng thiên nhiên.Với tiềm năng của mình, ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu “phủ xanh hơn một triệu nóc nhà” trên cả nước.

Những sáng kiến tạo bạo?

Thời gian gần đây, nhiều chuyên viên tư vấn, cũng như các lãnh đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có góp ý, phát biểu nhằm tháo gỡ thách thức, khó khăn về “năng lực hệ thống đường dây truyền tải điện không đủ khả năng tiếp nhận, hấp thụ lượng điện khủng bất ngờ xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn, từ những tháng đầu năm 2019”. Các đề nghị, ý kiến tập trung đề xuất việc để cho doanh nghiệp tư nhân góp vốn để cải thiện hệ thống điện lưới hiện nay; nên tạo cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn tư nhân có khả năng tài chính được phép tham gia sâu rộng hơn vào khâu phân phối điện và tiến tới khả năng là bán lẻ trực tiếp cho người dùng, tiêu thụ cuối.Những ý kiến, suy nghĩ, đề xuất như thế có thể gọi là một bước đi mang tính đột phá không?

 Bờ biển trải dài dọc theo đất nước, đầy nắng chiếu và lộng gió của quê hương ta không chỉ mang lại lợi ích lớn về du lịch, mà còn đóng góp lớn cho việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam 

Thời gian trước đây, trong một hội thảo chuyên ngành, chúng tôi đã có ý kiến, kiến nghị gửi đến Bộ Công Thương (MOIT) nên thật nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải, bao gồm cả đường dây và hệ thống thiết bị trữ tích điện EVN -thay vì loay hoay, tìm cách giải quyết xử lý các chất thải, khí thải, như xỉ than, muội tro từ các nhà máy nhiệt điện than như các nhà máy nhiệt điện than ở Cà Ná-Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long An…, nên có chương trình hỗ trợ tích cực rõ ràng, minh bạch, cụ thểđể hướng dẫn nhà đầu tư tư nhân, tập đoàn,doanh nghiệp tư nhân xây dựng đoạn đấu nối, trạm biến thế, địa điểm kết nối, để kịp thời sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ công suất điện tạo ra của các dự án ĐG, ĐMT đang và sẽ “nở rộ”, nếu không muốn nói là lũ lượt, tạo những dòng điện từ nguồn năng lượng xanh và sạch vào mạng lưới điện quốc gia.

Và ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng…; trong đó có hai điểm mà những đơn vị tư nhân rất mong đợi - một là khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia và thứ hai là xóa bỏ độc quyền, rào cản để tư nhân tham gia vào mảng năng lượng, trong đó có hệ thống dây truyền tải.

Nếu điều này thực hiện được, thì đó là dấu hiệu tích cực cho công cuộc “tạo sân chơi bình đẳng” giữa các doanh nghiệp tư nhân với các tập đoàn kinh tế nhà nước từ trước đến nayvốn được biệt đãi, dành quyền ưu tiên.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tiếp nhận tiền ủng hộ của tác giả cho Quỹ Học bổng Vừ A Dính
(CLB vì Hoàng Sa Trường Sa thân yêu) 

Là người hoạt động trong lĩnh vực này, theo tôi, cần biến câu khẩu hiệu “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thành hiện thực, mà trước hết có lẽ cần làm rõ ràng hơn những vấn đề sau:

- Đối với Nhà nước: Cần có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ, tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân -kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ- đóng góp thực sự vào công cuộc xây dựng và phát triển bền vững nền công nghiệp năng lượng tái tạo, chứ không vướng vào vết xe chỉ hô hào suông; giảm tính độc quyền, một mình một chợ củaEVN.

- Đối với tư nhân: Cần chuẩn bị tư thế sẵn sàng nhập cuộc vào mảng năng lượng tái tạo, trước mắt là ĐMT, xây dựng các nhà máy ĐMT, trạm biến thế và cả đường dây truyền tải điện để chuyển dòng điện từ những tấm pin mặt trời (solar panels) đến điểm kết nối do chính EVN chỉ định, có thể kể như là TTC Group, Ha Do Group, Vietnam Solar HOANCAU-Long An Group, Trung Nam Group, REE Corp…v.v…

Mong ước lắm trong một tương lai không xa, bờ biển trải dài dọc theo đất nước, đầy nắng chiếu và lộng gió của quê hương ta sẽ càng đẹp hơn với những cánh quạt gió, và dòng điện được tạo ra từ mặt trời và sức gió ấy sẽ hòa vào lưới điện quốc gia./.

TS Trần Văn Bình (CHLB Đức)
Uỷ viên Hội đồng Năng lượng tái tạo Thế giới