LHQ: COVID-19 làm xao nhãng mục tiêu đẩy lùi căn bệnh thế kỷ

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Ngày 1/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới đoàn kết và chia sẻ trách nhiệm để vượt qua đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và căn bệnh thế kỷ AIDS.

Trong thông điệp gửi đi nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi thế giới không để cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 làm xao nhãng mục tiêu đẩy lùi căn bệnh thế kỷ AIDS.

Ông Guterres nhận đinh dù công cuộc phòng chống AIDS đã có những thành công đáng kể nhưng tình trạng khẩn cấp do căn bệnh này gây ra vẫn còn đó.

Mỗi năm vẫn có 1,7 triệu người nhiễm bệnh và 690.000 người tử vong vì căn bệnh do virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) gây ra này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng trong nhiều khía cạnh khiến những nhóm dễ chịu tổn thương bị tác động nặng nề nhất và thực trạng này trở nên rõ nét hơn trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19.

Đại dịch COVID-19 là lời cảnh tỉnh đối với thế giới. Những bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế đang tác động đến tất cả mọi người, thế giới chỉ an toàn khi tất cả đều an toàn.

Thế giới cần một loại vắcxin phòng bệnh COVID-19 và những phương thức điều trị, chăm sóc bệnh nhân HIV hợp túi tiền và sẵn sàng dành cho mọi người dân, ở mọi nơi.

Ông Guterres nhắc lại rằng các chính phủ cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế nếu muốn đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc y tế toàn cầu. Ông cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng thành kiến và phân biệt đối xử với người bệnh, tôn trọng nguyên tắc lấy con người làm trung tâm và xây dựng các biện pháp ứng phó với AIDS và COVID-19 trên nền tảng bình đẳng, bảo đảm quyền con người.

Ngày 1/12 hằng năm được Liên hợp quốc lựa chọn là ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, nhằm nâng cao nhận thức về tình trạng lây lan bệnh dịch AIDS và tưởng nhớ những người đã chết vì căn bệnh thế kỷ này. Chủ đề của năm nay là “Đoàn kết toàn cầu, trách nhiệm chia sẻ”.

Cũng trong ngày này, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã đưa ra cảnh báo nguy cơ thế giới lãng quên dịch bệnh nguy hiểm này đồng thời nhấn mạnh cần duy trì cuộc chiến chống AIDS song song với cuộc chiến chống COVID-19.

UNAIDS cũng công bố báo cáo mới cho thấy kể từ trường hợp đầu tiên được phát hiện 35 năm trước đến cuối năm 2019, thế giới đã có tổng cộng 78 triệu người nhiễm HIV, 35 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS và 38 triệu người đang phải chung sống với HIV. Phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương với 5.500 người nhiễm HIV mỗi tuần.

Nguy hiểm hơn, đại dịch COVID-19 xảy ra khiến các quốc gia trên khắp thế giới phải áp dụng các biện pháp phong tỏa đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các cơ sở điều trị, xét nghiệm và cung cấp thuốc điều trị HIV cùng với đó là nguy cơ làm suy yếu cuộc chiến chống AIDS.

Cơ quan của Liên hợp quốc, đơn vị dẫn đầu các nỗ lực toàn cầu để tiến tới mục tiêu đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này vào năm 2030 như đã nêu trong Các mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), cảnh báo thế giới không chỉ chậm chân trong việc thực hiện mục tiêu đề ra mà còn bị chệch hướng do tác động của COVID-19.

Tuy nhiên, UNAIDS cũng bày tỏ hy vọng dựa trên những tiến triển nhanh chóng trong phát triển vắcxin phòng COVID-19, thế giới có thể sẽ tìm ra một phương thức điều trị HIV hiệu quả./.

Nguyễn Tuyên /TTXVN/Vietnam+