Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy

 Phó Thủ tướng , Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu tại Hội nghị chiều nay, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Hội nghị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần khẩn trương và quyết liệt của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, và kiều bào đóng góp vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, cũng như những chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong giai đoạn mới sẽ được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII tới đây.

Phó Thủ tướng cho biết, bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, chúng ta đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, đang mở ra một thời kỳ phát triển hoàn toàn mới cho nhân loại - đó là kỷ nguyên số, với những thay đổi, chuyển biến sâu rộng chưa từng có, diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống và ở mọi khu vực trên thế giới.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất của lực lượng sản xuất hiện đại, là chìa khóa quyết định tốc độ và chất lượng phát triển của các quốc gia. Quá trình số hóa và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, với kinh tế số, nền sản xuất thông minh, xã hội số, các hình thái mới về tiêu dùng, lối sống. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới.

Nhiều dự báo cho rằng, 5 – 10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số, và chỉ trong 2 - 3 năm tới, sự phổ cập nhanh chóng của công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển của các quốc gia, tương quan sức mạnh và quan hệ các quốc gia.

Đối với nước ta, sau 90 năm thành lập Đảng, 75 năm giành được độc lập, 45 năm thống nhất đất nước, và 35 năm triển khai công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu vô cùng đáng tự hào.

Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta đang đứng trước những vận hội mới để bứt phá, phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam bước vào giai đoạn chiến lược mới – giai đoạn đổi mới toàn diện, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Với lợi thế của nước đi sau, đi thẳng vào những lĩnh vực mới của nền kinh tế số, Việt Nam có cơ hội tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để bứt phá, từ một quốc gia có thu nhập trung bình trở thành một quốc gia có thu nhập cao, bằng cách chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng dựa trên năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) sang tăng trưởng dựa vào tri thức.

Nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Thủ tướng cho biết, trên cơ sở Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này; ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện và bùng phát trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng rất nặng nề đến tất cả các lĩnh vực, dẫn đến tình trạng suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929 -1933.

Phó Thủ tướng chia sẻ, chúng ta đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19, phù hợp với thực tiễn và thực lực đất nước, quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân.

Nhờ vậy, chúng ta đã kiểm soát, khống chế được dịch bệnh, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng, tạo môi trường an toàn để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Tăng trưởng 9 tháng của nước ta vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt trên 2%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Việt Nam đã không chỉ trở thành quốc gia thành công nhất trong việc khống chế và đẩy lùi đại dịch, mà còn tận dụng tốt cơ hội này để triển khai chuyển đổi số quốc gia. Giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động khối cơ quan chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Các doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ, thay đổi cách thức, mô hình hoạt động để thích ứng và phát triển. Việt Nam là một trong số ít quốc gia phát triển nhiều ứng dụng công nghệ thông tin nhất trong phòng chống Covid. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng. Tuy vậy, những thách thức trước mắt là không hề dễ dàng vượt qua. Đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế, gây thiệt hại lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã nỗ lực phòng chống, nhưng bão lũ, thiên tai bất thường vẫn gây thiệt hại rất nặng nề. Trong những ngày qua, bão và lũ lụt rất lớn ở miền Trung đang gây nhiều tổn thất về người và tài sản.

 Phó Thủ tướng và Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp kiều bào tại Hội nghị

Sự xuất hiện của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài về nước lập nghiệp, đầu tư, kinh doanh, xây dựng thành công nhiều doanh nghiệp mạnh hàng đầu của đất nước, cũng đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ.

Vì vậy, Đảng và Nhà nước có niềm tin vững chắc rằng, với sự đồng lòng và chung sức của cộng đồng hơn 100 triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, với sự đồng hành của 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày một lớn mạnh, trong đó 500.000 trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, sinh học..., chúng ta hoàn toàn có thể biến “nguy” thành “cơ” và hiện thực hóa các mục tiêu, khát vọng phát triển của dân tộc.

  Phó Thủ tướng và Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp kiều bào tại Hội nghị

Phó Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào cùng với đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận, đóng góp những ý kiến thiết thực để thực hiện mục tiêu kép, vừa khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội nước nhà, trong đó quan tâm, tập trung vào một số vấn đề sau:

Thứ nhất, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, tư duy. Đề nghị các đại biểu thảo luận, đề xuất giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi nhận thức, tư duy của toàn xã hội về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển. Hội nghị hôm nay cũng chính là hành động cụ thể góp phần đổi mới nhận thức, tư duy về chuyển đổi số.

Thứ hai, thể chế là động lực của chuyển đổi số. Thể chế cần phải đi trước một bước khi có thể. Vì vậy, Hội nghị cần trao đổi sâu, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện, kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau. Hiện nay, thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn là điểm nghẽn cản trở tiến trình chuyển đổi số của nước ta. Theo dự báo, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi đó, các chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tôi đề nghị các trí thức kiều bào cùng chung tay đưa ra giải pháp và trực tiếp đào tạo, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Thứ tư, đề nghị Hội nghị đóng góp ý kiến để Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới dựa trên tri thức, tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Đây là một trong những quan điểm và phương hướng phát triển mang tính đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh đã được thông qua tại Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI vừa qua.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. Với tỷ trọng kinh tế đóng góp trên 22,7% kinh tế của cả nước, Thành phố là đầu tàu kinh tế, là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, và cũng là trung tâm lớn về khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo của cả nước.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được đông đảo kiều bào lựa chọn để sinh sống, làm việc, đầu tư, kinh doanh, và qua Hội nghị này, sẽ có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn tới.  

Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự góp sức của kiều bào, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ để vươn lên mạnh mẽ và phát triển phồn vinh.

Nhiên Hương