Quốc hội thảo luận về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Chiều 26/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe và thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm 12 điều, với một số điểm chính quy định tổ chức chính quyền địa phương cấp thành phố gồm Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân; tuy nhiên, ở cấp quận và cấp phường chỉ có Ủy ban nhân dân.

Dự thảo quy định điều chuyển các nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân quận, phường cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho áp dụng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 để ban hành ngay tại Kỳ họp thứ 10.

Nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 và tổ chức thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế.

Quá trình phát triển, thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết để quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thành phố.

Việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố là vấn đề quan trọng và cấp bách, là yếu tố có thể thúc đẩy, tạo bước chuyển lớn cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển nói chung của thành phố.

Nhấn mạnh dù Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính thức hay thí điểm, đều là cơ sở pháp lý cần thiết để thành phố có thể triển khai ngay mô hình chính quyền đô thị từ nhiệm kỳ sắp tới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất cụ thể việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng đại diện của người dân và việc kiểm soát quyền lực đối với chính quyền ở quận, phường.

Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một đại đô thị hết sức năng động của nước ta với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai.

Thành phố là 1/10 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và đã có những kết quả tốt.

Việc Hội đồng nhân dân thành phố tiếp quản nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân cấp phường, cấp quận vẫn đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ và giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân.

Những vấn đề của người dân sẽ được chú trọng giải quyết và nâng cao hơn bởi Hội đồng nhân dân cấp thành phố. Qua nghị quyết này, Thành phố sẽ tinh gọn được bộ máy cấp phường, quận.

Cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh có mật độ dân số lớn, các vấn đề phát sinh lớn, đòi hỏi phải xử lý nhanh, nếu chậm sẽ gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp cho quyết định nhanh hơn, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, Thành phố đã có hơn 6 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở 24 quận, huyện; 259 phường, xã, nên những vấn đề lo lắng có thể phát sinh thì thực tế chứng minh không phát sinh vấn đề lớn. Thành phố theo kinh nghiệm Trung ương hướng dẫn, có đủ năng lực để khắc phục.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Thành phố đã có phương thức thực hiện đô thị thông minh. Thông qua điện thoại di động, nhắn tin, mail, người dân có thể báo cho chính quyền các cấp xử lý các vấn đề hàng ngày liên quan đến người dân. “Mỗi quận, huyện tiếp thu mỗi tháng hàng nghìn thông tin như vậy”, đại biểu cho biết./.

Hạnh Quỳnh /TTXVN/Vietnam