Lễ hội 'Tôi yêu áo dài Việt Nam' tại Thành phố Hồ Chí Minh

 Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tặng hoa cho Đại sứ hình ảnh của Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Tối 11/10, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7-năm 2020, với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc khuôn viên Thảo Cầm Viên, quận 1.

Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi động cho chuỗi hoạt động của Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống và tình yêu với áo dài - Di sản văn hóa phi vật thể, trang phục truyền thống độc đáo của người dân Việt Nam.

Đặc biệt, Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh được khai mạc trong những ngày đầu tháng 10/2020 còn là hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; hưởng ứng chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị."

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đánh giá: Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh là một sự kiện văn hóa-du lịch của thành phố định kỳ tổ chức mỗi năm một lần nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa tinh thần phong phú, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc.

Đồng thời, đây cũng là hoạt động hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, từ ngàn xưa, áo dài được xem là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Áo dài luôn được đông đảo người Việt Nam ở mọi lứa tuổi yêu thích và luôn là lựa chọn ưu tiên khi tham dự những sự kiện quan trọng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam, áo dài đã tiếp biến không ngừng nhưng lúc nào cũng luôn giữ được vẻ đẹp truyền thống, một nét đẹp rất Việt Nam.

Bảo tồn và phát huy nét đẹp truyền thống của tà áo dài là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời từng bước lan tỏa nét đẹp của áo dài trở thành xu hướng thời trang chủ đạo của đông đảo người dân Việt Nam.

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 năm 2020 có sự tham gia của 14 nhà thiết kế - tác giả của 500 mẫu thiết kế áo dài được các người mẫu chuyên nghiệp trình diễn.

Trong số đó, nhiều bộ sưu tập nổi bật được trình diễn trong Lễ khai mạc như: Bộ sưu tập “Long Phi Phụng Vũ” của nhà thiết kế Nguyễn Tuấn; bộ sưu tập “Tôi yêu Thành phố” của nhà thiết kế Việt Hùng; bộ sưu tập “Lãnh Mỹ A” của nhà thiết kế Võ Việt Chung; bộ sưu tập “Tiếng vọng” của nhà thiết kế Ella Phan; bộ sưu tập “Hoàng bào đất Việt” của nhà thiết kế Tuấn Hải; bộ sưu tập “Hồn Việt” của thương hiệu OZ Design House; bộ sưu tập “Vàng son Đất Việt” của nhà thiết kế Nhật Dũng; bộ sưu tập “Di sản Việt” của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam...

Tiếp theo sau Lễ khai mạc, chuỗi hoạt động truyền cảm hứng về áo dài mang tính tương tác cao với cộng đồng sẽ liên tục diễn ra tại các điểm đến du lịch nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bưu điện thành phố, các trường Trung học Phổ thông, khu công nghiệp... đến hết tháng 11/2020.

Lần đầu tiên được tổ chức với hình thức trực tuyến kết hợp sự kiện trực tiếp, cuộc thi sản xuất video trực tuyến “Tôi yêu áo dài Việt Nam” với ứng dụng công nghệ cá nhân hóa cũng sẽ sớm khởi động với kỳ vọng thực hiện 10.000 video.

Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh được khởi xướng từ năm 2014 như một sự kiện văn hóa, du lịch tiêu biểu của thành phố nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như thu hút du khách và quảng bá hình ảnh thành phố.

Lễ hội cũng là một trong những sản phẩm cốt lõi của dòng sản phẩm du lịch văn hóa đã được xác định trong quá trình Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030./.

Mỹ Phương / TTXVN/Vietnam+