Độc đáo kho lúa và chiếc hòm của người Giẻ Triêng ở Đăk Blô

 Kho lúa mới. Ảnh: PN - NL

Ấn tượng kho lúa

Từ bao đời nay, người Giẻ Triêng sống dưới chân núi Nồi Cơm xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đã biết làm lúa nước. Lúa là nguồn lương thực chính nên họ rất quý trọng. Vì vậy, việc cất giữ lương thực cũng được người Giẻ Triêng nơi đây làm theo cách riêng của mình - làm kho cất giữ ở bên khu ruộng.

Kho lúa được lợp tranh, bốn vách được đan bằng nứa hoặc làm bằng gỗ chắc chắn, không hề rơi vãi lúa ra ngoài. Kho có 4 hoặc 6 trụ được chọn loại gỗ rất chắc và được đẽo gọt công phu, mối mọt khó phá hỏng. Kho lúa có một cửa duy nhất được làm bằng ván, dưới các trụ của kho lúa thường có các vòng tròn lớn nhằm hạn chế chuột tiếp cận kho lúa. Kho lúa nằm tách biệt với làng nhưng gần các đồng ruộng, rẫy lúa, khi thu hoạch người dân mang lúa đổ luôn vào kho (không phơi khô sau khi thu hoạch như người Kinh, không mang lúa về nhà mà chỉ mang một ít về đủ để làm lễ mừng lúa mới). Điều đáng nói là các kho lúa nằm tách biệt với làng nhưng không bao giờ bị mất trộm, kho lúa của nhà nào nhà đó dùng.

Kho lúa của người Giẻ Triêng tại Đăk Blô trước đây được lợp bằng tranh, nhưng nay gần như đều được lợp tôn thay thế và lợp rất cẩn thận, không bao giờ để bị mưa dột. “Nhà ở có thể bị mưa dột chứ kho lúa thì không bao giờ” - ông A Ngỗi nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đăk Blô khẳng định.

Với người Giẻ Triêng, kho lúa không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Bởi kho lúa là nơi cất giữ nguồn lương thực chính mang lại nguồn sống cho họ bao đời nay trên mảnh đất này. Sự tích núi Nồi Cơm cũng xuất phát từ hạt gạo nơi này.

Người Giẻ Triêng có luật tục rất khắt khe, ai trộm cắp bị làng phạt rất nặng và nếu tái diễn sẽ bị đuổi ra khỏi làng (bị đuổi ra khỏi làng là một trong những hình phạt nặng nhất của người Giẻ Triêng). Xung quanh kho lúa luôn được phát quang thoáng mát, và dưới kho lúa luôn được quét dọn sạch sẽ, khô ráo, có khi sạch hơn nhà ở của họ.

Khi được hỏi sao không làm kho lúa gần nhà để tiện trong việc lấy lúa giã gạo mà để ngoài rẫy, già làng A Níc - làng Ping Lang (xã Đăk Blô) bộc bạch: “Để ở ngoài an tâm cái bụng hơn là để ở nhà, nếu có điều xấu xảy ra như cháy nhà thì vẫn còn lúa để ăn, chứ để lúa ở gần nhà, cháy nhà, là cháy lúa luôn, hết lúa nhà mình đói mà chết thôi”. Đây có thể là lý do chính mà người Giẻ Triêng không bao giờ cất lúa tại nhà. Khi nào nhà hết gạo họ mới ra kho gùi lúa về giã gạo ăn dần.

Khi họ gặt xong lúa được cất giữ hết vào kho, sau đó họ sẽ mổ gà, heo cúng thần lúa, trước khi lấy lúa về nhà ăn, khi chưa làm lễ mừng lúa mới cúng thần thì không được lấy lúa ra từ kho.

Có một điều rất lạ là người Giẻ Triêng luôn để lúa chín thật kỹ, gặt xong là đổ vào kho luôn không hề phơi thêm nắng. Vì các kho lúa luôn nằm ở vị trí thoáng mát, bốn bên là vách nứa hoặc ván có lỗ nhỏ thoáng khí nên lúa không phơi nhưng cũng không hề hư hay ẩm mốc.

Chiếc hòm (Puộc) luôn hiện hữu dưới các kho lúa của người Giẻ Triêng. Ảnh: PN - NL 

Độc đáo chiếc hòm (Puộc)

Không biết tự bao giờ, chiếc hòm (theo tiếng Giẻ Triêng gọi Puộc) là một vật thể mang đậm văn hóa tâm linh bên chân núi Nồi Cơm.

Chiếc hòm được đặt dưới kho lúa của mỗi gia đình và gia đình có bao nhiêu người thì được đẽo bấy nhiêu chiếc hòm. Người lớn thì được đẽo tương ứng với chiếc hòm lớn, trẻ em thì tương ứng với chiếc hòm nhỏ.

Chiếc hòm được làm từ gỗ nguyên khối xẻ ra làm 2 phần (phần hòm và phần nắp hòm), cả 2 được đục đẽo cẩn thận. Hai đầu mỗi chiếc hòm và nắp hòm được đẽo thêm cục gỗ nhỏ dùng để cầm, khiêng. Phần nắp đậy của chiếc hòm cũng được làm tương tự phần hòm nhưng được cắt mỏng hơn.

Người Giẻ Triêng dưới chân núi Nồi Cơm bao đời nay quan niệm rằng, mỗi người đều có phần thể xác và linh hồn nhưng khi chết đi thì linh hồn của họ sẽ trở thành hồn ma. Tuy đang sống nhưng họ vẫn quan niệm mỗi người đều có hồn ma riêng. Do đó, họ làm những chiếc hòm đặt dưới kho lúa để hồn ma của chính mình trú ngụ, không lang thang quấy rối, không quấy phá gia đình, người thân của họ. Ngoài việc bảo vệ gia đình mình, chiếc hòm còn có nhiệm vụ bảo vệ kho lúa không bị mất trộm, không bị kẻ xấu phá hoại, đồng thời giúp mỗi gia đình luôn có mùa màng bội thu, các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, đùm bọc yêu thương, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Để làm những chiếc hòm cho gia đình, họ phải vào rừng chọn những cây gỗ chắc và nhờ thanh niên trai tráng của làng chuyển gỗ về. Trước khi hoàn thành và đặt những chiếc hòm dưới các kho lúa, gia đình sẽ làm một lễ nhỏ để cúng thần linh, vật phẩm để cúng thường là heo. Trong trường hợp chiếc hòm bị hư hỏng thì sẽ được làm mới bổ sung, khi đó, họ cũng phải làm lễ cúng, nhưng đơn giản hơn, vật phẩm để cúng thường là một con gà trống. Trong buổi lễ, họ mời bà con, dòng tộc đến chung vui ăn nếp, thịt nướng và uống rượu cần.

“Phong tục này nay chỉ còn giữ tại thôn Pêng Lang và một vài hộ gia đình tại thôn Đăk Book (xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei) còn lưu truyền với hy vọng con cháu chúng tôi tiếp tục lưu giữ và phát huy những mặt ưu điểm của phong tục này, và xem đây là một phần văn hóa tâm linh của người Giẻ Triêng còn giá trị đến ngày nay” - A Tôn già làng thôn Pêng Lang chia sẻ.

Vì vậy phong tục về chiếc hòm dưới mỗi kho lúa của người Giẻ Triêng được xem là một nét văn hóa truyền thống tâm linh quan trọng trong đời sống hàng ngày. Đây cũng là bản sắc riêng của dân tộc Giẻ Triêng ở dưới chân núi Nồi Cơm.

(Theo Báo Kon Tum)