Đèn kéo quân

Không phân biệt qua lịch, ngày còn bé tôi chỉ biết được mùa thu tới dựa vào hướng gió, hơi ẩm, những cánh sen tàn rục trên mặt hồ, hay đóa cúc mãn khai trong vườn mang hương thanh mát nhàn nhạt. Đến khi “Thu quân” dần thay chỗ “chúa Hạ”, trẻ con bắt đầu rục rịch đi tìm những thanh tre, nứa, giấy trắng để làm đèn rước. Bấy giờ tuy thích những chiếc đèn ông sao lấp lánh trang kim xanh đỏ, song trẻ con vẫn thích chơi đèn kéo quân bằng giấy hơn, chẳng bởi vì chúng rẻ hay đẹp hơn, chỉ bởi vì thích mà thôi.

 Ảnh minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Ở chỗ tôi, đèn kéo quân được gọi bằng cái tên đèn cù, đèn cù có ông voi giấy, ông Tào Tháo, Lưu Bị diễn Tam Quốc xoay vòng quanh chưa bao giờ hết thú vị trong ký ức. Cứ đến chiều, chúng tôi lại quây tròn - ngay dưới mái hiên của dãy phòng làm việc dành cho giáo viên, bày ra cơ man các nguyên vật liệu để mày mò với nhau.

Nói là làm đèn kéo quân, nhưng chúng tôi chỉ có thể loay hoay mấy việc lặt vặt, còn chuốt nan, uốn cốt đèn, kẻ vẽ hình nhân vật hay làm trục xoay đèn thì phải nhờ tới các chú bác trong ngõ. Có một vài đứa mang tới mấy bát hạt bưởi khô, ngồi xuống xâu chúng lại thành dây, rồi sẽ phơi nắng cho nỏ thêm, để dùng thay chất đốt trong dịp Trung thu, hương bưởi nồng nồng nhuộm đẫm cả khoảng sân. Thỉnh thoảng có một vài cơn mưa phùn kéo tới song cũng chẳng làm gián đoạn được “công việc”, chiếc đèn kéo quân lớn nhất để dành cho lễ ngắm trăng cứ thế mà dần hoàn thiện.

Đêm rằm, trăng vẫn hơi lẹm để đủ cho đêm mười sáu viên mãn sáng rực cả khoảng trời, các nhà trong phố chủ động tắt gần hết đèn điện chỉ để ánh bạc rọi tỏa, đèn kéo quân được bê ra bãi đất trống, nơi cỏ đã bắt đầu ẩm chút hơi sương. Mỗi đứa trẻ tay cầm đèn lồng, đèn ông sao, đeo mặt nạ đủ hình thù ngồi quây quần, chăm chắm nhìn vào những con giống đang diễn kịch theo chiều xoay đèn, lắng tai nghe giọng kể chuyện của thầy giáo.

Dưới cơn gió mát, sắc sáng của trăng dìu dịu trùm xuống, đôi lúc ánh sáng ấy lại khẽ giật mình bởi tiếng hoan hô tưng bừng, tiếng trống và tiếng cười đùa. Trong lúc ngồi xem các nhân vật trong tích cổ, truyện xưa diễn xướng, người lớn đã bê một mâm đồng bày bưởi, bánh nướng, bánh dẻo, xoài, táo ra để chúng tôi phá cỗ. Miếng bánh ngọt sắc không thể ăn hết trong một đôi lần lại hợp vô cùng với đám trẻ xem đèn.

Hết vở kịch này đến vở kịch khác, có đứa nhổm lên muốn rờ vào râu Quan Công lại bị mẹ vỗ vào tay, cũng có đứa lại muốn rờ thử vào hình ảnh dải lụa của Hằng Nga lúc bay lên cung trăng. Nến đèn được thay hết lần này đến lần khác, thẳng tới nửa đêm, chúng tôi mới đứng dậy trong nuối tiếc.

Đèn kéo quân xoay vòng, đời người cũng xoay vòng như các nhân vật, tuần hoàn luân chuyển như bốn mùa, điểm đứng của tôi lúc này hẳn đã từng là chốn dừng chân của một người khác có duyên song chưa từng gặp mặt.

Bầy trẻ con cùng ngồi với nhau trong bãi cỏ thơm năm ấy giờ đã mỗi người một ngả, khuôn mặt đều nhòe mờ đi, có lẽ chẳng mấy ai nhớ lại được kỷ niệm năm xưa, nỗ lực diễn tiếp câu chuyện của mình. Thảng hoặc, có đôi lúc tôi lại nghĩ, mình cũng chính là một nhân vật trong chiếc đèn kéo quân lớn được tạo hóa trổ khắc hình hài...

Phạm Giai Quỳnh/ Theo nhipsonghanoi