Cung An Định – Viên ngọc lộng lẫy giữa xứ Huế mộng mơ

Cung An Định trước kia có tên là Phủ Phụng Hóa, được vua Đồng Khánh cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bên bờ sông An Cựu để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1917, Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916 - 1925) đã cho xây dựng lại phủ và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của vua Khải Định, cung An Định được ban cho hoàng tử Vĩnh Thụy (sau này là vua Bảo Đại). Dưới triều vua Khải Định và Bảo Đại, cung An Định là nơi tổ chức tiệc, lễ trang trọng của hoàng gia…

Cung An Định quay mặt về hướng Nam, địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng hơn 23.000 m 2. Khi còn nguyên vẹn, cung có bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng nuôi thú cảnh, hồ nước...

Qua bao thăng trầm của thời gian, cung An Định hiện chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường. Cổng chính được làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu.

 Cổng chính được làm theo lối tam quan, hai tầng, trang trí bằng sành sứ đắp nổi rất công phu.

 Đình Trung Lập hướng thẳng cửa chính

Đình Trung Lập nằm phía trong, hướng thẳng cửa chính, kết cấu theo kiểu lục giác, lớp mái bên dưới bao trọn 8 cạnh, nền cao. Mái đình đắp nổi 12 con rồng như bay về 4 phương 8 hướng. Các góc đình được tạo hình “bát tiên quá hải” đầy ấn tượng.

Trước đây, giữa đình đặt bức tượng đồng vua Khải Định (được đúc từ năm 1920), kích thước bức tượng lớn bằng người thật. Sau này tượng được chuyển vào phía trong cung.

Lầu Khải Tường là một công trình đồ sộ mang phong cách kiến trúc châu Âu với diện tích nền 745 m2, gồm ba tầng, 22 phòng. Trong đó, tầng 1 có 7 phòng trang hoàng lộng lẫy, nổi bật nhất là đại sảnh; tầng 2 là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi gồm 8 phòng; tầng 3 có 7 phòng dùng làm nơi thờ phụng tiên tổ.

Hai chữ “Khải Tường” được chính vua Khải Định đặt với ý nghĩa là nơi khởi phát điềm lành, vạn sự cát tường. Giá trị nổi bật của lầu Khải Tường là nghệ thuật trang trí vẽ trực tiếp lên tường và nghệ thuật đắp nổi các phù điêu ở ngoại thất. Tiêu biểu là 6 bức tranh tường vẽ 5 khu lăng: Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức và hai bức vẽ lăng vua Đồng Khánh (phụ hoàng của vua Khải Định). Các tác phẩm này được đánh giá là những kiệt tác nghệ thuật tranh tường Việt Nam đầu thế kỷ 20. Thời gian khiến những bức tranh này bị xuống cấp khá nghiêm trọng nhưng với sự hỗ trợ phục hồi của các chuyên gia bảo tồn di sản Đức, những bức tranh tường đã được hồi phục nguyên trạng.

Cùng với các công trình kiến trúc khác của Huế, cung An Định là một điểm đến không thể bỏ qua khi đến với xứ Huế mộng mơ.

Hùng Nguyễn/ Tạp chí Du lịch