'Người mẹ' của 300 đứa trẻ mồ côi

 Chị Vũ Thị Dung ôm cậu bé Đàm Quyết Thắng ở Đồng Văn, Hà Nam trong tang lễ của mẹ năm 2017. Bố mẹ và em của Thắng đều mất vì HIV. Trước khi vào Khát Vọng, cậu bé 13 tuổi khi đó bị trầm cảm nặng, không dám gặp ai do bị kỳ thị. Hiện nay, Thắng đã vào lớp 10, rất tự tin, có thể đóng được hài kịch.

Một buổi chiều tám năm trước, chị Vũ Thị Dung (khi đó 36 tuổi), đi cùng đoàn từ thiện đến thăm một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ở ngoại thành Hà Nội. Nhìn lũ trẻ ngồi một chỗ, khuôn mặt buồn rầu chờ nhận quà, chị cảm thấy có "điều gì đó không ổn". "Tương lai, những đứa trẻ này sẽ về đâu?", Dung buột miệng hỏi.

Trên đường về, chị nói với những người cùng đoàn: "Em không làm thiện nguyện kiểu này nữa" và trình bày ý tưởng "giúp những đứa trẻ có tương lai, khát vọng chứ không phải chờ đợi sự ban phát của người khác". Người phụ nữ này muốn thành lập một quỹ hỗ trợ tiền ăn học cho trẻ mồ côi đều đặn hàng tháng cho đến khi 18 tuổi.

Mọi người gật đầu tán đồng và quỹ Khát Vọng ra đời sau đó không lâu với người sáng lập là Vũ Thị Dung và bốn người bạn đồng hành. Hàng tháng, họ góp một khoản tiền tùy tâm để duy trì hoạt động của quỹ.

Từ những ngày đầu, quỹ Khát Vọng của Dung vấp phải sự hoài nghi, thậm chí phản đối của gia đình và bạn bè. Khi nói với chồng, anh tỏ ra không quan tâm, còn mẹ chị thì mắng thẳng thừng rằng "ôm rơm rặm bụng". "Bọn trẻ đó máu mủ gì với mình mà phải yêu thương chăm sóc", "Nhiều đứa mồ côi vô ơn, hư hỏng lắm, chắc gì sau này chúng nên người", vài người bạn từ chối lời đề nghị khi Dung kêu gọi đóng góp.

Vận động vài chục người, sau ba tháng, chị chỉ có thêm hai người đồng hành, trong đó một người là sếp cũ, một người là cô giáo của con gái.

"Lứa con" đầu tiên được Khát vọng đỡ đầu và cưu mang gồm 15 trẻ ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Viên Thương là cô bé đầu tiên được nhận hỗ trợ, sống cùng người mẹ không biết chữ trong ngôi nhà tranh 6 m2, nằm chỏn lỏn trên một đụn cát tại Quảng Xương, Thanh Hóa. Ngày chị Dung tìm được đến nhà, Thương chạy ra phía sau tìm được chiếc ghế nhựa đã gãy một nửa, chằng tạm bằng dây nilon đưa ra mời khách. Giữa cái nắng nóng 40 độ bỏng rát của miền Trung, căn nhà không có lấy một chiếc quạt.

Cùng chuyến đi đó, chị Dung còn nhận cưu mang thêm 3 anh em mồ côi sống cùng bà nội tại xã bên cạnh. Trong căn nhà cấp 4, mấy bà cháu lủi thủi sống qua ngày. Người anh cả học lớp 7 nhút nhát, gần như trầm cảm sau khi bố mất. Cô em út 11 tuổi, mất mẹ từ khi còn đỏ hỏn. Lấm lét nhìn người lạ, ánh mắt và dáng vẻ của cô ẩn giấu một nỗi buồn và sự mặc cảm không cất thành lời.

Ngoài được hỗ trợ tiền học 400.000 - 500.000 đồng mỗi tháng, bọn trẻ còn nhận được lời thăm hỏi sức khỏe, học hành... từ cuộc gọi hàng ngày của cô Dung. Với những em cuối cấp, người phụ nữ này còn thi thoảng về tận nhà đốc thúc việc học, kiểm tra bài vở như một người mẹ đi công tác trở về.

Hai năm đầu tiên, một mình Dung "ôm" cả núi công việc bởi số học sinh được Khát Vọng nhận hỗ trợ ngày càng tăng lên. Đang làm giám đốc nhân sự, cả ngày quay cuồng với công việc, tối đến chị lại ngồi gọi điện thăm hỏi bọn trẻ, rồi nhận các cuộc gọi xác minh hoàn cảnh khác. Hàng ngày chị bắt đầu công việc từ 6h sáng đến tối muộn, nhiều khi làm việc đến 1-2h đêm.

Từ 49 kg chị giảm xuống còn 43 kg và vài lần ngất xỉu vì suy kiệt. Bác sĩ cảnh báo nếu không giảm tải, sức khỏe khó hồi phục.

 Chị Vũ Thị Dung trao quà tặng cho bạn Nguyễn Thị Thường, một trong những người con của Khát Vọng vừa nhận được hỗ trợ tài chính 2,2 tỷ đồng cho bốn năm học tại Đại học Fulbright. Ảnh: Hải Hiền.

Tháng 7/2015, Dung có ý định nghỉ một trong hai công việc đang làm: Một là giám đốc nhân sự, hai là quỹ Khát Vọng. Chia sẻ dự định với chồng, chị chỉ nhận được lời khuyên: "Nghĩ kỹ đi, đừng có bốc đồng, công việc thiện nguyện không đơn giản như em nghĩ đâu". Phần lớn chi phí của quỹ thời điểm này cũng phải bỏ tiền túi, nếu chị nghỉ việc thì lấy tiền ở đâu? "Nhưng nếu mình từ bỏ Khát Vọng, bọn trẻ sẽ ra sao?", Dung quẩn quanh trong câu hỏi. Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định chọn Khát Vọng bởi tương lai của những đứa trẻ đang gửi gắm vào mình.

Thông tin "chị giám đốc nhân sự nghỉ việc chăm trẻ mồ côi" được bạn bè Dung chia sẻ cho nhau. Những người bạn thân khuyên răn không được chuyển sang "xa cách" vì cho rằng chị không bình thường. "Tôi không bắt mọi người tin ngay vì "hạt mầm" nào cũng cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng bền bỉ. Vì vậy, phải chờ đủ thời gian để mọi người nhìn thấy kết quả", chị tâm niệm.

Sau khi nghỉ việc, Dung tuyển thêm cộng tác viên cùng mình chăm sóc những đứa trẻ thiếu tình yêu thương. Đến nay quỹ đã có 70 tình nguyện viên cùng kèm cặp, động viên tinh thần gần 300 trẻ, tất cả đều tự nguyện.

Chị Đào Lệ Mai Hương (Hà Nội), một nhân viên cũ, cũng là người đồng hành trong những ngày đầu thành lập quỹ Khát Vọng chia sẻ: "Đừng nhìn chị Dung gầy mà nghĩ không có sức để làm. Lúc nào ở người phụ nữ này cũng tràn đầy năng lượng yêu thương". Chị Nguyễn Thị Diễm Hạnh, một người đồng hành khác kể, điều ấn tượng nhất là chị Dung có thể nhớ rõ từng hoàn cảnh, hiểu rõ tâm tính của gần 300 bạn nhỏ ở Khát Vọng. "Điều mà bạn đồng hành như tôi luôn cảm thấy nể’, chị cảm thán.

Khi Khát Vọng tròn 3 tuổi, một trại hè đã được tổ chức ở Hà Nội đón 50 "đứa con" về tụ hội. Đây cũng là lần đầu chồng Dung được chứng kiến niềm hạnh phúc và giọt nước mắt của những đứa trẻ mồ côi. Chúng hát, múa, diễn kịch và thể hiện tình cảm yêu thương, điều mà trước đây chưa bao giờ có cơ hội thể hiện. "Anh nghĩ con đường em chọn là đúng. Hãy coi đó là mục tiêu của đời mình", chồng nói với chị sau khi trại hè kết thúc.

Sau 8 năm hoạt động, Khát Vọng hiện có gần 70 mạnh thường quân cùng đồng hành và 80 em đã "rời tổ" đang là sinh viên đại học và đi làm, có nghề nghiệp phù hợp. Viên Thương, cô bé với ánh mắt rụt rè ngày nào ở Quảng Xương, Thanh Hóa đã trở thành sinh viên năm thứ 2 của Học viện Ngoại giao. Còn cô em út tên Thi trong gia đình 3 anh em mồ côi đã trở nên dạn dĩ hơn nhiều khi nhận được tình yêu thương và bầu không khí gia đình từ các anh chị em khác trong ngôi nhà chung Khát Vọng.

Trở về nhà sau trại hè đầu tiên, cô bé 11 tuổi gửi một tin nhắn: "Cô ơi, con chưa bao giờ được cất lên tiếng mẹ. Từ khi nhận được tình yêu thương từ cô, con có khát khao được gọi tiếng mẹ. Cho phép con một lần này thôi cô nhé". Đọc tin nhắn, nước mắt Dung rơi lã chã. Kể từ đó, không chỉ Thi mà nhiều người con khác tại Khát Vọng cũng gọi chị với hai tiếng: "Mẹ Dung".

Trong những đứa trẻ trưởng thành từ Khát Vọng, Trần Việt Hoàng, quê Hà Tĩnh, một cậu bé khiếm thị đỗ đại học Fulbright khiến chị Dung cảm thấy tự hào hơn cả.

Hoàng không cha, mẹ ốm yếu vì hơn 20 năm phải chạy thận. Trước khi biết tới Khát Vọng, Hoàng đi học matxa, dự định tốt nghiệp cấp 3 sẽ hành nghề nuôi mẹ bệnh tật. Năm 2018, trước khi tốt nghiệp lớp 12, chị Dung khuyến khích Hoàng nộp hồ sơ vào Fulbright. Với một chàng trai hỏng cả hai mắt, Hoàng cho rằng ngôi trường quốc tế quá sức với mình.

"Cứ nộp đi, mẹ sẽ đồng hành cùng con", chị đã khích lệ và dẫn dắt Hoàng đến với Fulbight. Người mẹ này thường xuyên gọi điện động viên, rảnh về tận quê trò chuyện, định hướng tương lai cho chàng trai. Sau khi Hoàng tốt nghiệp PTTH, chị đưa Hoàng ra Hà Nội để học thêm tiếng Anh. Không chỉ vậy, chị còn gửi thư tới trường để trình bày về trường hợp của cậu bé khiếm thị.

"Tôi viết lá thư này vì tôi biết con là một người đặc biệt khiêm tốn, nghị lực, không muốn sự ưu tiên nào đó cho riêng mình. Đây chỉ là những câu chuyện tôi được nghe kể lại từ những người thân yêu của con bằng tất cả tình yêu và sự ngưỡng mộ của họ...", một phần nội dung bức thư viết.

Trong thư, người mẹ này kể về hành trình vượt khó trong học tập, luôn đạt thành tích xuất sắc của Hoàng, về việc con không bao giờ bỏ cuộc khi đi leo núi với những người bạn mắt sáng để chạm tới vạch đích...

 Chị Vũ Thị Dung cùng bạn Trần Việt Hoàng trong buổi nói chuyện truyền cảm hứng tại một trường THPT tại Hà Nội năm 2019.

Ba giờ sáng một ngày tháng 3/2019, Hoàng nhận được giấy báo trúng tuyển với hỗ trợ tài chính 2,2 tỷ đồng cho 4 năm học của Fulbright. Cậu đã đợi đến 4h sáng để gọi điện báo: "Mẹ ơi con đỗ rồi".

Kết quả của cậu học sinh khiếm thị tạo thêm hy vọng cho các em nhỏ ở Khát Vọng. "Con sẽ vượt qua được những rào cản, con cố gắng để thành công. Con tin điều đó. Cảm ơn mẹ đã cho con cơ hội để mơ ước, cho con cơ hội được tin vào chính mình", một bạn nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ viết thư cho Dung, gửi niềm hy vọng của mình vào đó.

Sau Hoàng, có thêm một người con nữa của Khát Vọng đỗ Fulbright cùng với hỗ trợ tài chính 2,2 tỷ đồng trong năm học 2020 và một bạn được học bổng toàn phần tại Nga. Từ thành tích này, chị Dung hy vọng những bạn nhỏ mồ côi nhận được sự cưu mang và chăm sóc sẽ bay cao và xa hơn.

"Hoa có hương thì tự nó bay, tự nó lan tỏa và tinh thần của Khát vọng cũng vậy", người mẹ của gần 300 đứa trẻ mỉm cười hạnh phúc.

Hải Hiền/ VnExpress