Tết Độc lập trong tôi

 

Khi còn nhỏ, tôi được dạy rằng, Quốc khánh 2/9 là ngày sinh của đất nước, cả dân tộc ta giành được độc lập tự do, là ngày Tết Độc lập. Khi ấy, đối với lũ trẻ, chỉ hiểu ngày này là một ngày lễ lớn, được nghỉ học, nghỉ làm, cả phố xóm treo cờ, hân hoan chào mừng. Lớn hơn một chút, tôi hiểu được, để có được Ngày Độc lập ấy, thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng máu xương, mồ hôi và trí lực... Vì giá trị thiêng liêng đó, ngày lịch sử trọng đại này được người dân chờ đón, như một nét văn hóa của cuộc sống hiện đại.

Ký ức của tôi nối dài cho đến hiện tại không hề thay đổi. Những ngày này, phụ bố treo cờ Tổ quốc, nghe thấy tiếng bác tổ trưởng tổ dân phố hào hứng đi nhắc nhở từng nhà, nhìn thấy mái nhà ai cũng tung bay cờ đỏ sao vàng, từ hẻm nhỏ đến phố lớn ngập trong sắc cờ, hoa, biểu ngữ…, đúng là không khí “vui như Tết”.

Tết Độc lập trong tôi, và hẳn là trong lòng mọi người khác nữa, ngoài không khí nô nức đi xem lễ thượng cờ, xem diễu binh ở quảng trường Ba Đình, còn là bữa cơm sum họp gia đình. Vào ngày vui của đất nước, đại gia đình tôi có truyền thống họp mặt đầy đủ, những người đi làm xa, những người bận rộn hay vắng mặt đều quây quần bên mâm cơm. Người lớn sẽ nói chuyện về những tháng ngày xưa cũ, kể cho nhau nghe về những câu chuyện họ được nghe hoặc những kỷ niệm chính họ trải qua về cuộc chiến giành độc lập dân tộc, về ký ức những ngày đất nước mới thống nhất… Có lẽ vì đó là câu chuyện chân thực của bố mẹ, của các bác, của cậu, dì nên chạm đến trái tim tôi, khơi dậy nhiều cảm xúc.

Quả thực, sự kiện Ngày Độc lập vẫn luôn sống động, gần gũi khi trở thành nét văn hóa thường niên, nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc.

Lớn lên, được nghe nhiều, hiểu nhiều, đi nhiều mới thấm thía những giá trị của “độc lập”, tôi càng xúc động, tự hào về Ngày Quốc khánh, rung cảm sâu lắng trước khung cảnh phố phường bừng sáng bởi cờ đỏ sao vàng. Xúc động, tự hào vì đất nước qua bao gian khó vẫn quật cường vươn lên, kinh tế phát triển, đời sống mọi người ấm no, hạnh phúc hơn.

Hiểu được giá trị của cuộc sống thì mới càng biết cách gìn giữ. Và, bằng nhiều cách khác nhau, mỗi người trẻ chúng tôi đang thể hiện tình yêu đất nước theo những cách riêng, từ các công việc đơn giản, thiết thực nhất.

Trước đây, dưới những mái trường, thầy và trò thực hiện nghi thức chào cờ vào mỗi sáng thứ 2 đầu tuần và nghi thức ấy vẫn được duy trì đến bây giờ. Tôi không quên được cảm xúc của mình khi hát theo bản quốc ca trầm hùng vang dội và nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay. Tôi tin là mỗi thanh niên đứng dưới cờ đều có chung cảm xúc như tôi, đó là niềm tự hào dân tộc.

Sau này đi làm trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, nghề nghiệp cho tôi cơ hội may mắn được gặp gỡ các nhân vật lịch sử, các cựu chiến binh, những con người đã trải qua thăng trầm của đất nước. Tôi được nghe, được nhìn, được lắng lại để chiêm nghiệm về giá trị thiêng liêng của từ “độc lập”.

Tôi tin rằng, tại nhiều nơi khác nhau, những người Việt trẻ giống như tôi, cho dù không có những trải nghiệm tự thân trong quá khứ để cảm nhận được hết cảm xúc lớn lao của Ngày Độc lập, nhưng luôn học cách gìn giữ, phát huy những giá trị đó. Bắt đầu từ việc nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ, công việc thường nhật, đến việc đóng góp phát triển kinh tế, góp sức xây dựng một cộng đồng xã hội bền vững hơn… Bằng bản lĩnh, trí tuệ của tuổi trẻ, kết nối để tạo nên một thế hệ tốt đẹp, lành mạnh và lan tỏa tinh thần dân tộc đến cả những thế hệ sau này. Mỗi người có một cách yêu nước khác nhau nhưng tình cảm cho dân tộc, cho Tổ quốc chỉ là một, tình cảm đó luôn hiện hữu trong mỗi con người Việt Nam.

Nhìn lớp lớp cờ đỏ sao vàng tung bay trên các con phố, tôi bất giác gợi lên những câu ca mộc mạc, sâu lắng trong bài hát “Lá cờ” của nhạc sĩ trẻ Tạ Quang Thắng: “Một thời chiến đấu, cha tôi anh hùng. Một thời gian khó, mẹ tôi đảm đang. Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom. Để rồi nay bước trên con đường đời, dù bao gian khó, chông gai đời tôi, đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: Đoàn quân Việt Nam đi…”.

Mai Trang/congthuong.vn