Giao lưu trực tuyến Việt Nam-Nhật Bản về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

 Sản xuất dây cáp điện ôtô. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Sáng 7/7, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ Tokyo (Tokyo SME Support Center) đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và các cơ quan liên quan của Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao thương Trực tuyến Sản phẩm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam-Nhật Bản.

Đây là hội nghị giao thương trực tuyến đầu tiên trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp hỗ trợ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Sự kiện này được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác gia công, sản xuất, liên doanh, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản tham dự hội nghị chủ yếu là những doanh nghiệp có nhu cầu đặt hàng sản xuất, tìm đối tác gia công, đối tác hợp tác kỹ thuật để phát triển sản phẩm, đối tác liên doanh hoặc nhập khẩu từ Việt Nam các sản phẩm và linh kiện trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như sản phẩm được xử lý thông qua hệ thống máy móc gia công cơ khí; các thiết bị, máy móc và phụ tùng nông nghiệp; khung, chân đế các loại; tấm lợp kim loại cho bảng gấp; lõi đồng; khuôn đúc, khuôn mẫu; linh kiện nhựa, sản phẩm từ công nghệ ép phồng; thiết bị nội thất ôtô...

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội nghị đến từ sáu tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Hưng Yên và Long An, chủ yếu để chào hàng, giới thiệu năng lực và nhu cầu hợp tác.

Phát biểu tại phiên toàn thể của hội nghị, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nhấn mạnh hiện tại, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Tạ Đức Minh nói: “Hiện nay, hợp tác Việt-Nhật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chủ yếu dừng lại ở việc các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện gia công sản phẩm theo yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Các sản phẩm gia công không đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật phức tạp. Do đối tác Nhật Bản thuê doanh nghiệp Việt Nam gia công sản phẩm để tận dụng nguồn lao động giá rẻ và có tay nghề của Việt Nam nên giá trị gia tăng mà các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra không được lớn như kỳ vọng”.

Trong bối cảnh đó, ông Minh khuyến nghị các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cần phải đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể gia tăng hàm lượng kỹ thuật, hàm lượng công nghệ trong các sản phẩm của mình.

Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng gia công/xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn, từ đó có thể trở thành đối tác liên doanh/liên kết bình đẳng với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp hai nước sẽ có 6 phiên giao thương. Các nhà tổ chức hy vọng thông qua hội nghị này, các doanh nghiệp Việt Nam và các nhà nhập khẩu Nhật Bản sẽ hiểu rõ hơn nhu cầu và năng lực của nhau, tiến tới thỏa thuận các cơ hội hợp tác gia công, sản xuất, kinh doanh và đầu tư vì lợi ích của doanh nghiệp hai bên./.

Đào Thanh Tùng / TTXVN/Vietnam+