Ân tình tháng 7


 Thanh niên, sinh viên kiều bào dự hoạt động Trại hè Việt Nam
viếng mộ 10 nữ liệt sĩ anh hùng tại Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Mai Chi

Tháng Bảy nhìn lên trời thì thật xanh, cái màu xanh thót dạ như nhà thơ Thi Hoàng đau đáu: “Trời thì xanh như rút ruột mà xanh”. Xanh ngắt, xanh đến tận lòng. Còn mây thì ngổn ngang trắng. Mây cứ đùn lên mọc khói trong lòng người, rồi dạt mỏng ra những sợi tơ vương se thắt. Cứ ngỡ mỏng manh ấy có chút gì lang bạt mơ hồ, chốc lát lại sầm sầm nén chặt những cơn giông oi bức đến ngột ngạt lạ lùng. Và sấm thì liên hồi như đánh trống ngũ liên. Sấm non mà khiến ta giật mình, chớp giật thì rạch sáng nao nao bao ký ức. “Ân tình tháng Bảy” là những cơn mưa tốt tươi cho ruộng lúa bời bời bắt đầu từ chớp giật những cơn giông tích điện đó…

Tháng Bảy, tóc mẹ như bạc hơn, đêm cũng nhiều thảng thốt. Mái nhà tình nghĩa, che nắng, che mưa, che chắn cả những ngày thường chông chênh bốn phía, sự trống vắng ngôi nhà chực ùa vào nỗi cô đơn trong mẹ. Các con mẹ không về thì này đây: Những kèo, những cột, những xà ngang, xà dọc giằng chéo vào nhau, đan cài vào nhau để đỡ đần chút nào cho mẹ. Nhưng làm sao đỡ được tấm lưng mẹ mỗi ngày nặng xuống. Nặng xuống cả tiếng ho tuổi tác, nặng xuống cả túi áo đựng trầu. Nặng xuống cả buồng chuối ngoài vườn xúm xít bên nhau mà “chuối thì thơm, mẹ lại có một mình”.

“Ân tình tháng Bảy” bắt đầu từ những cuộc hành hương về thăm các nghĩa trang liệt sỹ đến những địa danh linh thiêng. Bia mộ các anh như những phím đàn trắng tỏa âm vang ngân vào trong lòng đất day dứt thành những cung trầm sâu thẳm lòng người. Có cả những ngôi mộ thiếu tên người mất nhưng không vô danh bao giờ. Không thể nào vô danh được, mặc dù ở đó chỉ có khắc một ngôi sao đỏ. Ngôi sao ngời ngời sáng trong đêm, ngôi sao thắm thật tươi trong nắng. Màu nắng Trường Sơn có gì khang khác. Nắng “ký ninh” của những cơn sốt rét tái cả thanh xuân rụng tuổi xuống cánh rừng…

Những ngày tháng Bảy này có những người lính đi ngược lại chiến trường, lặng lẽ tìm hài cốt các anh. Họ lần theo những đàn bướm trắng chập chờn thao thức bên suối. Hay những gốc cây, tảng đá khắc tên người đã mòn theo thời gian bão gió. Họ băng qua bao địa hình hiểm trở. Mối đã đùn lên, đường mòn thì lấp cỏ. Họ đã lần theo tiếng gọi tâm linh giao cảm đồng đội của mình: “Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”. Tháng Bảy này những ngọn nến cầu siêu cháy nhỏ giọt đọng lại i ngưng lại thời gian từng khắc, đọng lại tuổi hai mươi. Nến nhỏ như nhỏ giọt mồ hôi nước mắt và cả máu nữa. Bạt ngàn Trường Sơn là bạt ngàn bia mộ: “Nếu hôm nay đồng đội về đông đủ - Sư đoàn tôi sẽ thành mấy sư đoàn” (Nguyễn Đức Mậu).

“Ân tình tháng Bảy” không chỉ là tình nghĩa tri ân mà còn là nghĩa vụ của những người đang sống làm thay phần việc dang dở của những người đã mất. Như “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng: “Thương chúng tôi các bạn ơi đừng khóc/ Về bón chăm cho lúa được mùa hơn”. Hay những người vợ liệt sỹ trong thơ Lê Đình Cánh: “Quê nhà mấy trận bão giông/ Mãi lo nước ngập cánh đồng lúa xanh/ Mãi lo cơm đủ áo lành/ Còn đâu lúc rảnh để thành vọng phu”. Vâng! Không thể thành vọng phu nhưng tượng đài thì mãi mãi ngàn năm còn đó: Tượng đài mẹ Thứ, mẹ Quảng Nam – Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có cả những tượng đài được dựng trong lòng người, có cả tháp chuông là tháp lòng dân. Tháp có bảy tầng như cầu vồng lung linh bắc qua nắng mưa bảy sắc.

Tháng Bảy ơi! Thương mến đến vô cùng...

Nguyễn Ngọc Phú/http://giadinh.net.vn/