Việt Nam dự phiên họp của Hội đồng Bảo an về tình hình tại Trung Phi

 Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Nguồn: TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/6 đã họp trực tuyến thảo luận tình hình tại Cộng hòa Trung Phi.

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của Việt Nam đã kêu gọi chính phủ Cộng hòa Trung Phi và các bên liên quan thực hiện đầy đủ Thỏa thuận hòa bình nhằm tạo môi trường chính trị thuận lợi cho tiến trình bầu cử quan trọng của nước này.

Cuộc họp có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Trung Phi, bà Sylvie Baipo-Temon, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hoà bình Jean-Pierre Lacroix, Cao ủy phụ trách hòa bình-an ninh của Liên minh châu Phi (AU) Smail Chergui và Giám đốc phụ trách châu Phi thuộc Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) Koean Vervaeke.

Các đại biểu bày tỏ quan tâm đặc biệt đối với việc thực hiện Thỏa thuận Hòa bình giữa Chính phủ Cộng hòa Trung Phi và 14 nhóm vũ trang cùng quá trình chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống và Quốc hội vào cuối năm 2020 và đầu 2021.

Thỏa thuận Hòa bình được ký vào tháng 2/2019 là bước tiến lớn đóng góp vào sự ổn định tại Cộng hòa Trung Phi trong thời gian qua. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều phức tạp do vi phạm tiếp diễn của các nhóm vũ trang, gây ảnh hưởng tới sự ổn định và cuộc sống của dân thường.

Không khí chính trị trước thềm bầu cử ở Cộng hòa Trung Phi đang chứng kiến có sự căng thẳng nhất định giữa các nhóm đối lập, cũng như thách thức về thiếu kinh phí cho việc tổ chức bầu cử.

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc cùng các đối tác Liên minh châu Phi và Liên minh châu Âu cho biết đang nỗ lực hỗ trợ Cộng hòa Trung Phi trong giải quyết các thách thức hiện nay.

Bên cạnh đó, tuy chưa ảnh hưởng nặng nề, nhưng đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn tình hình nhân đạo và những khó khăn kinh tế-xã hội ở Cộng hòa Trung Phi. Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại đây (MINUSCA) cũng bị ảnh hưởng, với hơn 51 ca nhiễm.

Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Trung Phi cảm ơn sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an đối với người dân Cộng hòa Trung Phi, đặc biệt là trong bảo đảm an ninh và ổn định tại nước này thông qua triển khai hoạt động của MINUSCA.

Bà Temon nhấn mạnh nỗ lực lớn của chính phủ trong thực hiện Thỏa thuận Hòa bình nói trên thông qua một loạt các biện pháp như cải tổ hoạt động của chính phủ, xây dựng luật pháp, xây dựng các cơ chế bảo đảm việc thực hiện Thỏa thuận.

Bà cũng cho biết Cộng hòa Trung Phi đang tích cực chuẩn bị một cách toàn diện nhất nhằm bảo đảm bầu cử được tổ chức đúng thời hạn và thành công trong năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ liên tục từ cộng đồng quốc tế đối với Cộng hòa Trung Phi trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp nước này trong các nỗ lực hòa bình, chuẩn bị bầu cử cũng như giải quyết tình hình nhân đạo và tác động của COVID-19.

Trước những khó khăn và nguy hiểm mà Lực lượng gìn giữ hòa bình và các đối tác nhân đạo gặp phải khi hoạt động tại Cộng hòa Trung Phi, Đại sứ nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh và an toàn cho những người đang hiện diện và nỗ lực giúp cho đất nước và người dân ở đây.

Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA) được thành lập trên cơ sở Nghị quyết 2149 năm 2014 của Hội đồng Bảo an nhằm mục đích bảo vệ thường dân, hỗ trợ tiến trình hòa bình và giải quyết các thách thức nhân đạo tại nước này. Việt Nam hiện có 6 cán bộ, chiến sỹ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại đây.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết gia hạn Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Somalia (gọi tắt là UNSOM).

Nghị quyết 2527 gia hạn hoạt động của Phái bộ này đến ngày 31/8/2020. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của UNSOM trong hỗ trợ Chính phủ Liên bang Somalia và các bang thành viên thông qua tư vấn chiến lược, nâng cao năng lực và phối hợp hỗ trợ của các đối tác quốc tế, hỗ trợ nhiệm vụ cho Phái bộ Liên minh châu Phi tại Somalia (AMISOM), Văn phòng Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Somalia (UNSOS) và Nhóm công tác của Liên hợp quốc tại Somalia./.

Hải Vân-Vũ Hiếu (TTXVN/Vietnam+)