Nhìn vào thiếu sót của cha mẹ, sẽ thấy biểu hiện của con cái


 Sự hình thành tính cách của trẻ dù tốt hay xấu
đều chính là tấm gương phản chiếu một phần con người của cha mẹ. (Ảnh: Shutterstock)

Nếu bạn ‘hét lên’ với con ngày hôm nay, đừng trách ngày mai đứa trẻ cũng làm thế với bạn; Bạn hôm nay không kiên nhẫn với con, đừng trách ngày mai đứa trẻ sẽ bực mình với bạn; Bạn hôm nay trách mắng con không giỏi bằng con cái nhà khác, đừng trách ngày mai đứa trẻ trách cứ bạn không quyền thế bằng cha mẹ khác…

Vì vậy, giáo dục thực sự chính là một hồi tu hành. Đó chính là quá trình để sự hồn nhiên, vô tư và linh động của trẻ em có thể gột rửa tâm lý nóng nảy, thực dụng và kiêu ngạo của người lớn.

Để giáo dục con trẻ được tốt, cha mẹ nên sử dụng tấm gương là trẻ em để không ngừng khám phá bản thân, tu chỉnh và hoàn thiện bản thân để cuối cùng làm gương tốt cho con cái. Trong quá trình giáo dục, chúng ta sẽ tìm được một con người mới của chính mình hoàn thiện hơn.

  1. Nếu con bạn thích lên án người khác, đó là vì bạn thường chỉ trích con quá nhiều.
  2. Nếu con bạn thích phàn nàn về mọi thứ, đó là vì bạn luôn bắt bẻ chúng.
  3. Nếu con bạn thích chống đối, đó là vì bạn quá hà khắc và cưỡng chế con.
  4. Nếu con bạn không đủ thiện lương, đó là vì bạn thiếu lòng trắc ẩn.
  5. Nếu con bạn rụt rè và nhút nhát, đó là bởi vì nó thường bị chế giễu và mắng nhiếc.
  6. Nếu con bạn không nói cho bạn sự thật, đó là vì bạn bắt bẻ lời nói của con và thường hay lôi chuyện cũ.
  7. Nếu con bạn không phân biệt đúng sai, đó là do bạn độc đoán, không cho con cơ hội tự chủ và suy nghĩ.
  8. Nếu con bạn rất tự ti, đó là vì bạn luôn thất vọng với trẻ và không thể kiên nhẫn khuyến khích.
  9. Nếu con bạn ghen tị, nhạy cảm và sợ bị thương hại, đó là vì gia đình không có đủ bao dung và ấm áp.
  10. Nếu con bạn không thích chính mình, đó là vì bạn thiếu sự tiếp nhận, tán thành và tôn trọng con.
  11. Nếu con bạn không tiến bộ và không cố gắng, đó là vì bạn yêu cầu con quá cao và chúng không thể làm điều đó.
  12. Nếu con bạn rất ích kỷ, đó là vì bạn quá chiều chuộng con, muốn cái gì cấp cái đó.
  13. Nếu con bạn không hiểu nỗi khổ tâm của cha mẹ, đó là vì bạn đã không dạy con thấu hiểu người khác.
  14. Nếu con bạn nao núng hoặc trốn tránh, đó là do sự coi thường và đả kích của bạn.
  15. Nếu con bạn lười biếng và phụ thuộc, đó là vì bạn đã làm quá nhiều việc và quyết định thay con.
  16. Nếu bạn bị một đứa trẻ khống chế, đó là vì bạn không dám quản giáo nghiêm khắc, và luôn cầu xin đứa trẻ.
  17. Nếu con bạn nói dối hoặc gạt người, đó là vì bạn không đủ khoan dung và thích trừng phạt chúng.
  18. Nếu con bạn lạnh lùng, hay công kích người khác, đó là vì bạn thường hay mỉa mai và lạnh nhạt.
  19. Nếu con bạn có hành vi bạo lực, đó là do bạn thường sử dụng bạo lực / vũ lực để giải quyết các vấn đề của con.

Nếu mắc phải ba trong các điều ở trên thì chứng tỏ rằng giáo dục gia đình của bạn đang ở trạng thái “sức khỏe kém”. Nếu mắc phải bốn điều, thì bạn phải luôn chú ý đến phương pháp giáo dục của mình!

Ngoài ra, mối quan hệ giữa cha và mẹ cũng sẽ nuôi dạy những đứa trẻ có tính cách khác nhau.

Đứa trẻ khi tách khỏi cha mẹ là một cá nhân độc lập, nhưng dưới cùng một mái nhà, mối quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha và mẹ không thể tách rời đối với con trẻ. Mối quan hệ này, dù tốt hay xấu, đều sẽ ảnh hưởng đến con cái.

1. Cha mẹ yêu thương nhau: Trẻ em có tính cách vui vẻ và khỏe mạnh.

Cha mẹ có mối quan hệ yêu thương và hòa thuận có thể mang đến cho trẻ môi trường gia đình tốt. Tính cách của những đứa trẻ này sẽ ôn hòa, vui vẻ và cởi mở. Đứa trẻ cũng sẽ có cảm xúc tốt đẹp về hôn nhân, có thể có tình yêu lành mạnh với người khác giới.

2. Cha mẹ tình cảm lạnh nhạt: Trẻ em ích kỷ và dễ buông thả.

Tình cảm của cha mẹ lạnh nhạt, hai người thường dựa vào con cái để giao tiếp hoặc duy trì hạnh phúc gia đình. Đây chính là điều mà người ta vẫn thường gọi là gia đình “lấy trẻ làm trung tâm”. Dưới ảnh hưởng của mối quan hệ cha mẹ, hơn nữa có quá nhiều sự chú ý hoặc can thiệp sẽ khiến ‘nhân vật trung tâm’ trở nên buông thả và ích kỷ.

3. Mẹ mạnh mẽ, cha nhu nhược: Con trai tự ti, yếu đuối.

Vì người cha nhu nhược, quyền lực cấp hết cho người mẹ. Sau khi vai trò của gia đình bị đảo lộn, người cha ngày càng trở nên yếu thế, người mẹ sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí ‘nói một là một, hai là hai’. Con trẻ thường sẽ có xu hướng đồng cảm với cha mẹ đồng giới. Con gái sẽ đồng cảm với người mẹ mạnh mẽ, và theo thời gian nó sẽ trở thành một đứa con gái mạnh mẽ giống mẹ. Còn cậu con trai sẽ trở thành một đứa con trai hèn nhát, tự ti mà không có trách nhiệm.

4. Cha mẹ ly dị sớm: Con cái thờ ơ và không có cảm giác an toàn.

Nhiều cặp vợ chồng để giải thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh đã chọn ly hôn, nhưng họ đã bỏ sót điều quan trọng nhất, đó là những đứa trẻ không bao giờ có thể được giải thoát. Những tổn thương trong lòng chúng cả đời khó có thể bình phục, những lo lắng, bất an và sợ hãi có thể không bao giờ được chữa lành. Trẻ em sống trong gia đình cha mẹ ly dị dễ lo lắng, trầm cảm, đối địch, trả thù, thờ ơ và nhiều rào cản tâm lý khác.

5. Cha mẹ thích đổ lỗi cho nhau: Trẻ em nhạy cảm, hay trốn tránh

Cha mẹ bướng bỉnh thích đổ lỗi cho nhau, môi trường gia đình như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách của trẻ. Đặc biệt là khi hai vợ chồng cãi nhau, sẽ dễ dàng nói với con rằng ‘người kia không đúng’. Điều này tác động đến trẻ em và khiến chúng sẽ không tôn trọng cha mẹ trong tương lai. Một bên tấn công bên kia, cố gắng làm cho đứa trẻ không hài lòng với đối phương, và cuối cùng người chịu tổn thương lại chính là đứa trẻ.

6. Cha mẹ hay đánh lộn: Trẻ em thích bạo lực và gắt gỏng.

Những cuộc cãi vã của cha mẹ là phổ biến và dễ hiểu đối với người lớn, nhưng đối với trẻ em, điều đó giống như bầu trời sụp đổ và cảm giác an toàn của đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Đồng thời, đứa trẻ cũng sẽ trở nên hung dữ và gắt gỏng, vì đôi tai và đôi mắt của chúng thường xuyên phải nghe, phải thấy cảnh tượng la hét của cha mẹ.

Vì vậy, cha mẹ ơi, hãy vì con, làm thế nào để vợ chồng có thể hòa hợp với nhau là điều vô cùng quan trọng!

Theo http://songdep.tv/