'Tiểu vương quốc' không quá 5 người ở

Sealand nằm trên một pháo đài bỏ hoang, có tên là tháp Fort Roughs, trên bờ biển miền đông nước Anh. Đây là một trong 4 pháo đài được Hải quân Hoàng gia Anh xây dựng ở biển Bắc để phục vụ Thế chiến thứ II. Fort Roughs nằm cách bờ biển gần nhất 7 hải lý, không nằm trong lãnh hải tính từ đường cơ sở của Anh lúc bấy giờ. Tất cả đã bị bỏ hoang vào đầu những năm 1950, một số bị phá hủy, vì nằm trong vùng biển quốc tế.

Năm 1966, Paddy Roy Bates, một cựu thiếu tá quân đội Anh lái thuyền nhỏ tới Fort Roughs và tuyên bố chinh phục pháo đài bỏ hoang này. Ông đặt tên cho nó là Sealand, như một món quà dành tặng cho vợ mình, Joan.

Trước đó, Roy đã dựng một đài phát thanh trên Knock John, một pháo đài bỏ hoang khác. Tuy nhiên, hành động này bị coi là trái phép do Knock John nằm trong lãnh hải của Anh. Vì vậy Fort Roughs, một nơi xa hơn, đã được ông lựa chọn để thực hiện ý nguyện của mình. 

Sau khi tham khảo ý kiến của luật sư, một năm sau vào 2/9/1967, Roy đã tuyên bố độc lập, giương cờ và phong vợ mình làm công chúa Joan. Từ đó "vương quốc" Sealand ra đời, với khẩu hiệu "Sự tự do từ biển cả". Gia đình 4 người của Roy đã dự trữ nhiều thực phẩm đóng hộp, bột mì, ngũ cốc và sống trên đó, đôi khi không trở lại đất liền trong vài tháng. Nhu yếu phẩm sẽ được đặt qua các chuyến tàu.

Pháo đài trông giống một giàn khoan, làm từ bê tông, sắt thép, được nâng đỡ bởi 2 cột trụ, chiều cao 18 m so với mặt biển. Tổng diện tích của pháo đài khoảng 557 m2, vừa bằng kích cỡ của 2 sân bóng tennis. Ở đây có một khu nhà 10 phòng gồm phòng khách, bếp, phòng ngủ, phòng thờ, phòng tập thể dục và một sân bay trực thăng ở trên nóc. Điện được chạy bằng máy phát sử dụng năng lượng gió.

Công dân của Sealand không ai khác ngoài gia đình, bạn bè của Roy. Năm 2002, dân số sinh sống trên pháo đài đạt đỉnh 27 người. Sau khi Roy qua đời, con trai ông là Michael, tiếp tục cai quản hòn đảo. Michael sẽ "truyền ngôi" cho James và Liam, con trai mình, những người có tước hiệu hoàng tử Sealand.

 

Dù không được Liên hợp quốc hay bất kỳ quốc gia nào công nhận, Sealand vẫn có hộ chiếu, quốc huy, tiền tệ, hiến pháp và tem. Đặc biệt, Sealand cũng có đội bóng riêng, dù những cầu thủ không sinh sống ở đây. Đất nước không chính thức này cũng tham gia nhiều sự kiện thể thao quốc tế từ bóng đá đến đấu kiếm. Năm 2008, Sealand đã giành chức vô địch trong một cuộc thi ném trứng quốc tế. Cờ của vương quốc cũng được cắm trên đỉnh Everest. Thậm chí, một thương hiệu nước tăng lực nổi tiếng cũng tổ chức sự kiện trượt ván ở đây.

Ngày nay, có rất ít người sống ở Sealand vì gia đình Micheal quay trở lại đất liền để bọn trẻ đi học. Thường chỉ có 2 người trông coi vương quốc và thay phiên nhau sau khoảng vài tuần. Họ được phong là Giám đốc An ninh nội địa. Khác xa với phiên bản quốc gia cô lập, không điện thoại, không liên lạc từ thời cha ông mình, Sealand ở thời hoàng tử James và Liam đã trang bị Internet, lập tài khoản mạng xã hội và mở một cửa hàng quà lưu niệm để tăng GDP. Ngoài ra, các thành viên cũng làm nhiều công việc kinh doanh khác.

Dù không biết trước tương lai của vương quốc Sealand sẽ ra sao, những người "trị vì" hiện tại vẫn sẽ được kế truyền và duy trì tới các thế hệ tiếp theo của nhà Bates.

Hiện tại, bất kỳ ai cũng có thể trở thành công dân tạm thời của Sealand nếu mua thẻ căn cước, danh hiệu ngài, quý bà, công tước hay bá tước với giá từ 29,99 đến 199,99 bảng Anh (860.000 - 5,8 triệu đồng). Tuy nhiên, du lịch không quá phát triển ở đây, vì thời tiết và biển động có thể gây nguy hiểm cho du khách thông thường.

Nếu xin được thị thực, bạn sẽ được các hoàng tử đón trên thuyền từ cảng biển của Anh và di chuyển trong khoảng 30 phút. Sealand không có thang máy, vì vậy những người tới đây sẽ được kéo lên bằng ròng rọc tự động và bắt đầu chuyến tham quan.

Lan Hương/ VnExpress