Australia rèn tính tự giác như thế nào

 Thư viện quốc gia Melbourne hằng ngày phục vụ hàng nghìn người. Mọi người tự mượn và trả sách.

Australia giống như một “hợp chủng quốc”, thu hút công dân từ khắp thế giới đến định cư. Dù là ai, đến từ quốc gia nào, cũng đều phải chấp nhận và thực hiện pháp luật và các quy định của Australia. Phương pháp giáo dục ý thức tự giác của quốc gia này có nhiều điểm rất đáng học hỏi.

Ngay sau khi đặt chân xuống sảnh quốc tế ở sân bay Australia, bạn sẽ nghe bài hát Đừng xin lỗi (Don't Say Sorry) của K. Michelle được phát đi phát lại trên loa: “Don't say sorry, just don't do it … I don't wanna hear it, I don't wanna hear it no more. Don't say sorry, no, no”. Mặc dù bài hát về đề tài tình yêu, song, nó cũng nhắc nhở du khách hãy tuân thủ pháp luật và các quy định của nước sở tại, đừng vi phạm rồi lại xin lỗi. Lời xin lỗi là không thể chấp nhận khi biết sai mà vẫn làm.

Tại các công trường, họ không treo những tấm biển “Xin lỗi vì chúng tôi đã làm phiền” hay “Xin lỗi vì sự bất tiện”. Bên ngoài công trình tàu điện ngầm mới là dòng chữ “thêm tàu, thêm tiện lợi”. Các công trình xây dựng đều làm lối đi thay thế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người qua lại. Nếu không, họ sẽ chặn đứng một con đường và đặt biển hướng dẫn lối đi.

Trên phương tiện công cộng, họ không dùng chữ “Xin lỗi vì phanh gấp”, thay vào đó là dòng chữ “Đôi khi phanh gấp là cần thiết”. Bằng cách đó, người dân không có lý do gì để kêu ca phàn nàn, mọi người đều tự giác chấp hành theo người điều khiển giao thông.

Người dân Australia thường sử dụng phương tiện công cộng giá rẻ vì chúng rất tiện lợi. Các thành phố lớn của Australia đều có các tuyến tàu điện nội thành, còn xe bus vươn tới tất cả các vùng xa xôi hẻo lánh. Người dân sử dụng thẻ Opal để đi tàu, thuyền, xe bus ở Sydney hay thẻ Myki để đi tàu điện (tram), tàu và xe buýt ở Melbourne. Do các phương tiện giao thông công cộng được kết nối với nhau trong cùng một hệ thống, chỉ với một cái thẻ có 10 USD, bạn có thể vi vu trên nhiều loại phương tiện suốt cả ngày. Thậm chí bạn có thể xuôi ngược trên những chuyến tàu xa thành phố đến 30-40 km, hoặc đi xe bus dọc ngang khắp mọi nơi mà không phải trả thêm tiền. Việc quẹt thẻ đồng nghĩa với việc bạn tự nguyện thanh toán tiền mua vé.

Như ở Melbourne, khi bạn ra khỏi vùng free zone (đi lại miễn phí bằng tàu điện), bạn sẽ phải quẹt thẻ khi lên xuống tàu. Có những người vô tình hoặc cố ý không quẹt thẻ vì những lý do khác nhau, không ngoại trừ lý do trốn vé. Tuy nhiên, các phương tiện công cộng đều có camera quan sát. Ngoài ra, thanh tra giao thông của Australia ăn mặc không khác gì người tham gia giao thông, lặng lẽ quan sát hành vi của mọi người (tất nhiên là không phải tất cả các chuyến tàu xe). Thỉnh thoảng, họ yêu cầu kiểm tra thẻ đi lại và nếu không có lý do chính đáng, người vi phạm sẽ bị phạt 200 USD và bị ghi lại danh tính. Tuy nhiên, nếu biết bạn là người mới đến Melbourne, chưa hiểu rõ luật lệ thì họ có thể bỏ qua cho bạn, nhưng chỉ một lần duy nhất và bạn không nên lạm dụng điều này.

Nước Australia không có trạm thu phí giao thông nào mặc dù có nhiều tuyến đường thu phí. Đây là một trong những quốc gia áp dụng thu phí giao thông điện tử. Xe ô-tô được gắn thiết bị điện tử thu phí tự động, khi xe đi trên tuyến đường có thu phí thì thiết bị này phát tín hiệu âm thanh báo rằng xe bạn đã bị trừ phí. Đối với những người cố tình không nộp phí giao thông, không lắp đặt hệ thống điện tử thu phí tự động, camera sẽ chụp biển số xe và chủ xe sẽ bị phạt tiền nếu chậm nộp phí. Việc đỗ xe có thu phí được thực hiện tương tự, những ai cố tình vi phạm không nộp tiền hoặc quẹt thẻ tại điểm đỗ xe có thu phí có thể bị phạt rất nặng nếu thanh tra giao thông phát hiện ra. Khi va chạm xe, lái xe chỉ việc chụp ảnh gửi đến cơ quan kiểm soát giao thông, từ hình ảnh đó họ sẽ khẳng định ai đúng ai sai và bảo hiểm sẽ làm phần việc còn lại. Việc tự giác chấp hành luật giao thông đã hạn chế rất nhiều tai nạn giao thông ở Australia.

Anh Trần Trung, một người định cư tại bang Victoria gần mười năm, tiết lộ rằng, mới nhìn qua thì tưởng Australia rất dễ dãi, thậm chí có thể vi phạm chút đỉnh. Nhưng chỉ đến khi bạn nộp hồ sơ xin việc mới biết hậu quả của lỗi vi phạm. Nhà tuyển dụng sẽ tra cứu hồ sơ vi phạm của bạn qua các kênh khác nhau để tính điểm trung thực của bạn. Nếu bạn không quẹt thẻ đi tàu, không trả phí giao thông, khai thông tin không trung thực thì bạn sẽ không có cơ hội làm việc tại Australia. Dù bạn vác hồ sơ xin việc đi đến đâu cũng thế, một hồ sơ trong sạch mới có thể bảo đảm cho bạn có cơ hội thử việc. Hoặc khi bạn xin định cư tại Australia, chỉ một lỗi vi phạm nhỏ cũng đồng nghĩa với việc bạn bị từ chối. Cách kiểm soát khiến mọi người hiểu được cái giá của sự gian dối là vô cùng đắt và hạn chế rất nhiều vi phạm.

Có khá nhiều siêu thị cho phép khách hàng tự thanh toán. Việc này đòi hỏi khách hàng phải tuyệt đối trung thực. Ở những siêu thị như vậy thường chỉ có một nhân viên bảo vệ bảo đảm trật tự, hệ thống camera sẽ làm nhiệm vụ giám sát việc mua hàng và thanh toán. Mặc dù được “thả cửa” như vậy, song hầu như không có ai dám vi phạm, vì nếu bị bắt lấy trộm hàng, bạn sẽ chịu án phạt rất nặng và bị đưa lên mặt báo.

Tương tự, trong các công viên hay khu cắm trại người ta đặt lò nướng barbeceu miễn phí, song người sử dụng phải dọn dẹp vệ sinh thật sạch sẽ để người đến sau dùng. Một số khách sạn kiểu căn hộ (apartment) còn yêu cầu du khách dọn dẹp vệ sinh, đổ rác sạch sẽ trước khi rời khỏi khách sạn. Cách làm đó cũng khiến cho du khách phải tự giác vệ sinh phòng ở, thực hiện đúng nội quy của khách sạn.

Các trường phổ thông không chấm điểm học sinh mà họ khuyến khích sự tự giác, tính trung thực và lòng tự trọng. Điều quan trọng nhất là học sinh phải nỗ lực hết sức mình. Phương pháp giáo dục và kiểm soát vi phạm của nước Australia cho thấy, tự nguyện, tự giác không phải tự nhiên mà có, mà thực chất là phải thông qua sự theo dõi, kiểm tra, đánh giá và xử lý nghiêm khắc. Giáo dục đạo đức chính là quá trình kiểm soát hành vi cho đến khi hành động của mọi người trở thành thói quen, nếp sống thường nhật.

Hà Hồng Hà/ Báo Nhân dân