Kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước: Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc nhiều ấn tượng về giá trị lịch sử

LÝ DO CHO MỘT CHUYẾN ĐI

Chuyến đi thăm đảo Phú Quốc vào đầu tháng 2 của tôi được định trước từ năm ngoái và đã thực hiện đúng vào lúc dịch covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam. Tuy chưa đến mức phải cách ly xã hội như tháng 3 và tháng 4, nhưng số du khách ra thăm đảo vắng hẳn; cho nên, việc đi lại thật thoải mái, không đến nỗi chen vai nhau trong các khu vui chơi ở trên đảo.

Mục đích chuyến đi Phú Quốc của tôi là theo chân các chị nữ tù binh cách mạng tham quan lại trại tù Phú Quốc và những địa danh lịch sử, đồng thời gặp gỡ, trò chuyện với những tù nhân chính trị.

Đoàn chúng tôi có hai chị Trần Duy Phương và Trần Thu Hồng, đều là các nữ tù binh trải qua 3 nhà giam chế độ Việt Nam Cộng hòa như Non Nước (Đà Nẵng), Phú Tài (Quy Nhơn) và Cần Thơ. Cả hai đều có thời gian tù từ năm 1968 đến 1973. Chị Phương bị địch bắn vào cột sống, bị thương và liệt hai chân suốt đời. Chị Hồng khi bị bắt mới chỉ là cô bé 16 tuổi. Tôi đã có dịp trò chuyện với hai chị, nên hiểu thế nào là chế độ hà khắc trong các trại tù binh; và biết tường tận chi tiết thế nào là tinh thần bất khuất của các nữ tù binh để vượt qua những đòn thù của địch nhằm bóp nghẹt ý chí đấu tranh của các chị ở trại tù binh Phú Tài.

Từ những tài liệu qua sách báo, phim ảnh, kể cả những câu chuyện kể từ chính những nhân chứng sống, tôi vẫn muốn một lần được tận mắt đối chiếu nhận thức, nhãn quan của mình khi đến với nhà tù Phú Quốc, và tin rằng, đây sẽ là một trải nghiệm vô cùng quý báu cho bản thân tôi.


 Tác giả trước Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Phú Quốc

MẮT THẤY TAI NGHE Ở TRẠI TÙ CHÍNH TRỊ PHÚ QUỐC

Ngay hôm sau đến Phú Quốc, điểm đến của Đoàn là Trại giam tù nhân chính trị Phú Quốc. Theo tài liệu, từ một nhà tù với quy mô gần 500 nhà giam, đến nay chỉ còn lại 4 nhà nguyên gốc cùng một số cổng chào, bộ khung cửa nhà thờ và các nền đá. Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình như: 5 nhà tiền chế gồm nhà giam, nhà ăn, nhà bếp và hai nhà canh giữ của giám thị; phục hồi đường ngầm vượt ngục, một đoạn hàng rào kẽm gai giống như cũ, chòi canh, chuồng cọp, đài tưởng niệm ở nghĩa địa tù binh và nhà trưng bày bổ sung di tích… Năm 2005, các hạng mục này được hoàn thành đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan; đến nay, đã có hàng trăm ngàn lượt người đến thăm di tích.

Theo tài liệu, thời Pháp, giữa năm 1953, sau khi toán quân của Quốc Dân đảng rút đi nơi khác thì Pháp dùng doanh trại của đám tàn quân này xây dựng nhà tù, gọi là Căng Cây Dừa có diện tích khoảng 40 ha. Nhà tù hình chữ nhật, chia làm bốn trại A,B,C,D nằm liền kề nhau. Khu vực vành đai bao quanh khu Cây Dừa không cho dân ở. Toàn Căng có hàng rào thép gai dày bao quanh. Trên hàng rào kẽm gai chúng mắc dây điện trần và đèn bảo vệ. Chòi canh thường xuyên có lính gác. Mỗi cổng lại có một tiểu đội lính tuần tiễu được trang bị tiểu liên và súng trường. Vành ngoài của Sở chỉ huy và các trại lính có công sự chiến đấu. Số lượng tù binh trong thời gian này mới có khoảng 6.000 người, chủ yếu từ đất liền ra. Đến tháng 4/1954 thì có khoảng 14 nghìn tù nhân đều là nam giới.

 Theo mô tả ở Nhà tù Phú Quốc, quân Nguỵ đã áp dụng trên 45 hình thức tra tấn từ thời trung cổ cho đến hiện đại đối với tù binh

Cũng theo tài liệu, cuối năm 1955, thời Mỹ - Ngụy, Chính quyền Sài Gòn lập lại nhà lao Cây Dừa thành Trại huấn chính Cây Dừa, diện tích khoảng hơn 20.000 m2. Xung quanh trại có ba lớp rào dây kẽm gai chắc chắn cao 2,6m với 14 tháp canh. Nhà tù Phú Quốc trong thời kỳ này cũng có tổ chức Đảng hoạt động bí mật và lãnh đạo anh em tù đấu tranh. Từ năm 1957, địch đưa tù chính trị ra Côn Đảo, còn Phú Quốc chỉ giam giữ tù binh. Sau Đồng khởi 1960, cuộc đấu tranh võ trang của nhân dân phát triển rộng khắp, mức độ chiến tranh ngày một ác liệt, nhất là từ sau khi quân Mỹ nhảy vào miền Nam (1965) tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Nhà lao Cây Dừa được Mỹ-Ngụy chuyển đến xây dựng tại thung lũng An Thới kéo dài 5 cây số. Tôi được biết, từng có khoảng 40 nghìn tù nhân cả chính trị lẫn tù binh qua nhiều thời kỳ.

Trong cái nắng khá gay gắt của buổi sáng dù chỉ mới hơn 9 giờ, chúng tôi đứng trước trại giam Phú Quốc, vắng lặng người thăm. Tôi rùng mình đứng ngắm toàn trại tù, với những khu trại giam còn giữ lại để làm khu di tích. Dù 45 năm đã đi qua, nhưng dường như cái vẻ u tối, oan khiên vẫn lẩn khuất trong toàn cảnh trại tù. Những hàng rào kẽm gai sét rỉ, lùng nhùng ôm lấy toàn khu như rình rập, vồ lấy những người tù nhân tay không tấc sắt. Người ta còn đặt những bức tượng hình lính gác lởn vởn cùng những con chó bẹc-giê hung dữ; những chòi canh có tượng lính gác ôm súng lăm lăm chĩa xuống dưới bằng ánh mắt dò dẫm không tính người. Cảm giác bất an tràn vào tôi như chính mình đang bị nằm trong tầm ngắm của họ. Và, tôi thử đặt mình vào trong hoàn cảnh của những tù nhân, để cảm nhận sự khốc liệt, ghê sợ của một thời kỳ đen tối của lịch sử đấu tranh.

Chị Trần Thu Hồng - khi bị giam ở trại tù binh Phú Tài (Quy Nhơn) còn có biệt danh là “Hồng chuồng cọp”, vì chị là nữ tù binh trẻ nhất bị giam ở chuồng cọp - muốn cho tôi được tận mắt hình dung ra cái trò tra tấn man rợ ấy như thế nào, để tôi hiểu cái giá các chị đã phải trả để giữ lòng trung kiên với cách mạng. Chị Hồng cho biết, hiện nay ở Phú Tài đã không còn di tích nhà tù nữa, nhưng hình thức “tù chuồng cọp” ở trại Phú Tài cũng không khác gì ở Phú Quốc. Chuồng cọp kẽm gai là mô hình tra tấn dã man nhất mà Mỹ - Nguỵ dùng để hành hạ các tù binh tại nhà tù Phú Quốc. Các chuồng cọp được đặt ngoài trời với kẽm gai sắc nhọn. Có nhiều loại chuồng cọp khác nhau dùng để tra tấn từ 1 đến 5 chiến sĩ cách mạng.

 Chuồng cọp kẽm gai là một trong những “sáng chế” dã man nhất mà Mỹ-Nguỵ đã dùng để hành hạ, tra tấn tù binh tại nhà tù Phú Quốc

Câu chuyện thời gian bị nằm trong chuồng cọp thời 1970-1973 ở Phú Tài, được chị Hồng kể lại từng chi tiết, từng cảm giác và những đớn đau nhục hình làm tôi rùng mình. Câu chuyện được kể trong tiếng nấc nghẹn của chị làm nước mắt tôi cũng không ngăn được. Trong tôi luôn có câu hỏi đặt ra, tại sao người với người, mà lại nghĩ ra cách đày đọa nhau còn hơn với súc vật như vậy?

Trước khi vào khu trại giam, chúng tôi có vào khu Trưng bày chứng tích nhà tù, xem đầy đủ những hình ảnh, hiện vật và cả những đoạn phim tài liệu về trại tù Phú Quốc. Lịch sử đã tái dựng lại qua từng câu chuyện kể, thật không thể tưởng tượng nổi sự dã man, tàn khốc của một chế độ phi nhân tính. Những hình ảnh đầy máu và nước mắt đã theo đuổi tôi như một nỗi ám ảnh suốt mấy ngày sau đó.

Những hình nhân bằng tượng dùng làm minh họa cho khu trưng bày, có lúc tôi cảm thấy họ đã cựa quậy, sống lại như thực. Tôi như nghe thấy những tiếng rên la của tù nhân bị tra tấn, đánh đập nhục hình bằng các hình thức như: nấu người bằng chảo gang, ép ván vỡ lồng ngực, đánh bằng đuôi cá đuối, đục lấy xương bánh chè, đóng đinh vào người, đục và bẻ răng... Dù chỉ đứng 5 phút ngoài nắng, mà lưng tôi đã đẫm mồ hôi. Tôi như lên cơn sốt, cảm thấy một cơn ớn lạnh dọc theo sống lưng, như cảnh tra tấn diễn ra trước mắt mình!

 Tác giả trước Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Phú Quốc

Đoàn chúng tôi đến thăm Đài tưởng niệm Anh hùng Liệt sỹ Phú Quốc, nơi có ngôi mộ gió tượng trưng cho những chiến sĩ cách mạng vô danh, không biết thân xác họ bị vùi trong cát giờ ở đâu... Theo tài liệu ghi nhận, trong số 40 nghìn tù nhân cộng sản ở địa ngục trần gian này, có tổng cộng hơn 4 nghìn người đã bị sát hại theo cách man rợ nhất mà loài người biết đến. Cho đến tận hôm nay, khi đất nước đã hòa bình được đúng 45 năm, mà mới chỉ có 1.067 hài cốt của các tù binh cộng sản trong nhà lao Phú Quốc được tìm thấy. Phần lớn số hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong các hố chôn tập thể. Các liệt sĩ được đưa về nghĩa trang, được thờ phụng. Dù hầu hết những liệt sĩ này vẫn là vô danh, nhưng họ còn may mắn hơn 3 nghìn liệt sĩ khác.

Nghĩa địa nhà tù đặt ở sườn đồi thấp giáp nhà thờ. Năm 1985, chính quyền đã đưa được 835 bộ hài cốt về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ. Khi tìm hài cốt, người ta đã thu lượm được nhiều chiếc đinh mười phân còn đóng dính vào xương mu bàn chân, đầu gối và đỉnh đầu. Nghĩa địa này, có lúc cai tù thời đó đã cho xe ủi san lấp đất lên rồi chôn tiếp tù binh lên lớp chết trước. Ngoài ra, cai tù mang tù binh ra thủ tiêu ngoài biển. Có không dưới 4 nghìn tù binh bị giết chết tại đây.

Hai chị Trần Duy Phương và Trần Thu Hồng cùng Đoàn đã thắp một nén hương lên ngôi mộ gió tập thể. Tiếng khấn vái vong linh các chiến sĩ của hai chị khiến tôi lạnh người. Chị Thu Hồng khấn tên một vài người thân của mình đã mất tích không bao giờ trở lại… Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Nhà tù Phú Quốc bị giải tán, tù binh được trao trả. Chị Thu Hồng tin rằng, người thân của mình đã bị vùi thân đâu đó trong những đụn cát ở ngoài biển.

 Tác giả trò chuyện với ông Ba Toản, người tù cựu chiến sĩ đặc công, bị bắt làm tù binh ngày 26/4/1968

Tôi được gặp gỡ và nghe kể chuyện của chú Ba Toản (Nguyễn Văn Mỹ), người tù cựu chiến sĩ đặc công, quê huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây - nay thuộc Hà Nội, bị bắt làm tù binh ngày 26/4/1968, rồi vượt ngục như huyền thoại. Câu chuyện vượt ngục với nhiều tình tiết của phim “Người tù khổ sai Papillon” mà đạo diễn Michael Noer dựa trên những tư liệu quý báu từ cuốn tự truyện và phiên bản phim 1973, so ra vẫn không gay cấn bằng lời chú Ba Toản kể lại. Chuyến vượt ngục của chú Ba Toản đêm 22/6/1968 cùng 6 đồng đội của mình đã thành công nhờ ý chí kiên cường, sáng tạo, bất chấp mọi nguy hiểm rình rập để đạt tới sự giải phóng cho bản thân và để phục vụ lý tưởng sau đó: tiếp tục ở lại Phú Quốc; tháng 7/1968, thành lập đơn vị đặc công, đặt phiên hiệu là Phân đội 1. Chỉ huy có 3 người: Cáp Đình Hội, Tư Phước, Tư Dũng; riêng chú Ba Toản được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác huấn luyện. Rất nhiều những trận đánh cảm tử của đội đặc công được kể lại, rõ và mới như vừa xảy ra hôm qua.

NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ THỰC TIỄN GIÁ TRỊ

Chuyến đi thăm Phú Quốc không dài - chỉ 3 ngày, mà đã hơn 2 ngày trải qua các di tích lịch sử - đã đọng lại trong tôi những cảm xúc rất khó tả. Hình ảnh một “đảo ngọc” Phú Quốc trong tôi đã hoàn toàn thay đổi, không giống như trong tưởng tượng trước khi đi.

Thời gian không dài, nên Đoàn chúng tôi không ra “đảo ngọc” để tận hưởng những đặc sản, hay đến tham quan những khu nghỉ dưỡng đắt tiền, xa hoa đang mọc lên như nấm. Những bãi biển hoang vu ngày xưa đã lùi vào quá khứ. Người ta nói chuyện hôm nay với những giá trị bất động sản đang lên xuống như thủy triều. Những dãy phố kinh doanh đặc sản ngập ánh đèn ban đêm của đời sống bình an hôm nay, đã làm thay đổi rất nhiều những hình ảnh rùng rợn cũ. Có điều, trong suy nghĩ của tôi, chuyến thăm Phú Quốc hôm nay, sau hơn 45 năm ngày giải phóng đất nước, vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc của một thời đấu tranh, với xương máu và hy sinh. Những hình ảnh, câu chuyện mà tôi tìm hiểu được trong chuyến đi, những tài liệu ghi nhận xác thực nhất, trước hết cho bản thân tôi, sau là cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại, ở Hoa Kỳ thấy lại một lần nữa, những chứng tích lịch sử đầy bi tráng.

Từ một nhóm người chống Cộng cực đoan ở California, nơi tôi từng sống 30 năm, hãy im đi những luận điệu ngơ ngẩn về dân chủ và nhân quyền kiểu Mỹ! Và tôi mong muốn thế hệ thứ 2, thứ 3 và sau nữa ở hải ngoại, hãy trở về Việt Nam, ra thăm Côn Đảo, Phú Quốc một lần. Các em hãy đến những khu di tích trại giam, nhà tù cách mạng, để chứng nghiệm những gì đã xảy ra trên mảnh đất đầy máu và nước mắt này. Và, từ nhận thức thực tế này, hãy trân trọng giá trị của hòa bình hôm nay, khi đất nước bước vào vận hội mới! Hãy nhớ tới công lao của tiền nhân, mà nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc chính là những biểu tượng chiến tranh không bao giờ phai nhạt giá trị lịch sử trong tâm khảm của mỗi chúng ta!

Etcetera Nguyen (Hoa Kỳ)