Ngõ đá thềm rêu xứ Tiên

 Thềm rêu, ngõ đá xứ Tiên. Ảnh: H.L

1. Lên làng quê Tiên Phước, chợt nhận ra, nét hấp dẫn, cuốn hút lòng người như một thứ ma lực lại là hệ thống “trường gia lũy” - cái tên mỹ miều người xứ Tiên gọi những bờ tường, bờ rào, ngõ nhỏ xếp bằng đá của mình. Những ngõ nhỏ sâu hun hút, những thềm đá rêu đã kịp phủ xanh, mát rượi dưới tán cây sưa, thanh trà, lòn bon, măng cụt... đều có thể là điểm dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn của khách xa, bởi người xứ Tiên hiếu khách, xởi lởi.

Rong ruổi khắp làng quê có nhiều “tiên”, bị quyến rũ, mê hoặc trước những ngõ nhỏ với nhiều bậc cấp được lát đá tỉ mỉ, giàu tính nghệ thuật hay những mảng tường đá trải dài, bao bọc khắp gia trang ở Tiên Cảnh giăng đầy hoa tím, hoa ti gôn, rêu, dương xỉ, mà tính ra tuổi của những bức tường, ngõ đá có khi cả trăm năm, ít thì vài chục năm.

Mê đá, mê cái đẹp, nhiều vườn nhà xứ Tiên cũng bắt đầu hình thành những ngõ đá, tường đá mới. Nhiều chủ vườn cũng mạnh tay thuê thợ khéo léo, tỉ mỉ xếp đá thành lối đi, tam cấp, tường rào để tạo nét quyến rũ, duyên dáng cho khu vườn. Nhiều lần đi qua những ngõ đá cũ kỹ mà dưới tác động của thời gian và con người, đá cũng đã nhẵn, tường đá cũng đã rêu phong, xưa cũ, chợt những cảm xúc ùa về, chẳng thể gọi tên.

Làng cổ Lộc Yên giàu sức hút từ nhà cổ, tường cổ, ngõ cũ rêu phong có tuổi đời cả trăm năm; màu thời gian hiện hữu trên những thềm đá, thềm nắng. Cách đó không xa, làng Thạnh Bình nằm sát sông Tiên đẹp mỡ màu, cũng cuốn hút bởi những ngõ đá rêu xanh. Những phiến đá tự nhiên, mà người dân bản địa gọi là đá non, được tìm trên núi, hay bờ sông Đá Giăng, chẳng qua đẽo gọt, gia công, chỉ cần xếp đặt khéo léo, sao cho các lớp đá chồng lên nhau, lớp này kế tiếp xen kẽ lớp kia bền chặt, vững như bàn thạch dưới dòng chảy thời gian.

2. Ông Lê Trường Khương, một người xếp đá tại xóm Bàu chia sẻ, gần hai chục năm trước, gia đình ông chỉ nghĩ đến việc làm tường, bờ kè đá, ngõ đá để chống xói lở, bảo vệ vườn tược, nhà cửa chứ chưa hẳn nghĩ tới chuyện làm đẹp.

Nhưng cái lạ là ông Khương cũng như bao người dân nơi đây không chọn cách bê tông hóa những mảng tường, mà lại chọn... đá như một thứ tiềm thức, như có sự liên kết hữu hình giữa người và đá. Ông và người nhà cất công lên núi tìm đá, rồi nhiều người xuống sông Giăng, tìm cho được thật nhiều những miếng đá, phiến đá phù hợp, đẹp mắt, cứ ngày này qua ngày khác.

“Ngày trước làm theo kiểu đổi công, nhà này xếp đá cho nhà khác, và ngược lại, ròng rã. Cả xóm Bàu có nhiều người biết xếp đá là nhờ học hỏi từ cha ông mình. Sau này, cũng nhờ biết nghề mà nhiều người được các chủ vườn ở Tiên Phước, thậm chí Tam Kỳ và các nơi mời” - ông Khương nói.

Hỏi về nguồn gốc của nghề xếp đá Tiên Phước, chẳng ai biết rõ. Chỉ biết là ở các làng quê xứ Tiên không thiếu thợ biết xếp đá, có thể tạo nên những “trường gia lũy”. Lớp người sau học người trước, còn sự khéo léo, độ tinh xảo của sản phẩm tới đâu, tùy thuộc bàn tay tài hoa mỗi người. Những cổng ngõ, bậc thềm xếp bằng đá sông Giăng chảy qua Tiên Cảnh và đá núi Tiên Phước được tạo ra bởi biết bao công sức, mồ hôi đổ xuống trên dặm dài xuôi ngược.

Mỗi khuôn viên, vườn nhà nơi xóm Bàu - Thạnh Bình, nơi làng cổ Lộc Yên, Hố Quờn... hay những ngôi làng đều có sự hiện diện của đá với sự trang nhã, quyến rũ. Tiên Phước có những vùng quê đá núi chen dày, đá ngổn ngang lòng sông, lấp lánh những huyền thoại, cổ tích.

Con sông Tiên nước chảy ngược dòng, hay sông Đá Giăng cũng là dòng sông của những trầm tích. Trên dòng sông ấy, loài ốc đá nhiều vô kể. Ốc đá len lỏi trong những lèn đá, ngầm đá ăn rong rêu, tảo, sinh vật phù du, lá mục... và cũng trở thành đặc sản ẩm thực.

Đá trùng điệp giăng ải nơi những dòng sông xanh thẳm, sâu biêng biếc kia. Nơi bãi đá Lò Thung, một thắng cảnh với muôn ngàn đá tảng lớn nhỏ, vách đá, hang đá sâu đủ cho nhiều người ngồi, nơi có thể tắm mát, nghỉ mát, trốn nắng giữa mùa hè.

Tự hỏi giữa bóng thời gian, rêu xanh và những trầm mặc của đá đó có gì mà cuốn hút, đắm say lòng người đến vậy. Điều gì làm nên sức hút lạ kỳ của những phiến đá thời gian hiện diện nơi mỗi góc vườn, ngõ nhỏ, làng quê và mỗi bước lãng du. Phải chăng đá cũng có linh hồn, có hơi thở?

Hoàng Liên/ Báo Quảng Nam