Tình người trong mùa dịch Covid-19

 Nhiều kiot trong chợ Đồng Xuân tại Đức đóng cửa mùa Covid-19

Đây cũng là quãng thời gian mà nhiều người cho rằng đã đặt ra những “phép thử” đối với mỗi quốc gia trên thế giới, trên mọi phương diện từ chính trị đến kinh tế, xã hội. Trong bức tranh tổng thể với những gam màu ảm đạm do tác động của dịch bệnh đem tới, vẫn còn đó những gam màu tươi sáng. Những gam màu được vẽ lên bởi tình người, sự thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia của người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Hay nói cách khác, đó là những gam màu được vẽ lên bởi “phép thử lòng nhân”.

ĐẠI DỊCH COVID-19 BÙNG PHÁT TẠI NHIỀU CHÂU LỤC

Tính đến đầu tháng 4/2020, đại dịch Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với những tâm dịch bùng phát tại Mỹ và các nước châu Âu như: Italia, Tây Ban Nha, Pháp, Đức… Diễn biến dịch căng thẳng, thực trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực để chống dịch cùng con số tử vong do đại dịch trên thế giới được cập nhật hàng ngày đã trở thành mối quan tâm của toàn thế giới, khiến cho nhiều quốc gia trước đây vốn xem nhẹ, thờ ơ, bàng quan với “Cô Vy” cũng phải “thức tỉnh”.

 Bà Ngô Kim Nhung tặng khẩu trang cho đồng hương

Sự ảnh hưởng của Covid-19 tại khắp các châu lục cũng đã tác động trực tiếp và ngày càng rõ nét tới đời sống, công việc kinh doanh của cộng đồng hơn 5 triệu NVNONN. Đối với nhiều bà con, sự quan tâm, lo lắng mới trước đó vài tháng - khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thì giờ đây cũng đã lan tới các nước châu Âu trong tâm thế phần lớn là “bị động”. Nguyên do là trong giai đoạn đầu, sự nhận định, ứng phó với đại dịch của các nước phương Tây vốn có sự khác biệt rất lớn so với trong nước. Lúc này, sự an nguy của bà con người Việt, kiều bào và các du học sinh tại các tâm dịch Covid-19 trên thế giới lại trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả người dân trong nước lẫn cộng đồng NVNONN. Thông tin về đời sống, tình hình của người Việt tại các quốc gia có dịch Covid-19 hoành hành cũng đã phủ sóng, xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông trong nước và mạng xã hội.

CỘNG ĐỒNG NVNONN XÍCH LẠI GẦN NHAU HƠN

Trong khi cả thế giới phải sống chung với “bão Cô Vy” thì có lẽ đây là lúc thế giới ảo internet đã phát huy sứ mệnh của mình khi mang tới những “kết nối và lan tỏa thật”. Tình hình dịch Covid-19 được cập nhật từng giây, từng phút trên các phương tiện truyền thông đã được cộng đồng người Việt trong và ngoài nước chia sẻ với nhau. Tại các quốc gia có đông người Việt Nam, các hội đoàn đã phát huy vai trò rất tích cực trong việc cập nhật thông tin và các khuyến cáo về dịch bệnh tới cộng đồng.

Là nghiên cứu sinh đang sinh sống tại thành phố Venice, một trong những tâm dịch Covid-19 tại Italia, anh Phạm Hùng Vương - Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Italia - chia sẻ: “Mặc dù cộng đồng người Việt tại Italy không đông so với cộng đồng người Việt tại các quốc gia khác, nhưng mọi người rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Các cô chú, anh chị Việt kiều đã thành lập một nhóm trên Facebook có tên là cập nhật Covid-19 tại Italia để chia sẻ thông tin cho cộng đồng. Hàng ngày, các cô chú, anh chị đã dịch những bản tin tiếng Italia sang tiếng Việt về tình hình dịch bệnh, chủ trương chính sách mới để mọi người có thể nắm được. Ngoài ra, các cô chú, anh chị đã thành lập một đường dây nóng gồm những người hiểu biết về đất nước và giỏi ngôn ngữ Italia để hỗ trợ sinh viên cũng như cộng đồng người Việt, trong những trường hợp cần thiết như: muốn phiên dịch online hoặc là cần sự hỗ trợ, động viên tinh thần thì có thể gọi điện”.

Còn tại Mỹ, điểm nóng của Covid-19 trên thế giới, thông tin cũng được các bạn du học sinh chia sẻ rất tích cực và thiết thực: “Với tình hình dịch bệnh đang lan rộng thì Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ đã tiến hành khảo sát cộng đồng thanh niên sinh viên. Một vấn đề mà sinh viên và phụ huynh rất lo lắng là nếu ở lại Mỹ, giả sử bị bệnh thì sẽ phải khám sức khỏe và chi trả viện phí, bảo hiểm như thế nào? Hội đã tập hợp những thông tin để phụ huynh và sinh viên có thể tham khảo” - Tiến sĩ Nguyễn Hương Thảo, Ban điều phối Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ cho biết.         

Tại các nước châu Âu như Đức, Séc, Ba Lan, Hungary…, đây cũng là quãng thời gian mà các trang tin tức, báo chí cộng đồng của bà con kiều bào hoạt động rất tích cực. Những thông tin về tình hình dịch bệnh tại nước sở tại, tại Việt Nam và trên thế giới được bà con cập nhật, đăng tải thường xuyên. Bà Nguyễn Thu Huyền, kiều bào tại Berlin, Đức chia sẻ: “Do không thông thạo tiếng Đức, tiếng Anh nên hàng ngày tôi thường chỉ xem các bản tin thời sự tiếng Việt của VTV và các trang tin tức cộng đồng tại đây để cập nhật tình hình dịch bệnh và tình hình của bà con mình ở các nước khác. Chúng tôi cũng gọi điện cho gia đình và bạn bè thường xuyên hơn để hỏi thăm sức khỏe nhau trong mùa dịch bệnh này”.

Hơn lúc nào hết, đây là lúc cộng đồng người Việt cần xích lại gần nhau để chia sẻ thông tin, tương trợ lẫn nhau, cùng vượt qua đại dịch nơi xứ người.

“NGHĨA ĐỒNG BÀO”

Trong lúc dịch bệnh hoành hành thì phần lớn bà con kiều bào đã có quốc tịch của nước sở tại hoặc đã định cư, sinh sống lâu năm tại nước ngoài đều quyết định không trở về Việt Nam mà ở lại quê hương thứ 2 của mình. Đây cũng là lựa chọn của nhiều du học sinh Việt Nam. Ngay cả khi ở lại, bà con cũng luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài việc thiết lập các đường dây nóng, bảo hộ công dân, các Đại sứ quán cũng phối hợp tích cực cùng các hội đoàn của người Việt, hội sinh viên Việt Nam tại nước sở tại để đưa ra những giải pháp, hành động hỗ trợ bà con kịp thời ứng phó với dịch bệnh.

 Cộng đồng người Việt tại Ba Lan chuẩn bị các suất ăn tặng các bác sĩ chống dịch

“Ngay từ những ngày đầu tiên khi bùng phát dịch bệnh thì Đại sứ quán đã có thông báo, cảnh báo tới toàn thể cộng đồng người Việt tại Italia. Ngoài ra, Đại sứ quán đã tiến hành rà soát và đăng ký công dân Việt Nam tại Italia và thành lập đường dây nóng để hỗ trợ thông tin công dân trong trường hợp cần thiết. Hội Sinh viên cũng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đại sứ quán. Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ đã viết thư thăm hỏi tới toàn thể anh chị em sinh viên, đã liên lạc trực tiếp tới ký túc xá của trường hiện có sinh viên Việt Nam đang theo học để yêu cầu sự giúp đỡ từ Ban quản lý ký túc và trường học cho sinh viên Việt Nam”. “Ngay từ khi xảy ra dịch bệnh tại CH Séc, dưới sự chỉ đạo của Đại sứ, Ban công tác Cộng đồng và Phòng Lãnh sự cùng phối hợp chặt chẽ, theo dõi diễn biến của dịch bệnh và cung cấp đầy đủ khuyến cáo cho bà con. Đại sứ quán Việt Nam đã thành lập Ban phối hợp ngăn chặn Covid-19 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại sứ Hồ Minh Tuấn, lãnh đạo các hội đoàn trong cộng đồng. Ban này thường xuyên kiểm tra tính xác thực của thông tin để nhằm hỗ trợ, bảo hộ công dân người Việt tại đây” -  Anh Phạm Hùng Vương - Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia và chị Nguyễn Diệu Linh - Chủ tịch Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại CH Séc đã chia sẻ với Tạp chí Quê Hương.

Nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bà con và du học sinh lại mong muốn được trở về quê hương, được kề bên gia đình và đây cũng là một mong muốn chính đáng, có thể cảm thông. Cũng xuất phát từ mong muốn này mà đã có rất nhiều người từ nước ngoài trở về Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đáng nói, đây cũng là thời điểm mà Chính phủ Việt Nam cũng đang phải gồng mình để chống dịch với các giải pháp quyết liệt nhất cùng tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong đó có việc lập ra các khu cách ly tập trung dành cho người Việt Nam và cả người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành.

Ngày 18/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, dù còn khó khăn nhưng với NVNONN thực sự cần thiết phải về nước, chúng ta luôn nỗ lực hết sức thực hiện các biện pháp cần thiết, để lo cho bà con một cách tốt nhất có thể. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Lo cho bà con tốt nhất có thể, đó là nghĩa đồng bào". “Nghĩa đồng bào” – có lẽ là 3 từ đã chạm tới cảm xúc và sưởi ấm trái tim của người dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước. “Nghĩa đồng bào” vừa thể hiện trách nhiệm, vừa là tấm lòng của Tổ quốc khi luôn dang rộng vòng tay chào đón con em mình trở về quê hương, nguồn cội. Để rồi rất nhiều những câu chuyện xúc động, những nghĩa cử cao đẹp của tình người trong mùa dịch được lan tỏa.

 Anh Vũ Đức Lượng cùng các bạn tại khu cách ly

Anh Vũ Đức Lượng - Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc sau 2 tuần hoàn thành cách ly tập trung tại Trường Quân sự Gò Găng, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long trở về, đã xúc động chia sẻ: “Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã tạo điều kiện hết sức cả về vật chất lẫn tinh thần cho bà con kiều bào về nước trong đợt dịch này. Được thực tế trải qua, thực tế tiếp xúc với các cán bộ chiến sỹ trong khu cách ly, chúng tôi càng thấm đượm hơn ý nghĩa trong lời bài hát “Hát về anh, hát mãi khúc quân hành”, về những tấm gương người lính trẻ đầy sương gió nhưng trong đôi mắt các anh luôn sáng ngời tinh thần anh bộ đội Cụ Hồ. Vĩnh Long không chỉ có nắng gió miền Tây mà còn đầy ắp tình người, tình quân dân”. Đáp lại tình cảm của quê hương dành cho những người con xa xứ trở về, những kiều bào và du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc cùng đợt cách ly với anh Lượng đã quyết định gửi tặng “món quà tri ân nho nhỏ” tới địa phương - nơi đã đón đoàn về cách ly. Vậy là 23 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng đã được đại diện nhóm trao tặng cho các học sinh nghèo vượt khó tại trường tiểu học Thạch Thía, xã Tam Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

LAN TỎA YÊU THƯƠNG, CHUNG TAY CHỐNG DỊCH

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới tình hình kinh tế của bà con kiều bào là điều ai cũng phải đối diện và chống chọi, nhưng không vì thế mà làm vơi đi sự đùm bọc, sẻ chia và đoàn kết của những NVNONN trong cuộc chiến mang tên “Covid-19”.

 Các bác sĩ Ba Lan đón nhận các suất cơm nghĩa tình của cộng đồng người Việt

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại châu Âu thì tại CH Séc, bà con kiều bào đã có thêm một “nhiệm vụ” mới, đó là tình nguyện may khẩu trang chống dịch, thậm chí công việc này còn được gây dựng thành cả một phong trào làm dậy sóng truyền thông nước Séc. Nhiều bà con kiều bào chưa từng biết may vá nhưng giờ cũng trở thành những thợ may nghiệp dư, ai ai cũng nhiệt tình và tâm huyết may vá khẩu trang ngay tại những “xưởng may dã chiến” tại gia, do lệnh hạn chế ra ngoài của chính phủ Séc ban bố. Chị Phạm Thị Thúy, kiều bào Séc vừa may khẩu trang vừa hồ hởi tâm sự: “Chúng tôi luôn coi Séc là quê hương thứ 2 của mình nên muốn đóng góp một phần nhỏ bé qua việc may khẩu trang”. Sau đó, khẩu trang thành phẩm đều được trao tặng cho uỷ ban các quận, huyện, thành phố tại Séc. Tại đây, họ khử trùng, đóng gói kèm theo hướng dẫn sử dụng và gửi tặng cho những người dân địa phương. “Nếu không có sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt, chúng tôi không biết phải làm thế nào. Những chiếc khẩu trang của các bạn là sự hỗ trợ rất lớn mà không gì có thể thay thế được đối với chúng tôi trong lúc này. Chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ những điều các bạn làm cho chúng tôi tận sâu trong trái tim mình” - ông Svec Tibor, Thị trưởng thành phố Vestec, CH Séc, cảm động trước tấm chân tình của cộng đồng người Việt. Chị Nguyễn Diệu Linh, Chủ tịch Hội Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại CH Séc chia sẻ thêm với Tạp chí Quê Hương: “Hành động này đã gây được tiếng vang rất lớn, trong khoảng 2 tuần trên tất cả các kênh truyền thông ở Séc đều đăng tải thông tin này. Chúng tôi cũng nhận được sự trân trọng, cảm ơn chân thành từ các chính quyền, ủy ban, các bệnh viện địa phương. Theo tôi được biết thì cộng đồng Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài duy nhất đã hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại CH Séc đến thời điểm này”.

Phong trào may khẩu trang tại Séc cũng đã lan tỏa tới CHLB Đức khi đây cũng là quê hương thứ 2 của hơn 170 nghìn người Việt Nam. Trước tình trạng khan hiếm khẩu trang tại châu Âu, nhiều tiệm may thời trang của bà con giờ đã trở thành nơi gia công khẩu trang. Bà Ngô Kim Nhung – Chủ tiệm may áo dài Kim Nhung tại Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, Berlin, CHLB Đức xúc động chia sẻ: “Do dịch bệnh nên tôi đã may khẩu trang để tặng bà con và những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi chỉ mong mọi người được bình an, cùng nhau vượt qua dịch bệnh”.

Còn tại Ba Lan, hàng ngàn suất ăn giàu dinh dưỡng cũng đã được bà con người Việt là chủ một số nhà hàng tại các thành phố: Warszawa, Wrocław, Łodz, Poznań dành tặng cho các y, bác sĩ, những người đang trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện. Ngoài các quán ăn, những công ty kinh doanh thực phẩm của người Việt cũng đã tham gia ủng hộ cà phê, gạo, chè, bột mì… Rất nhiều cá nhân trong cộng đồng đã hưởng ứng bằng cách gửi khẩu trang, găng tay bảo hộ hỗ trợ các y, bác sĩ Ba Lan. Thay mặt cho bà con kiều bào, ông Trần Trọng Hùng, Phó Ban hỗ trợ người Việt tại Ba Lan phòng chống dịch Covid-19, cho biết: “Chúng tôi đã cử ra một ban điều hành trong cộng đồng để phân phối theo nhu cầu giữa các địa phương với tinh thần chiến đấu lâu dài. Thật sự với hành động nhỏ nhoi, thiết thực như vậy thì cộng đồng chúng ta đang đóng góp vào cuộc chiến chống dịch trên quê hương thứ 2 của mình”.

 Các xưởng may khẩu trang dã chiến của bà con kiều bào tại Séc

Bên cạnh đó là những số tiền cùng nhiều hiện vật cũng đã được các tổ chức, hội đoàn, cá nhân bà con kiều bào tại nhiều quốc gia trên thế giới trực tiếp trao tặng cho các địa phương, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc đơn giản là nhắn tin ủng hộ thông qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia.

Cho dù ở đâu, với tinh thần đoàn kết, mỗi NVNONN cũng đang chung tay góp sức với người dân nước sở tại và với quê hương Việt Nam, để đẩy lùi dịch bệnh, vì sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng.

“Có sức khỏe là có tất cả”, “Niềm tin sẽ chiến thắng mọi nỗi sợ hãi”, “Sự đoàn kết là sức mạnh to lớn để vượt qua khó khăn” - đó là những gì mà tất cả người dân ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đang cùng hướng đến và đồng tâm hiệp lực trong cuộc chiến với “giặc Covid-19” vẫn đang đầy thử thách, cam go. Và có lẽ bên cạnh “phép thử lòng nhân”, đại dịch lần này còn đem tới những giá trị lớn lao khác, khi những “người con máu đỏ da vàng” lại thêm một lần sát cánh cùng nhau chiến đấu với đại dịch. Hy vọng rằng những gam màu tươi sáng được thắp lên từ ý chí và tấm lòng của người dân Việt ở khắp nơi trên thế giới, sẽ tiếp tục được lan tỏa và khẳng định với thế giới về những định hướng đúng đắn, sự đồng thuận, quyết tâm của dân tộc Việt Nam trong “cuộc chiến chống giặc Covid-19”, mà cộng đồng quốc tế đã ghi nhận suốt thời qua.

Mộc Lan