Thư từ New York trong đại dịch Covid-19

(Ảnh minh họa)

Anh ạ,

Trong mấy ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4, đại dịch covid-19 từ mấy nước Ý, Anh, Đức, Pháp... đã lan sang Mỹ mà tâm là New York rồi. Con số lây nhiễm tăng từng giây. Con số chết tăng từng phút trên bảng thông báo, tín hiệu đèn đỏ nhấp nháy liên tục hoa cả mắt. Lần xem các chỉ số trên bảng xếp thứ tự số người chết do Covid-19 của Việt Nam vẫn con số không tròn trĩnh suốt mấy tháng qua. Lòng em chợt thấy tự hào. Bỗng em cảm hứng bộc phát mấy câu thơ:

"Đất nước ta chưa đẹp thế bao giờ.
Vẫn vàng sao trên lá cờ Tổ quốc.
Như ngọn đuốc soi đường giữa màn đêm nhân loại.
Mãi mãi trường tồn hai tiếng Việt Nam".

Em nghĩ, sau dịch bệnh Covid-19 này chắc sẽ không ít sách vở và các nghiên cứu khoa học sẽ tốn không ít thời gian để viết về hệ thống chính trị, y học, và nhiều vấn đề xoay quanh việc ứng phó với đại dịch. Mặc dù Covid-19 đang hoành hành, lây lan khắp nơi trên thế giới, chết chóc kinh hoàng nhưng các đảng phái ở một số nước vẫn đang giằng xé nhau về quyền lợi chính trị.

Trong lúc này, ngay ở Mỹ đây, em đang ngồi trên toà nhà cao tầng ở Manhattan - New York, nơi tâm dịch Covid-19 đang hoành hành. Những gì em chứng kiến về bệnh dịch, nói như cựu Tổng thống Obama là khủng khiếp; còn nói như Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York - là trên cả kinh hoàng! Nhưng ông Obama nói gì trong lúc này? Ông ấy có đưa ra phương hướng gì từ kinh nghiệm 8 năm làm Tổng thống để cùng với chính phủ đương nhiệm và Thống đốc bang New York giúp nước Mỹ vượt qua đại dịch? Không! Ông ấy chỉ nói với mọi người là nhớ tìm cho mình người đại diện tốt hơn vào mùa thu tới. Có lẽ ai cũng ngầm hiểu rằng ông ấy nhắc đây là cơ hội của Đảng dân chủ.

Còn Tổng thống Trump, khi dịch đã vào đến bang California và thành phố Seattle thì ông vẫn còn đang tập trung cho phiên luận tội. Nhưng có lẽ theo em, qua cuộc khủng khoảng về y tế phòng chống đại dịch, hệ thống chính trị và y tế kiểu phương Tây cũng bước vào khủng hoảng.

Anh hỏi em rằng chắc Trump qua đợt này sẽ mất uy tín? Cũng không hẳn vậy anh ạ. Vì 2 Đảng sẽ có 2 cách nhìn khác nhau về Trump. Ngay như trong những ngày nước sôi, lửa bỏng vì dịch này, ông Andrew Cuomo - Thống đốc bang New York - bị Trump cho là chậm trễ trong triển khai chống dịch. Cuomo cũng lời qua tiếng lại đổ lỗi cho Trump. Không ai chịu ai, bởi lẽ ông Cuomo là Đảng dân chủ.

Còn giới thương gia và các nhà sản xuất cùng các công ty thương mại thì đua nhau đẩy giá các vật tư và thiết bị y tế. Các tiểu bang thì tranh nhau mua và găm giữ các thiết bị phục vụ cho bang mình.

Anh hỏi em: Còn người dân New York lúc này thì sao? Vâng! Người dân New York nói riêng hay người dân Mỹ nói chung họ cũng có lo lắng, không ra đường hay đi công viên nhiều và đông nữa. CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) yêu cầu giữ khoảng cách 6 feet, tức là gần 2m. Và hôm nay lại khuyến cáo dân nên mang khẩu trang. Chỉ khuyến cáo thôi, trong lúc Anthony Stephen Fauci- nguyên Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ) cảnh báo có thể giữ được mốc 200.000 người Mỹ tử vong là một kết quả tốt. Chết như vậy mà không bắt buộc phải đeo khẩu trang! 

Rồi Trump hôm nay cũng bảo ông không đeo khẩu trang khi cả nước Mỹ đang gồng mình chống dịch. Vậy anh nghĩ có kỳ lạ không anh? Không có gì lạ cả anh ạ. Mỹ mà! Văn hoá phương Tây và văn hoá phương Đông khác nhau là vậy đó. Văn hoá của họ là chủ nghĩa cá nhân. Quyền con người ở đó khác quan niệm của mình. Họ sống cho họ, họ không quan tâm, vì đó là quyền của họ. Em quá sợ cái quyền của chủ nghĩa cá nhân. Vì thế nên vào công viên, đi bộ trên vỉa hè, đi siêu thị... số mang khẩu trang vẫn trên đầu ngón tay. Có ông cụ trên 70 tuổi vào siêu thị lấy 3 ngón tay che mũi chặn virus. Có bà cụ lấy tay bịt miệng, còn mũi trừ ra. Anh nghĩ có buồn cười không anh? Họ không che chắn, bảo hiểm gì, cứ đi thản nhiên, vô tư. Thú thật với anh, nhiều lúc em không hiểu họ nghĩ gì. Nhưng đó là văn hoá của họ. Quyền riêng tư không ai có quyền can thiệp. Các giới chức có chăng thì chỉ khuyến cáo, không bắt buộc họ được.

Hôm qua em nói chuyện với anh bạn đang làm việc trong phái đoàn của mình ở Liên hợp quốc. Những ngày này, anh và vợ con anh ở nhà và làm việc online. Các anh em trong phái đoàn cũng ở trong chung cư ở Manhattan - New York này.  Hai anh em đang ngồi nói chuyện với nhau trong phòng khách căn hộ của anh thì lâu lâu lại nghe tiếng còi mấy xe cấp cứu kêu inh ỏi rồi vụt đi.

Đứng bên cạnh cửa sổ nhìn ra dòng sông Hudson vẫn êm đềm chảy. Những đàn chim vẫn ríu rít râm ran bên ngoài. Nắng nhợt nhạt đầu xuân chiếu qua cửa sổ. Chợt điện thoại em có tín hiệu. Chưa kịp mở ra xem thì anh bạn đầu kia gọi lại. Anh ấy hỏi: "Xem clip tôi gửi chưa?". Em bảo để em xem luôn. Mở ra xem thì một ông ở thành phố New York lao đầu từ trên toà nhà cao tầng xuống đường phố tự tử. Nhìn ông chới với, đầu lao xuống trước như con bói cá, chân tay chới với trong khoảng không trong giây lát rồi một tiếng rầm xuống đường phố. Còi xe cảnh sát kêu nhức óc cả một vùng. Em hỏi anh ấy: Tại sao vậy anh? Anh bạn ấy bảo: Chắc sập chứng khoán, mất tiền, tự tử. Mỹ mà! Anh ấy nói: Mới mấy hôm trước, Trump bảo rồi sẽ có nhiều kiểu chết kèm theo cái chết vì Covid-19. Chết vì mất việc, mất nhà, mất tiền và cướp giết nhau. Anh bạn ấy bảo rằng đã sống mấy chục năm ở New York này rồi, nhưng đại dịch chết chóc la liệt này chưa thấy. Anh sẽ hiểu khi sống trong xã hội Mỹ, nhìn thì văn minh, chỉnh chu... nhưng phía sau nó còn nhiều điều không nhỏ đáng suy ngẫm.

Tuy nhiên, nước Mỹ có biểu tượng là đại bàng. Đại bàng có thể bị thương, nhưng đại bàng không thể gục ngã. Rồi đại bàng lại cất cánh. Bởi phía sau phe phái chính đảng tranh giành nhau quyền lực, là cả một hệ thống các trường đại học và viện nghiên cứu bậc nhất thế giới đang ngày đêm chạy đua với thời gian và tử thần. Cách đây hơn 20 ngày, một phụ nữ đã tự nguyện cho thử vắc-xin trên người cô ấy. Nếu ổn thì em không biết chắc bao lâu, nhưng họ sẽ cố gắng với thời gian nhanh nhất để ứng cứu con người qua đại dịch. Trong lúc chờ vắc-xin thì hôm nay CDC mới khuyến cáo mọi người dân nên đeo khẩu trang khi đã có hơn 250.000 người phơi nhiễm và gần 8000 người chết vì Covid-19. Em muốn anh trả lời giúp em là họ ứng phó hay khuyến cáo nhanh hay chậm?

Khi đang ngồi giữa thành phố New York sầm uất nhất thế giới nay bỗng rơi vào "hôn mê tài chính" của giới tài phiệt phố Wall ở hạ Manhattan, và cả thành phố như quay cuồng bởi tập âm của đủ các loại xe cứu thương và cảnh sát như thời chiến, em tranh thủ viết đôi điều từ thiển ý của em để anh hiểu thêm vì sao một nước Mỹ có nền kinh tế, khoa học và y học phát triển bậc nhất thế giới lại lâm vào khủng khoảng trước đại dịch Covid-19; một cường quốc bậc nhất thế giới đang nghĩ gì từ đại dịch.

Còn em, em lại muốn nhắc lại một lần nữa cảm xúc của em khi nghĩ về Việt Nam ta:

"Đất nước ta chưa đẹp thế bao giờ.
Vẫn vàng sao trên lá cờ Tổ quốc.
Như ngọn đuốc soi đường giữa màn đêm nhân loại.
Mãi mãi trường tồn hai tiếng Việt Nam".

Một Việt Nam luôn chiến thắng trước mọi thử thách cho dù đó là thiên tai, dịch bệnh hay giặc ngoại xâm. Và không riêng gì ở Mỹ, nhiều hệ thống y tế nói riêng và ý thức hệ nói chung họ sẽ hiểu rằng: Việt Nam bé nhưng không nhỏ! Không cao nhưng chưa bao giờ thấp trong lịch sử nhân loại! Anh có nghĩ như em không?

Hà An (Hoa Kỳ)