Sắc màu văn hóa người Khmer

 Kiến trúc độc đáo chùa Khmer ở Trà Vinh/ Ảnh: VNP

NGÔI CHÙA - “TRÁI TIM” CỦA CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER

Người Khmer ở Việt Nam có khoảng hơn 1,3 triệu người, sống tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, xếp thứ 2 về dân số ở khu vực này, sau người Kinh. Họ sống tập trung ở các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ…

Chúng tôi theo chân anh bạn người Khmer tên là Thạch Ri Cơn về quê Trà Vinh chơi nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay. Nơi mà Ri Cơn dẫn chúng tôi vào thăm trước tiên không phải là nhà của mình, mà là một ngôi chùa Khmer có tên là Xoài Xiêm Mới. Ri Cơn đến vái lạy vị sư cả Thạch Nhứt trong chùa, cũng là thầy dạy anh trước đây. Đó là cách mà một Phật tử người Khmer thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn đến vị sư già.

Thạch Ri Cơn cho biết, ngôi chùa là nơi thiêng liêng và quan trọng nhất của mỗi người dân Khmer, và cả cuộc đời của một người Khmer sinh sống ở Trà Vinh quê anh hầu như gắn bó với ngôi chùa.

Theo sư cả Thạch Nhứt, từ lâu đời, phụ nữ Khmer không phải đi tu ở chùa, còn nam giới khi lớn lên phải có một thời gian đến chùa tu học để trau dồi đức hạnh và kiến thức. Nếu chưa tu trong chùa thì chưa được công nhận là người trưởng thành.

 Học chữ Pali – Khmer trong chùa người Khmer. Ảnh: VNP

Cộng đồng Khmer có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Những ngày tháng học chữ trong chùa sẽ góp phần giúp các thanh niên Khmer học viết và phát âm chuẩn ngôn ngữ Khmer và Pali. Ngoài ra, các tăng sinh, học sinh còn được học về Phật pháp, hiểu biết thêm những điều hay lẽ phải, góp phần gìn giữ và phát triển chữ viết, tiếng nói, cũng chính là gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Sau thời gian tu học tại chùa, họ có thể chọn con đường tu tập trọn đời theo giáo lí Phật giáo để trở thành các nhà sư, hoặc tự do xuất tu, trở về với cuộc sống gia đình, dùng kiến thức học được để giúp ích cho bản thân, cộng đồng như anh bạn Thạch Ri Cơn của tôi, hiện đang là biên dịch viên ngữ Khmer làm việc cho một tòa soạn báo đa ngữ ở Tp. Hồ Chí Minh.

Thạch Ri Cơn cho biết, những người bạn đồng tộc của anh ở Trà Vinh rất nhiều người theo học nghề mộc, nghề đóng ghe ngo, điêu khắc gỗ tại các chùa Khmer, giúp họ có công ăn việc làm và cũng là một cách để gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình.

Bên cạnh đó, người Khmer vẫn còn giữ được nhiều nghề thủ công mĩ nghệ truyền thống như: dệt chiếu, đan lát, dệt vải, làm gốm, làm mặt nạ, làm đàn, trống... Sản phẩm làm ra ngoài việc giúp người dân phát triển kinh tế, còn phụng sự cho nhà chùa vào những dịp lễ hội.

Một nét văn hóa khác cho thấy ngôi chùa rất có ý nghĩa trong đời sống của người Khmer, đó là khi về với tổ tiên, thân xác của người Khmer sẽ được hỏa táng và tro cốt của họ sẽ được lưu giữ trong các tháp tro phía sau những ngôi chùa. Như vậy có thể thấy cả cuộc đời của người Khmer gắn liền với ngôi chùa, và ngay cả khi mất đi họ vẫn gắn bó với chốn linh thiêng này.

SINH ĐỘNG LỄ HỘI CỦA NGƯỜI KHMER

Chúng tôi đã nhiều lần cùng Thạch Ri Cơn về huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, huyện vùng sâu có cộng đồng Khmer sống nhiều nhất của tỉnh (62% dân số) để khám phá cuộc sống và văn hóa của đồng bào Khmer. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều nhận thấy sự vui tươi và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, lành mạnh được người dân gìn giữ qua bao đời.

Các vị sư mặc y phục, xếp hàng trước chánh điện chùa Xoài Xiêm (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) nhận các lễ vật của các Phật tử, đây là nghi thức quan trọng và độc đáo của Lễ đặt bát mừng Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Nguyễn Luân 

Mỗi mùa vụ thu hoạch đến, Thạch Ri Cơn lại trở về quê hương, cùng bà con lối xóm vào chùa dâng hương, làm lễ cúng tạ ơn. Ri Cơn cho biết, người Khmer có nhiều nghi lễ liên quan đến vụ mùa, nhiều tập tục thể hiện nếp sống văn hóa nông nghiệp. Lễ Ok Om Bok (được tổ chức ngày 15/10 Âm lịch) là ngày cuối cùng của mùa Hạ, sau khi thu hoạch hoa màu, để nhớ ơn Mặt Trăng, họ thường làm cốm dẹp để làm Lễ cúng Trăng. Vào dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền, người Khmer dâng lên Đức Phật, các vị sư sãi những thực phẩm do tự tay mình làm ra, nhờ các vị sư tụng kinh mong mang lại sức khỏe cho gia đình, đồng thời cầu mưa thuận gió hòa để mùa vụ sắp tới tươi tốt, thuận lợi.

Hôm Ri Cơn dẫn chúng tôi tham quan một vòng chùa Xoài Xiêm thì bắt gặp những Phật tử cùng các nhà sư đang tất bật chuẩn bị cho Tết Chol Chnam Thmay. Cô Khâu Thị Hoa (54 tuổi,  Phường 1, Tp. Trà Vinh) cho biết: "Trước Tết Chol Chnam Thmay khoảng vài ngày, bà con Phật tử trong vùng sẽ đến phụ giúp các nhà sư lau chùi chính điện, quét dọn rác, mạng nhện, thấy gì làm cái nấy. Tôi rủ thêm người chị và cháu gái vào phụ làm, vì là truyền thống của gia đình có từ lâu đời, nên ai cũng háo hức và tự nguyện”.

Trước Tết Chol Chnam Thmay vài ngày, người Khmer tổ chức Lễ đắp núi đất, núi cát trong sân chùa để cầu phúc duyên và mong tránh khỏi những kiếp nạn rồi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các loại bánh trái như: bánh tét, bánh ít, bánh gừng, hoa quả, nhang đèn... để đem vào chùa dâng cúng chư Phật và các nhà sư.

Kiến trúc độc đáo chùa Khmer ở Trà Vinh/ Ảnh: VNP 

Đại đức Trần Dân, trụ trì chùa K’tưng cho biết, các ngôi chùa có nhiệm vụ thông báo đến người dân thời gian đón năm mới để người dân chuẩn bị, tụng kinh và đi diễu hành chào đón năm mới.

Theo truyền thống, gần đến thời khắc Giao thừa, mọi nhà sẽ chuẩn bị hoa quả, nhang đèn làm Lễ tiễn Tevôđa (còn gọi là bà Tiên, Chư Thiên) cũ về trời, rước Tevôđa mới giáng trần. Người Khmer tin rằng mỗi năm sẽ có một vị Têvôđa xuống trần để chăm lo cho đời sống của họ.

Vào các đêm Tết, ở các chùa Khmer thường diễn ra hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như: múa Rôbăm, hát Aday, hát dân ca với không khí vui tươi, thoải mái. Đặc biệt, những vở kịch hát Dù Kê, một loại hình sân khấu hát và múa truyền thống của người Khmer, được các diễn viên Khmer biểu diễn rất đặc sắc, hấp dẫn người xem.

Người Khmer đa phần theo Phật giáo Tiểu thừa nên ngôi chùa có ý nghĩa rất thiêng liêng và quan trọng trong đời sống. Ở khu vực Nam Bộ hiện có khoảng 600 ngôi chùa Khmer lớn, nhỏ với khoảng hơn 10.000 sư tăng, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây vài thế kỉ, được công nhận là di tích văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như: chùa Âng, chùa Mẹt, chùa Hang, chùa Dơi...

Trong ba ngày Tết Chol Chnam Thmay, nhiều hoạt động văn hóa độc đáo của người Khmer diễn ra rộn ràng ở khắp các chùa chiền và phum sóc. Điển hình như phong tục mang cơm, thức ăn và các loại bánh trái đến chùa cho các sư sãi. Đáp lại, các nhà sư sẽ làm Lễ tạ ơn những người đã làm ra hạt gạo, trồng trọt, chăn nuôi, cầu chúc cho họ cuộc sống được ấm no, đầy đủ. Hay như Lễ tắm Phật với ý nghĩa cầu an và báo hiếu các bậc sinh thành…

Anh Thạch Sâm Khan (37 tuổi, xã Ngãi Xuyên) đi lễ ở chùa Xoài Xiêm Mới chia sẻ: “Tôi thành kính cầu mong Đức Phật phù hộ cho ông bà và các thành viên trong gia đình luôn được mạnh khỏe, an lành là tôi mừng lắm rồi!”.

Trong một năm, cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ có chừng hơn mười lễ hội, trong đó có 3 lễ hội chính: Lễ Đôn-ta, Tết Chol Chnam Thmay, Lễ cúng Trăng - Ok Om Bok.

Có thể nói, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer ở Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung rất sinh động, mang đậm dấu ấn văn hóa riêng biệt, gắn bó mật thiết với đời sống tín ngưỡng và tôn giáo. Đồng thời, cộng đồng Khmer có một cuộc sống giản dị, yên bình, vui tươi, đa sắc màu, góp phần vào dòng chảy chung phong phú và đậm đà bản sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Sơn Nghĩa