Độc đáo món lá sắn xào của người Cơ Tu

Tháng 9 âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa đổ về tưới tắm cho những cánh rừng Trường Sơn đâm chồi nảy lộc và những thân sắn trôi nằm ven bờ suối cũng trở nên xanh tốt mỡ màng. Ðến với núi rừng Trường Sơn thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam) vào dịp này bạn sẽ được thưởng thức món lá sắn xào. Đó là món ăn tuy truyền thống, dân dã nhưng nhiều dinh dưỡng và hương vị khó quên.

Xưa nay, người Kinh chỉ ăn củ sắn, chứ ít ai ăn lá sắn bao giờ. Nhưng đối với người Cơ Tu thì khác, lá sắn xào là đặc sản đối với họ. Cây sắn đã đồng hành và chia ngọt sẻ bùi cùng đồng bào Cơ Tu vùng cao trong những năm kháng chiến, lúc đời sống của cư dân nơi đây còn khó khăn, thiếu đói...

Không chỉ lấy củ, người Cơ Tu còn sử dụng lá sắn để chế biến thành nhiều món ăn trong gia đình như xào với tỏi hay thịt heo, thịt bò, nai…; hoặc muối chua để nấu canh, kho cá… và cũng là thứ “món lạ” đãi khách mỗi khi có dịp. Ngay cả những lễ hội của làng, các mẹ, các chị cũng chuẩn bị món lá sắn xào trong mâm cơm lễ cúng Giàng.

Bà Bhríu Alươi (78 tuổi, trú tại thôn BhơơHồng 2, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang- Quảng Nam) đang mang gùi lá sắn non về nhà để làm thức ăn buổi trưa cho hay, để có món ăn ngon, ngọn lá sắn hái về chỉ sử dụng phần lá non và những lá bánh tẻ cận kề.

Nhằm tránh bị ngộ độc, dân làng hay ăn lá “sắn ta”. Để chế biến món xào ngon và giữ được màu xanh mướt của lá sắn, cần phải có kinh nghiệm trong việc chọn lá, thường là những ngọn non, mập mạp, có màu xanh. Kỹ thuật sơ chế cũng rất quan trọng, đầu tiên phải đun nước thật sôi mới cho lá sắn vào chần qua rồi nhanh tay vớt lá ra thau nước lạnh.

Sau khi “chần” thì lá còn hăng và chứa nhựa gây đắng, phải rửa lá nhiều lần với nước, tiếp đó thêm muối vào và khéo léo dùng tay nhẹ nhàng vò làm sao cho lá sắn nhừ, mềm nhưng vẫn giữ nguyên búp không bị nát. Vò xong rửa lại nhiều lần với nước sạch cho tới khi không còn nhựa. Đợi ráo nước rồi trộn với những gia vị cần thiết như ớt, muối, tiêu rừng, bột ngọt, rau thơm...

Bà Bhríu Alươi bắc xoong lên bếp, cho dầu vào phi với tỏi cho thơm và sau đó cho lá sắn (đã sơ chế) vào và đảo đều tay là có món ăn dân dã nức mùi thơm của tỏi hòa với vị đắng nhẹ của lá sắn, quyện với vị cay của ớt rừng. Món ăn này được dùng khi còn nóng hổi; ngay khi vừa bê từ trên bếp xuống, lá sắn vẫn còn nguyên trong chảo đã ăn ngay. Mọi người xúm quanh bếp lửa thưởng thức món ăn rất dân dã và mộc mạc và đầy hương vị.

Ngày nay, nhờ chủ trương quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của người Cơ Tu ở miền Tây xứ Quảng đã khá dần lên, những nồi lá sắn xào trong những giai đoạn khó khăn, thiếu thốn cũng đã lùi vào dĩ vãng. Tuy nhiên, trong bữa cơm của gia đình, người Cơ Tu vẫn thường nấu các món ăn từ lá sắn để tưởng nhớ về những ngày “đói cơm- lạt muối” trên dãy Trường Sơn.

Với món ăn độc đáo, đầy hương vị của lá sắn xào, đồng bào Cơ Tu vẫn lưu giữ món ăn này và nó trở thành đặc sản dùng để đón tiếp khách từ phương xa. Nếu có dịp đến huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), mọi người hãy thử thưởng thức món ăn mang đậm hương vị Trường Sơn này nhé.

Theo Tiên Sa / báo Vĩnh Long