ABVietFrance – cùng vươn đến thành công với Tâm và Tín

 Ông Nguyễn Hải Nam tháp tùng đoàn Đại biểu Quốc hội Pháp gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Vỉnh Phúc, tháng 7/ 2019 

PV: Trong năm 2020, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập. Ông có thể giới thiệu với độc giả về tình hình ABVietFrance hiện nay?

Ông Nguyễn Hải Nam: ABVietFrance có tên đầy đủ là L’Association du Business des Vietnamiens de France, thành lập ngày 2/9/2010 tại thủ đô Paris, CH Pháp. Chúng tôi chọn ngày 2/9, ngày Quốc khánh Việt Nam, để luôn nhớ đến quê hương Việt Nam.

Với mục đích xúc tiến thương mại giữa Pháp, các nước châu Âu và Việt Nam, nhiệm vụ chính của Hội là kết nối doanh nghiệp Pháp và các nước Châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi mang đến cho doanh nghiệp cơ hội gặp gỡ với các đối tác đã chọn lọc trước và đồng hành cùng họ để thực hiện các dự án thương mại đầu tư.

Nhìn lại quãng đường đã đi, thời gian trước khi và lúc mới thành lập, phải nói là khá gian nan, người ủng hộ tinh thần thì nhiều, nhưng ít ai đồng hành. Vì lúc đó mình xây dựng Hội gần như là hai bàn tay trắng, nhưng nhờ sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên chủ lực, cộng với kinh nghiệm nghề nghiệp đã có cũng như hoạt động thiết thực, đến ngày hôm nay, chúng tôi đã đạt được thành quả nhất định.

Hiện nay, ABVietFrance có 300 hội viên có đóng phí và 400 đối tác ở nhiều ngành nghề khác nhau. Hội cũng đã tiếp nhận 350 dự án trong 10 năm qua. Đa số hội viên là Việt Nam, Pháp, nhưng chúng tôi cũng có hội viên đến từ các nước Châu Âu khác, Châu Phi và cả Châu Á. Họ là những người doanh nhân có kinh nghiệm, nhưng cũng có những bạn trẻ năng động (hội viên trẻ nhất khi vào Hội là 17 tuổi), doanh nghiệp nhỏ và vừa và vài tập đoàn lớn.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Pháp, tháng 3/2018

PV: Những năm gần đây, Hội có nhiều hoạt động ý nghĩa và hiệu quả. Nói về chặng đường 10 năm qua, ông sẽ muốn nói điều gì nhất?

Ông Nguyễn Hải Nam: Khẩu hiệu của ABVietFrance là "Cùng nhau vươn đến thành công với Tâm và Tín".

Về phía doanh nghiệp Pháp, chúng tôi tư vấn chiến lược cho họ và kết nối họ với đối tác liên quan thông qua mạng lưới của Hội. Doanh nghiệp Pháp cần sự hiểu biết về Việt Nam của chúng tôi, bí quyết và mạng lưới của Hội. Họ biết chúng tôi có thể mở khóa cho những bế tắc hoặc giúp họ đẩy tiến độ của các dự án. Nhiệm vụ của Hội không nhất thiết là xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp Pháp đầu tư, buôn bán với Việt Nam bằng mọi giá, mà là sự phân tích khách quan xem những ý tưởng kinh doanh có thích hợp với thị trường Việt Nam hay không.

Về phía Việt Nam, những năm gần đây, Hội tiếp nhận ngày càng nhiều đơn đăng ký gia nhập Hội từ các doanh nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam. Với quy mô nhỏ và vừa, kiến thức thương trường quốc tế, nhất là đối với nước Pháp nói riêng, các nước Tây Âu nói chung, còn rất giới hạn, doanh nghiệp Việt Nam thường đến với Hội để học hỏi văn hóa giao tiếp, cách tiếp cận thị trường nói trên, mong muốn tìm đầu mối, đối tác và nhận được những giải pháp cụ thể.

Hội có mặt tại các chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao của Pháp và Việt Nam. Cụ thể, Hội tháp tùng Tổng thống Pháp François Hollande trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 9/2016; đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Pháp tháng 3/2018; hiện diện trong chuyến thăm của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tại Việt Nam, tháng 11/2018 ; và gần đây, tháng 7/2019, Hội tháp tùng đoàn Đại biểu Quốc hội Pháp sang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tất cả những điều đã làm được trong chặng đường 10 năm qua là thành quả của cả tập thể. Tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các thành viên Ban chấp hành Hội, các hội viên, đối tác, truyền thông, và tất cả những người đã tin tưởng chúng tôi.

PV: ABVietFrance có chương trình, dự án chủ lực nào cho năm 2020 không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hải Nam: Với Ban chấp hành chỉ có 7 thành viên (ở Pháp và Việt Nam), Hội chúng tôi không có tham vọng tổ chức những sự kiện "hoành tráng" mang tính hình thức, tạo hình ảnh, tốn kém về thời gian, công sức và tài chính, mà đặt trọng tâm vào việc đồng hành, hợp tác với các tổ chức bạn trong các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, hội chợ ngành nghề…

Song song với các sự kiện trên, chúng tôi dự kiến tạo dấu ấn cho năm 2020 với những kế hoạch như: kỷ niệm sinh nhật 10 năm ABVietFrance tại Paris, Hà Nội, TPHCM; Giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ, du lịch, ẩm thực và quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Hội chợ Paris và Hội chợ Bordeaux - hai hội chợ tiêu dùng lớn nhất Pháp, và trong hội chợ lớn nhất Châu Âu; Bảo trợ chương trình "Thành phố tôi có Tài năng - Ma Ville a du Talent" tại Pháp.

Là thành viên của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại Châu Âu, Hội sẽ tham dự Đại hội của Liên hiệp diễn ra tại Bỉ, tháng 10/2020. Hội cũng sẽ tham dự các sự kiện trong và ngoài nước do Hội Doanh nhân VNONN (BAOOV) tổ chức.

Mặc khác, Hội sẽ tiếp tục làm diễn giả tại những tọa đàm, hội thảo hướng nghiệp – khởi nghiệp cho thanh niên trẻ tại Pháp cũng như Việt Nam.

Và cuối cùng, chúng tôi trông chờ chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam trong năm 2020.

 Phó Chủ tịch ABVietFrance, Céline Charpiot-Zapolsky ký kết hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, dưới sự chứng kiến của đại diện chính quyền Pháp tại TP Hồ Chí Minh, tháng 11/2018

PV: Ông nghĩ gì về Hiệp định Thương mại (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu? Sau khi có hiệu lực, nó sẽ mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp Việt Nam, và cho thương mại giữa Pháp và Việt Nam?

Ông Nguyễn Hải Nam: Hiệp định thương mại tự do, gồm có EVFTA và EVIPA, ký kết ngày 30/6/2018, dự định xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế cho hàng hóa giữa hai bên trong vòng 7 năm đối với xuất khẩu từ Việt Nam sang EU, và 10 năm từ EU đến Việt Nam.

Thông qua hiệp định này, EU muốn củng cố vị trí tại Việt Nam, thị trường có hơn 95 triệu người tiêu dùng, mà EU là một trong đối tác thương mại quan trọng. Ngược lại, sự có mặt của đối tác nặng ký thứ ba như EU giúp cho Việt Nam cân bằng cán cân thương mại với Trung Quốc và Hoa kỳ.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tỷ Euros về hàng hóa, 4 tỷ Euros về dịch vụ. Thỏa thuận này sẽ là một cú hích cho nền kinh tế Việt Nam; đồng thời cũng tạo ra áp lực cho đất nước thay đổi thể chế để phù hợp với điều khoản của thỏa thuận. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ có được nhiều cơ hội phát triển thị trường, tiếp nhận công nghệ Châu Âu; đồng thời phải đối đầu với sự cạnh tranh lớn, cho nên phải luôn sáng tạo, đổi mới một cách nhanh chóng. Chính quyền Việt Nam cũng sẽ bị sức ép để đẩy mạnh cải cách thể chế và hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển Việt Nam và thế giới. Về phía người tiêu dùng Việt Nam, thoả thuận sẽ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và nổi tiếng của Pháp như mỹ phẩm, dược phẩm, rượu vang, nông nghiệp, thời trang…

Cuối cùng, ABVietFrance sẽ luôn rộng mở và đón chào doanh nghiệp Việt Nam để đến thị trường Pháp. Hãy liên hệ với chúng tôi qua www.abvietfrance.org www.facebook.com/ABVietFrance/

Và tôi muốn gửi đến độc giả Tạp chí Quê Hương một thông điệp như sau: hãy quyết tâm, luôn có niềm tin mãnh liệt vào bản thân để thực hiện ước mơ của bạn, dù có gặp bất kỳ khó khăn nào, nó sẽ trở thành hiện thực, như tôi đạt được với ABVietFrance.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông!

Thu Trang (thực hiện)