Thủ tướng gặp gỡ bà con kiều bào tại Myanmar

 Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương cho biết, cộng đồng người Việt có khoảng 1.500 người, trong đó 95% là các doanh nghiệp từ Việt Nam sang, còn lại là các gia đình sống lâu năm tại đây. Cộng đồng rất đoàn kết, gắn bó, đều hướng về Tổ quốc, Đại sứ nói.

Một nhân tố quan trọng gắn bó cộng đồng là Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, vừa ra mắt cách đây mấy tháng. Với cộng đồng doanh nghiệp đông đảo, Đại sứ quán thực hiện phương châm các doanh nghiệp đều là cán bộ đối ngoại. “Cộng đồng người Việt Nam ở đây, cụ thể là các doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động đóng góp vào phát triển xã hội của Myanmar, nâng cao hình ảnh Việt Nam”, Đại sứ cho biết.

Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar Đặng Hải Nhã cho biết, đến nay có 230 doanh nghiệp hoạt động tại Myanmar, “doanh nghiệp Việt Nam tạo hình ảnh tốt đối với người dân Myanmar”. “Thời gian tới, Câu lạc bộ mong Thủ tướng quan tâm hỗ trợ để từng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Chúng tôi cam kết mỗi doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, tuân thủ pháp luật hai nước”.

Ông Nguyễn Văn Chung, 75 tuổi, quê Nam Định, đại diện cho các gia đình Việt Nam sống lâu năm tại Myanmar cho biết, có khoảng 38 gia đình người Việt thế hệ thứ hai, 30 gia đình thế hệ thứ ba sinh sống tại Myanmar. Cộng đồng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, chấp hành tốt các quy định pháp luật sở tại, luôn có tinh thần hướng về quê hương, ông Chung nói.

“Qua kênh truyền thông chính của Myanmar, chúng tôi biết, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, với nền an ninh chính trị hàng đầu trong khu vực. Vị trí và vai trò trên trường quốc tế được nâng lên. Điều này làm chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì mình là người con đất Việt”. Ông Chung mong muốn sớm có ngày trở về thăm quê.

Nói chuyện với bà con kiều bào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bây giờ mà ông Nguyễn Văn Chung về thăm Nam Định thì sẽ bất ngờ về sự đổi thay của quê hương.

Nhắc lại nhận xét của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tại cuộc họp báo chung rằng thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam là ấn tượng, đáng kinh ngạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo cho bà con thêm thông tin về thành tựu này. Năm 2019, chúng ta đạt và vượt toàn diện các chỉ tiêu. Tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực, khoảng 7%. Chúng ta cán đích nhiều mục tiêu đề ra, kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD. Chúng ta liên tục xuất siêu, năm nay đạt khoảng 10 tỷ USD. Tăng trưởng cao nhưng lạm phát thấp, đời sống nhân dân được nâng lên. Thu ngân sách trên 1,6 triệu tỷ đồng. Năng lực sản xuất gia tăng khi có khoảng 140.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45%. Chương trình xây dựng nông thôn mới là điểm ấn tượng. “Bác Chung về Nam Định thì thấy nông thôn Nam Định như thành phố, cuộc sống rất tốt”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhắc tới thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 ở Philippines với 98 Huy chương Vàng, trong đó, đội bóng đá nam lần đầu tiên đạt Huy chương Vàng sau 60 năm.

Sang năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận hai nhiệm vụ là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Thủ tướng khẳng định, chúng ta sẽ đảm nhận tốt nhiệm vụ này, đề nghị Đại sứ quán nỗ lực góp sức, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên tất cả các mặt: Kinh tế, văn hóa, công tác cộng đồng để làm sao nhà  đầu tư Việt Nam yên tâm làm ăn lâu dài tại Myanmar.

Thủ tướng cũng lưu ý cần chú trọng công tác cộng đồng, đây là trách nhiệm rất lớn, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Thủ tướng mong muốn bà con tuân thủ pháp luật nước sở tại, gương mẫu, đầu tư, làm ăn chân chính, giữ gìn hình ảnh Việt Nam.

Băn khoăn về việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán mở các lớp dạy tiếng Việt cho bà con và “mong bà con cộng đồng, Đại sứ quán, Câu lạc bộ doanh nghiệp đoàn kết để có môi trường sống tốt, ấm cúng, giữ gìn văn hóa đất Việt”.

Đức Tuân/ baochinhphu.vn