Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu ra Tuyên bố chung về tôn chỉ hoạt động

Bản tuyên bố này là kết quả của “Hội nghị các Viện Hàn lâm trẻ thế giới lần thứ tư” (WWMYA) do Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (VYA) và Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam hồi tháng 7 vừa qua.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2014 đến nay, mạng lưới Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu đã phát triển mạnh mẽ, đi từ số lượng ban đầu ít ỏi cho tới con số hơn 40 trải khắp mọi miền thế giới. Trước sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng như vậy, các thành viên nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần có một hệ thống những giá trị và nguyên tắc hoạt động cốt lõi để tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới. Vì vậy, trong nhiều tháng qua, đại diện của gần 40 Viện Hàn lâm trẻ các quốc gia đã cùng họp bàn và xây dựng nên hệ thống nguyên tắc hoạt động bao gồm: tính vượt trội, tính đa dạng và nhất quán, trách nhiệm, nền tảng tri thức, tính độc lập và minh bạch, tính liêm chính.

Bản Tuyên bố chung cũng khuyến khích các nhà khoa học trẻ trên thế giới tích cực thành lập Viện Hàn lâm trẻ tại quốc gia của mình, kêu gọi các Viện Hàn lâm trẻ đã được thành lập tiếp tục hoạt động hướng tới những tôn chỉ đề ra cũng như hỗ trợ và phối hợp lẫn nhau và với các tổ chức khoa học khác.

*Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn Khoa học thế giới, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh - người sáng lập Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam cùng các đại diện VYA đang nỗ lực thảo luận để đưa Việt Nam trở thành chủ nhà tiếp theo của Diễn đàn Khoa học thế giới 2025.

Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (VYA) là thành viên của mạng lưới Viện Hàn lâm trẻ toàn cầu, được thành lập ngày 2/11/2014 với mục đích kết nối các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước và toàn cầu.

Kể từ khi thành lập, các thành viên và ban tư vấn của VYA đã tham gia trình bày các nghiên cứu khoa học tại 15 hội nghị với tư cách diễn giả chính và khách mời chính, tổ chức 6 hội nghị chuyên ngành tại Việt Nam, chủ yếu về các chủ đề mũi nhọn bao gồm công nghệ nano, vật liệu nano, vật liệu đa chức năng, công nghệ nano ứng dụng trong sức khỏe và chống bệnh truyền nhiễm, công nghệ về chất lỏng, công nghệ hóa học cho phát triển bền vững, và y sinh học. Các Hội thảo đều được đánh giá cao về chuyên môn và đã đưa ra nhiều định hướng nghiên cứu, khuyến nghị chính sách có ích đối với đất nước.

Tháng 7/2019, lần đầu tiên Hội thảo các Viện Hàn lâm Trẻ thế giới được tổ chức tại Việt Nam. Đây là kết quả nỗ lực của Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam trong việc vận động Viện Hàn lâm Trẻ Toàn cầu chọn Việt Nam làm điểm đến. Hội thảo được tổ chức thành công đã góp phần quảng bá hình ảnh và môi trường học thuật của Việt Nam, trở thành cầu nối đưa nền khoa học của Việt Nam đến gần hơn với thế giới.

Mai Phương