''Việt Nam sẽ đánh dấu bước tiến về vai trò của mình vào 2020''

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việt Nam với vai trò ngày càng tích cực trong ASEAN sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề khu vực, và đây là sẽ là những thách thức lớn đối với Việt Nam khi quốc gia này chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020, là nhận định của bài viết đăng tải trên trang mạng The Diplomat ngày 8/11.

Với tiêu đề ''Việt Nam sẽ làm chủ tịch ASEAN năm 2020 như thế nào?'', tác giả bài cho rằng với việc trở thành Chủ tịch ASEAN thay Thái Lan vào năm tới Việt Nam sẽ đánh dấu một bước tiến về vai trò của mình vào năm 2020.

Theo bài báo, kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tiến hành một loạt cải cách như chính sách đổi mới, hội nhập ngày càng rộng với thế giới và nhanh chóng nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác đáng tin cậy ở khu vực, cũng như trong khối ASEAN.

Việt Nam đã hai lần làm Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998 và 2010, và trong hai lần này, Việt Nam đã thúc đẩy một số nội dung ưu tiên, như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các tổ chức mới và thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới.

Bài viết tin tưởng rằng Việt Nam, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, sẽ tiếp tục các nội dung này, đặc biệt năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam là thành viên ASEAN, cũng như đánh dấu nửa chặng đường của Tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025 - chủ trương đã được thông qua vào năm 2015.

Bối cảnh của năm 2020 khác với năm 2010. Môi trường của khu vực và quốc tế đang đối mặt với căng thẳng: diễn biến phức tạp trên Biển Đông, những thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, Việt Nam của năm 2020 đã có những bước tiến đáng kể. Quốc gia Đông Nam Á này đã thiết lập các mối quan hệ sâu rộng với các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia và các nước Liên minh châu Âu (EU).

Bài báo nhận định Việt Nam không nghi ngờ gì về bối cảnh đầy thách thức này, cùng với thực tế là quốc gia này cũng có các ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Giống như Thái Lan với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2019, giới quan sát có thể hy vọng chương trình nghị sự khi Việt Nam làm Chủ tịch sẽ vừa được kế thừa, song cũng vừa có sự thay đổi vào năm 2020, đó là tiếp tục công việc của Chủ tịch ASEAN trước đó với các mốc thời gian và nội dung khác nhau về sự phát triển của ASEAN, đồng thời thúc đẩy những ưu tiên chính mà Việt Nam đang hướng tới./.

Thành Hữu/ TTXVN/Vietnam+