Hát Kiều ở Lâm Lang


Lâm Lang nằm ở ven bờ Nam sông Gianh, với núi non xanh biếc hữu tình. Người Quảng Bình khi nhắc đến Lâm Lang là nghĩ ngay tới những làn điệu hát Kiều da diết. Bởi nơi đây là cái nôi của loại hình nghệ thuật dân gian này.

Loại hình nghệ thuật độc đáo

Hát Kiều còn được gọi là trò Kiều, bởi khi hát, người diễn viên vừa hát vừa diễn trò. Trong hát Kiều, thường phải tập hợp, xây dựng một đội Kiều gồm vài chục người, mỗi người đóng một vai theo các nhân vật trong Truyện Kiều, hoặc cũng có thể một người đóng nhiều vai, tùy theo khả năng diễn xuất của từng người. Lời hát được pha trộn bởi nhiều làn điệu, như: Tuồng, chèo, ngâm Kiều, lẩy Kiều, dân ca Nghệ Tĩnh, ca Huế...

CLB Kiều cổ Lâm Lang muốn lưu giữ lại làn điệu hát Kiều cho thế hệ trẻ 

Theo những cụ cao niên trong làng, hát Kiều đã du nhập từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh vào vùng đất Lâm Lang từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người có công sưu tầm, nghiên cứu và dựng nên những vở diễn đầu tiên là cụ Cao Điền và sau này là cụ Hoàng Lược.

Người dân Châu Hóa còn gọi làng Lâm Lang là “làng Kiều”, bởi người trong làng, ai cũng có thể ngâm nga được đôi ba câu Kiều.

Những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa của chiến tranh, mặc dù phong trào hát Kiều lắng xuống, nhưng không vì thế mà mai một. Những làn điệu Kiều vẫn âm thầm, bền bỉ cùng những thăng trầm của làng. Khi chiến tranh qua đi, nhu cầu văn nghệ, giải trí dâng cao, làn điệu Kiều cũng có cơ hội trở lại mạnh mẽ, đồng hành với đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân nơi đây.

Là người say mê những điệu Kiều từ nhỏ, bà Trương Thị Phương (người làng Lâm Lang) luôn ấp ủ niềm mong ước gìn giữ phong trào hát Kiều và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ của làng. Nhiều năm qua, bà Phương bỏ công sức miệt mài tìm hiểu và sưu tầm các làn điệu hát Kiều trong dân gian. Dù công tác bận rộn, bà vẫn dành thời gian tìm gặp những người cao niên, ghi lại những câu hát, làn điệu Kiều lâu nay vẫn tồn tại qua hình thức truyền khẩu, rồi hệ thống lại theo từng phân đoạn.

Từ khi nghỉ hưu, bà đã dành hết thời gian cho việc tập luyện, vận động người dân tham gia cùng luyện tập; đề xuất với Đảng ủy và chính quyền xã Châu Hóa cho thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Kiều vào tháng 11/2015.

Khát vọng lưu truyền

Bà Phương cho biết CLB Kiều cổ Lâm Lang hiện có 25 thành viên. Người cao niên nhất năm nay đã 82 tuổi, người trẻ nhất 11 tuổi, với đủ các thành phần tham gia từ nông dân, trí thức, học sinh. Thông qua những đêm tập luyện, đêm biểu diễn Kều, dân làng ngày càng gắn bó, thấu hiểu nhau hơn. Hiện CLB đã luyện tập và có thể biểu diễn được 15 cảnh, với 21 vai diễn theo từng nội dung trong Truyện Kiều.

“Người dân tham gia rất nhiệt tình. Tuy nhiên, khó khăn của CLB hiện nay là thiếu kinh phí để mua sắm đủ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ. Lúc biểu diễn, một số vai còn phải mặc chung trang phục, trống đệm còn phải đi mượn”, bà Phương chia sẻ.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, chia sẻ: Hát Kiều không chỉ là một hình thức giải trí đơn thuần, mà còn chứa đựng cả một tầng sâu văn hóa dân tộc, ẩn chứa những giá trị nhân văn gắn liền với Truyện Kiều-tác phẩm văn học kinh điển của đại thi hào Nguyễn Du.

Để động viên người dân và CLB duy trì bảo tồn, phát huy làn điệu Kiều, hằng năm xã cũng đã trích một phần ngân sách để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB. Tuy nhiên, địa phương cũng còn nhiều khó khăn nên mức hỗ trợ chưa đáp ứng được hoạt động về tập luyện, mua sắm trang phục, đạo cụ…; Chính quyền địa phương rất mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đối với CLB để hát Kiều được duy trì, ngày càng lưu truyền rộng rãi, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Quỳnh Trâm/ baodantoc.vn