Hoang sơ đảo Cồn Cỏ

Đảo Cồn Cỏ là một đơn vị hành chính dân sinh và quốc phòng, tỉnh Quảng Trị 

Ðảo Cồn Cỏ có diện tích tự nhiên khoảng 2,3km2, ở độ cao trung bình từ 7 - 10m so với mực nước biển. Ðảo có ngư trường rộng lớn khoảng 9.000km2 với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế. Ngoài ra, Cồn Cỏ còn có vị trí chiến lược án ngữ toàn bộ phần bờ biển Trung Trung bộ, gần với nhiều tuyến đường hàng hải trong nước và quốc tế, do đó có vai trò rất lớn trong công tác bảo vệ an ninh quốc phòng vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam.

Mặc dù có lịch sử hình thành lâu đời nhưng cho đến sau Hiệp định Geneve (năm 1954), đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có người ở. Năm 1959, một đơn vị bộ đội thuộc Bộ chỉ huy quân sự đặc khu Vĩnh Linh được phân công nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo. Do nằm trên vĩ tuyến 17 nên đảo Cồn Cỏ được coi là “mắt thần” trên biển Đông. Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Với vị trí quan trọng như vậy nên Cồn Cỏ nhiều lần là mục tiêu trọng điểm bị đế quốc Mỹ đánh phá song vẫn đứng vững và được mệnh danh là “chiến hạm không bao giờ chìm”. Đảo đã hai lần được phong tặng là đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang.

Từ năm 2002, thực hiện chủ trương chiến lược phát triển Cồn Cỏ thành một đơn vị hành chính dân sinh và quốc phòng, tỉnh Quảng Trị đã thành lập Tổng đội thanh niên xung phong xây dựng đảo Thanh niên Cồn Cỏ. Đến nay, đảo Cồn Cỏ đã có 20 hộ gia đình với số dân hơn 500 người.

Tháng 4/2018, Quảng Trị đã khai trương tuyến du lịch đảo Cồn Cỏ. Với lợi thế là một hòn đảo hoang sơ cùng diện tích rừng che phủ lên đến 80%, đa dạng sinh học biển và rừng, Cồn Cỏ trở thành điểm đến thu hút du khách ưa khám phá, trải nghiệm, hòa mình cùng thiên nhiên. Tới Cồn Cỏ, du khách có thể thăm các địa danh như: Hải đăng Cồn Cỏ, bãi Tranh, bãi Sông Hương, bến Ông Nghè, hồ Củ Lạc hoặc một số đồn cũ của quân dân ta thời chiến; tham gia các hoạt động bơi thuyền, lặn biển, sinh hoạt và đánh bắt cùng ngư dân. Ẩm thực của Cồn Cỏ đặc sắc với nhiều loài hải sản tươi sống được thu hoạch từ biển. Hiện tại, hạ tầng du lịch của đảo còn hạn chế, chưa có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ nhưng chính điều đó đã khiến hòn đảo này giữ được nét đẹp hoang sơ của mình.

Đức Anh/ Báo Du lịch