Giải đáp thắc mắc về việc nhập hàng hóa đã qua sử dụng về VN

* Trả lời:

Theo câu hỏi của bạn, chúng tôi hiểu rằng laptop và điện thoại cũ đã được chuyển về Việt Nam thông qua đường bưu điện.

Hiện tại, laptop và điện thoại cũ là sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BTTTT. Do vậy, bạn không được phép nhập khẩu các sản phẩm này. Trong trường hợp bạn nhập khẩu các sản phẩm này thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt bằng ½ mức phạt tiền được căn cứ vào Khoản 1 và Khoản 11 Điều 1 Nghị định 45/2016/NĐ-CP (Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2013/NĐ-CP) như sau:

“10. Xuất khẩu, nhập khẩu, đưa vào Việt Nam hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa thuộc diện tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp tạng vật vi phạm có trị giá dưới 30.000.000 đồng; 
  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; 
  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
  • Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên mà không phải là tội phạm.”

Ngoài ra, bạn còn có thể bị tịch thu tang vật là laptop và điện thoại cũ đó, trừ trường hợp cơ quan có thẩm quyền yêu cầu đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Luật Bưu chính năm 2010, bưu gửi có thể được chuyển hoàn cho người gửi trong trường hợp người nhận từ chối nhận và người gửi có yêu cầu chuyển hoàn. Người gửi sẽ là người phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính khi chuyển hoàn bưu gửi, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

Do vậy, bạn có thể từ chối nhận hàng và liên hệ với người gửi hàng để họ yêu cầu đơn vị chuyển phát chuyển hoàn trả hàng lại ra nước ngoài.

Bạn cần liên hệ với Đơn vị chuyển phát đã vận chuyển hàng của bạn để được hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý. Đồng thời, liên hệ Chi cục Hải quan chuyển phát – nơi đang quản lý hàng hóa của bạn để được hướng dẫn chi tiết hơn.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội