Di hài cốt cố họa sỹ Mai Trung Thứ trở về đất mẹ

 

Lễ đón di cốt cố họa sỹ Mai Trung Thứ

Đoàn đại biểu Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, do ông Phạm Trường Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Tổng hợp - dẫn đầu, đã đến viếng.

Cụ Mai Trung Thứ (1906 – 1980) quê ở làng Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng là một họa sỹ nổi tiếng, một nhân sỹ yêu nước. Cụ là một trong bốn danh họa thuộc nhóm tứ kiệt của nền hội họa Việt Nam (Phổ - Thứ - Lựu - Đàm). Năm 1936 – 1937, sau khi tham gia triển lãm tranh tại thủ đô Paris và đạt nhiều giải thưởng cao, Cụ đã ở lại Cộng hòa Pháp tu nghiệp.

Năm 1946, nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu cấp cao sang thăm Cộng hòa Pháp. Khi đó, Cụ Mai Trung Thứ là Giám đốc hãng phim Tân Việt đã được cử đi cùng Bác Hồ 4 tháng để quay phim, ghi lại các hoạt động của Hồ Chủ tịch trên đất Pháp. Năm 1975, Cụ đã tặng lại cho Đảng và Nhà nước Việt Nam những thước phim quý giá này. Đó là những thước phim ghi lại chân thực hình ảnh Hồ Chủ tịch sau khi giành được độc lập, tự do cho đất nước được đón chào nồng nhiệt trong vòng tay nhân dân Pháp và hàng chục vạn Việt kiều. Những thước phim đã trở thành tư liệu lịch sử duy nhất về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Pháp, cùng với hình ảnh Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/09/1945, chính thức đưa dân tộc Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự do.


 Đoàn đại biểu Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tham dự Lễ viếng

 Ông Phạm Trường Giang đại diện Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài viết sổ tang

Ghi nhận những đóng góp quý giá của Cụ Mai Trung Thứ với Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng Cụ bằng khen, tên của cụ cũng đã được Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng đặt làm tên cho một đường phố thuộc quận Hải An – TP Hải Phòng.

Thực hiện ước nguyện sinh thời của Cụ Mai Trung Thứ, sau khi qua đời, di hài cốt của Cụ đã được đưa về quê hương nơi Cụ sinh ra và lớn lên.

Phương Trần