Xuân trên đảo

Cơn mưa nhè nhẹ như màng sương giăng mờ buổi sáng. Nghĩa và các anh em thức dậy thật sớm từ lúc mặt trời vừa mới chớm từ phía Đông, tất cả đều phải phụ tay vào vớt những chiếc thùng không bỏ lên tàu để lần sau có được nước ngọt tiếp tế ra đảo. Ở đây, nước ngọt được quý nhất, hơn mọi thứ.

Công việc xong xuôi, vuốt lại mái tóc đẫm ướt, Nghĩa vội vàng vào phòng viết lá thư cho Huệ để tiện dịp gởi về theo con tàu. Đang viết, Nghĩa nằm vật xuống chiếc giường sắt đã cũ kĩ, rỉ sét thở dài. Tính ra cũng đã gần 2 năm xa nhà, nhận không biết bao lá thư của Huệ gởi ra, nhưng ngày về vẫn còn xa.

Chờ cho con tàu nổ máy lướt sóng rời xa dần, Nghĩa mới lặng lẽ quay người về cổng trại. Biển hôm nay lặng sóng, nhưng buồn vô vàn. Con tàu đã khuất xa từ lâu, trong lòng anh vẫn bâng khâng thương thương nhớ nhớ điều gì mông lung không rõ. Ước gì… Nghĩa lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ lẩn thẩn hiện về.

Chiều 26 Tết, tàu tiếp tế thức ăn, mứt bánh và quà Tết từ đất liền gởi ra đảo, Nghĩa và anh em ùa ra vội vàng tìm anh Nhân, người luôn mang tin vui buồn từ trong đất liền ra cho anh em ở đảo. Nhận được lá thư trong tay, không đợi vào phòng, Nghĩa sung sướng ngồi phệt xuống phiến đá nhìn ra biển đọc ngấu nghiến lá thư của Huệ. Suốt lá thư những lời âu yếm thăm hỏi Nghĩa có về thăm nhà lần này không, làm cho Nghĩa buồn buồn không biết phải trả lời sao cho Huệ hiểu. Dường như lá thư nào của Huệ vẫn luôn có câu hỏi quen thuộc này. Đã dấn thân vào con đường binh nghiệp là phải hy sinh, là phải chấp nhận. Huệ không sao hiểu được nỗi khó khăn của Nghĩa.

Nghĩa chép miệng, tội nghiệp cho Huệ, lá thư nào cũng tha thiết dịu dàng. Không biết sức chịu đựng của Huệ còn bao lâu nữa, có còn nặng tình với Nghĩa như bây giờ không. Mỗi lần suy nghĩ những điều này và hình bóng Huệ chập chờn trong mơ tưởng khiến đầu óc anh đâm ra lẩn quẩn không yên.

Nhìn quanh, tất cả các anh em đồng đội còn ở đây ôm chặt cây súng, vững ý chí bảo vệ biển trời quê hương, bảo vệ từng tất đất của đảo, làm sao Nghĩa bỏ nơi đây về chung vui Tết cùng gia đình cho được. Nhưng anh hiểu nỗi lòng của Huệ, khi yêu ai cũng muốn gần gũi nhau chứ ai muốn xa nhau bao giờ. Đàng này, đã xa nhau cả ngàn dặm, còn ngăn biển ngàn khơi, ngàn trùng xa cách khó lòng tìm đến nhau. Đã gần 2 năm qua, ngày về vẫn còn lê thê, nhưng Huệ vẫn còn thương nhớ anh, vẫn chờ đợi, gởi đều đặn những lá thư đầy ắp lời chân tình âu yếm. Trong thư Huệ kể...

... Ở nơi này vẫn thế anh ạ. Người ta ai ai cũng đang vui Xuân đón Tết, tất cả bạn bè cùng trường xôn xao chờ đợi. Học trò của lớp em dạy, hôm liên hoan đùa nhau hỏi khi nào cô cho chúng em ăn cưới, em lúng túng chỉ biết im lặng mỉm cười, nhưng học trò đùa nghịch như quỷ không chịu tha, cứ theo em lải nhải hỏi cho bằng được, cuối cùng em chỉ biết khe kh trả lời:

- Mai mốt cô sẽ cho các em hay. Cô phải viết thư hỏi bạn cô lúc nào về phố.

Sau câu nói vô tình này, em cảm thấy mình cô đơn vô cùng, tủi thân lạ.

Riêng các đồng nghiệp em chọc quê: Ai biểu Huệ yêu anh chàng lính biển ở đảo làm gì, giả như yêu anh chàng nào gần đây thôi, không sợ bị cô đơn.

Biết thế, nhưng đã lỡ yêu biết làm sao hả anh. 2 năm qua thư từ đi lại, chỉ còn mong sau 3 năm ngày anh xung phong tình nguyện ra đảo chóng trở về mà thôi. Tết năm nay có thể em không về quê. Em sợ các cô chú của em chất vấn khi nào cho họ uống ruợu, cô chú nhìn em bằng những đôi mắt tò mò. Lần la khất mãi khiến cho em cảm thấy không đủ can đảm đứng trước mặt cô chú và những câu nói luôn luôn trên môi họ:

- Đừng chọn lựa nữa, coi chừng hăm lên hăm xuống lỡ nhỡ mệt lắm. Ra trường, công việc đâu vào đó vững vàng rồi, nên tính chuyện tương lai đi cháu ạ.

Cứ mỗi năm, Tết đến khiến cho em sợ hãi khi về quê. Thôi đành ở lại đây vậy...

Tiếng kẻng báo hiệu giờ cơm, như người vừa tỉnh giấc chiêm bao, Nghĩa lao nhanh về nhà ăn. Gặp Huy đang bê thau thịt, chàng thanh niên tự dưng vô lính không ngày nào học qua lớp nấu ăn mà trở thành bếp chính của tiểu đoàn. Huy nhe miệng cười:

- Hôm nay có thịt trong nớ đem ra, em nấu luôn một nồi lớn cho anh em nhậu một bữa cho đã đời. Lâu lắm mới được ăn thịt, thấy thèm anh ạ. Chứ ở đây ngày nào cũng cá, riết đâm ra sợ cá luôn.

Nghĩa nhìn Huy cười nói vô tư, tự dưng anh thấy gần gũi anh chàng thanh niên người miền Trung này lạ. Tuổi cậu ta chỉ bằng em trai Nghĩa, nụ cười lúc nào cũng đậu trên môi không tắt. Ngày mới ra đảo nhận đơn vị, người đầu tiên Nghĩa gặp chính là Huy, tươi cười mang giúp hành trang của Nghĩa vào thẳng văn phòng, rồi anh ta chỉ chỗ nằm và lau sạch bụi bặm trên nóc tủ cho anh. Xong đâu vào đó, Huy còn đem cơm lên tận nơi cho Nghĩa. Từng cử chỉ thân thiết và tận tâm của Huy làm cho Nghĩa cảm thấy tình đồng đội cận kề thân tình như anh em. Huy còn cho biết anh là đầu bếp chính của tiểu đoàn. Nghĩa nghĩ Huy nấu ăn cừ lắm, nhưng chưa kịp hỏi, Huy đã kể trong nụ cười giòn: Ngày còn trong trường huấn luyện, cứ nghe tin quân giặc xâm lăng càng ngày càng hung hăng trên biển đảo, là lòng em càng căm tức chúng. Lắm lúc em ước gì mình được như Thánh Gióng, nhổ hết tre nước Việt, cưỡi ngựa dần tụi nó một trận cho bỏ hết tính ngang ngược hỗn xược của chúng. Ra trường, không một chút đắn đo em liền tình nguyện xung phong ra đảo, không cần biết đảo xa đất liền bao nhiêu hải lý, nhưng ít nhất em cũng đóng góp một phần nào đó cho quê hương. Nếu bọn chúng léng phéng nơi này, liều một trận đánh cho chúng biết. Đời chỉ chết một lần, có gì mà sợ hả anh. Ngày ba mẹ biết tin em ra đảo, không những không buồn rầu mà trái lại còn hào hứng khuyến khích, khiến cho em an tâm hơn. Ba mẹ còn nói, đất nước còn thì mình còn, chứ đất nước lâm vào tay quân xâm lược đến lúc đó mình đâu còn để nhìn nhau nữa. Mặc dù ba mẹ em quê mùa, chỉ biết làm nông suốt đời, nhưng lòng yêu nước của họ lớn lắm, trong lúc ông bà chỉ có mình em là con trai thôi.

Nghĩa cắt ngang câu chuyện:

- Thế Huy có bạn gái chưa?

- Có để có vậy thôi, nếu cô ta chờ được, em về xin cưới, còn không ở đây bảo vệ biển đảo mình đã anh à. Tình thì vẫn còn đó, nhưng đất nước đang lúc hiểm nguy, phải cân nhắc tình nào nặng hơn. Nào đâu phải chỉ một mình em độc thân ra đây, còn bao nhiêu người nữa, anh em lúc nào cảm thấy buồn, nhớ nhà thì rủ nhau ra biển bắt cá hoặc hát cho nhau nghe cũng dần quên đi, vui đáo để. Anh em đồng đội coi như một nhà. Tụi em thề có chết cũng phải bảo vệ đảo. Ông bà mình ngày xưa đã từng hy sinh xương máu sống chết đánh nhau với tụi nó, để giữ gìn bờ cõi, giờ tới phiên mình làm cách gì cũng phải giữ lại không để mất một tấc đất trong tay ngoại xâm. Không những tụi em, mà mỗi người dân Việt chúng ta là một viên đạn bắn vào chúng anh à.  Ha... ha...ha.

Huy cười vang, tiếng cười lẫn trong tiếng sóng biển. Miệng vẫn còn cười, nói tiếp:

- Đời có nhiều chuyện đưa đẩy lạ lùng lắm anh. Hôm em ra đây, anh đội trưởng cho em vào tổ cấp dưỡng, phụ bếp, 6 hôm sau tự dưng em được lên chức bếp trưởng. Thật tình mà nói, ngày còn ở nhà em nào biết nấu nướng gì đâu, chỉ biết làm tô mì ăn liền, nhưng từ ngày em lên làm bếp trưởng, tự dưng biết nấu đủ cả. Nay tay này cầm súng, tay kia nấu ăn. Thế nào cũng có một ngày được tiếp tế lương thực đầy đủ, em sẽ đãi anh em món nhậu em vừa học được của chị Sáu vợ anh Thiệp. Ngon không thể tưởng, hết chê luôn.

Nghe Huy nói đến đây, Nghĩa nhớ Huệ, nàng cũng biết nấu nướng chế biến các thức ăn lạ và ngon miệng. Hôm trước ngày tiễn anh ra đảo, Huệ đã thiết đãi Nghĩa và mấy người bạn những món lạ, ngon không thể nào chê. Huệ đùa bảo, nàng nấu thức ăn bằng trái tim của mình, cho nên Nghĩa thấy ngon miệng. Câu nói hôm nào, anh vẫn còn nhớ rõ.

Thấy Nghĩa không nói gì, Huy nhìn anh dò xét. Nghĩa vội xua hình ảnh Huệ, cười ngượng nghịu. Anh cảm thấy mình nhỏ bé quá so với Huy. Tuy là một anh nuôi, nhưng tình yêu nước bao la, vĩ đại vô cùng. Miệng cười nói vô tư, nhưng ánh mắt Huy hiện lên nét quả quyết khi nói đến việc bảo vệ biển đảo.

***

Ba Mươi Tết, có chuyến tàu đặc biệt chở các lãnh đạo ra thăm đảo. Nghĩa cùng anh em thắp nhang và viếng mộ các anh em đã mất. Khi về đến doanh trại, nhận được lá thư và mấy hộp bánh mứt Huệ gởi. Huệ viết: Không biết mứt và bánh gởi cho anh có nhận được trước Tết không, nhưng em mặc kệ cứ gởi, để anh nhớ hương vị ngày Tết. Em có lại nhà thăm bác và Chi, Bảo, gia đình mình vẫn bình thường anh ạ. Riêng Chi kéo tay em nói nhỏ, năm sau Chi và Thuần làm đám hỏi. Chỉ chờ anh về hai người họ làm đám cưới. Em thật trông ngày vui của hai người, anh biết tại sao không? Ngày đó, em sẽ được gặp anh. Chi còn bảo, thôi tụi mình cưới nhau đi, rồi em theo anh ra đảo luôn thể. Không biết có được không hả anh?...

Lắm lúc nghĩ về sự chờ đợi của Huệ, Nghĩa không đành lòng, anh muốn viết cho Huệ lá thư để cô có thể quyết định chuyện tình yêu của hai người và chuyện tương lai của Huệ, nhưng viết được vài dòng, Nghĩa lại thôi, dằng dai mãi trong lòng sự tiếc nuối tình yêu thương của Huệ.

Sáng Mồng Một Tết, đang nằm ngủ trên giường, Nghĩa bỗng choàng mình dậy, phóng người ra khỏi phòng. Tiếng nổ làm cho đầu óc Nghĩa tỉnh táo hẳn. Ngoài sân, Huy cùng các anh em đang đùa dỡn với mấy dây pháo trong tay. Dù biết lệnh trên không cho đốt pháo, nhưng ở đảo Nghĩa đành vờ đi để anh em có chút vui trong ngày Tết gọi là. Vừa thấy Nghĩa, Huy chạy nhanh kéo tay anh nhập bọn cùng họ. Nghĩa cười vui lây cái vui của anh em. Anh Thiệp, người lớn nhất trong đoàn, lên tiếng chúc mừng Nghĩa:

- Mong anh Nghĩa năm tới cho chúng tôi ăn cưới. Cũng không quên chúc anh thăng quan tiến chức nhé!

Trước sân có tiếng đàn bà khàn khàn:

- Anh cưới vợ xong nhớ đem cô ra đây với chị em tôi cho có bạn. Ở đảo đàn bà quý hơn rau tươi, quý hơn các anh.

Mọi người quay đầu lại nhìn chị Sáu vợ anh Thiệp:

- Đúng đó chị Sáu. Đàn bà ở đây quý hơn anh em chúng tôi là cái chắc.

Từng nụ cười òa vang lên.

Nét mặt anh em tươi tắn trong ngày mới. Nghĩa chỉ mong niềm vui sẽ mãi mãi đọng lại trên mỗi khuôn mặt của anh em. Anh nở nụ cười chung vui cùng mọi người.

Nhớ đến nỗi chờ đợi kiên nhẫn của Huệ, nhớ đến những câu hỏi thương yêu khiến Nghĩa bỗng thay đổi ý định. Nếu Huệ đủ sức chịu đựng, thì tại sao...

***

Huệ nhận được lá thư của Nghĩa từ đảo gởi về đã là mồng 10, đúng vào ngày cô trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết. Học trò đông đủ làm cho Huệ cảm thấy vui. Thêm nữa, thư Nghĩa viết khác hẳn những lá thư trước. Câu hỏi của Nghĩa làm cô chạnh lòng: Huệ có đủ sức để theo anh đi khắp nẻo đường quê hương đất nước mình không?

Đọc xong lá thư của Nghĩa, nước mắt giàn dụa trên mặt, mặc dù Nghĩa không có ở đây, nhưng Huệ đã gật đầu cho chính mình, cho chính người mình thương yêu…

Viết tặng các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ
b
iển đảo qhương Việt Nam thân yêu

Quách Y Lành (Hoa Kỳ)