Những chuyến tàu vượt muôn ngàn sóng dữ, chở mùa Xuân ra đảo xa

 Lễ tiễn các đoàn công tác lên đường ra Trường Sa. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Chúng tôi đã “vượt sóng” vào Đá Lát, lên thăm “thành phố của các đảo chìm Đá Tây," dừng chân ở “Thủ đô của quần đảo Trường Sa,” chạm vào “Tiên nữ” An Bang, cùng “tâm tình với những người lính đảo Đá Đông” rồi lưu luyến chia tay ở Trường Sa Đông...

Chở mùa Xuân ra đảo xa

Quân cảng Cam Ranh những ngày cuối năm, hàng trăm chiến sỹ chuyền tay nhau lương thực, thực phẩm, quất cảnh, hoa cảnh lên ba con tàu lớn đến với Trường Sa.

Để bảo đảm tiêu chuẩn Tết, hàng, quà cho bộ đội và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân đã vận chuyển gạo nếp, thịt bò cấp đông, hàng tấn lợn hơi, hàng chục nghìn lá dong gói bánh chưng và một lượng lớn miến dong, măng khô, gia vị và rau, củ, quả.

Quà tặng năm nay phong phú, đặc sắc đến từ các vùng miền, thể hiện rõ sự yêu mến và tấm lòng của người dân cả nước hướng tới các chiến sỹ Trường Sa, có ý nghĩa động viên làm ấm lòng những người đang ngày đêm canh giữ chủ quyền của đất nước.

Rời Quân cảng Cam Ranh, tàu KN 491 bắt đầu cuộc hành trình dài ngày đưa những món quà Xuân ấm áp của cả nước đến đảo Trường Sa.

Hình ảnh đầu tiên mà bất kỳ ai bước chân lên các đảo cũng nhìn thấy là cột mốc chủ quyền và người lính tiêu binh bồng súng đứng gác với khuôn mặt bừng lên trong nắng biển, trẻ trung và rắn rỏi.

Đa phần chiến sỹ ở Trường Sa đều là những thanh niên trẻ tuổi, nhiều người là đảng viên, thanh niên tiêu biểu...

Theo thống kê của Lữ đoàn 146, Chương trình “Xuân biên giới-Tết hải đảo 2019” đã nhận được trên 700 triệu đồng do Quỹ Vì Trường Sa-Hoàng Sa tặng, Ban tổ chức đã mua nhu yếu phẩm Tết đủ để cung cấp cho các cán bộ, chiến sỹ tại 33 điểm đảo.

Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì Biển đảo quê hương" là năm thứ 4 đồng hành cùng các cán bộ, chiến sỹ Trường Sa. Năm nay Câu lạc bộ đã tặng nhiều món quà thiết yếu và cũng mang hơn 20.000 lá thư, thiệp chúc Tết ra đảo lần này, những lời nhắn mang theo những tình cảm của đất liền hướng về biển đảo.

Anh Đặng Trung Hiền, 42 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố đảo Trường Sa cho biết sự quan tâm hỗ trợ của Ủy ban Nhân dân thị trấn Trường Sa và tình cảm của các anh bộ đội nơi đây là chỗ dựa tinh thần vững chắc để người dân yên tâm làm ăn sinh sống, khi gặp khó khăn sẽ được các đơn vị sẵn sàng hỗ trợ về mọi mặt.

Theo Thượng tá Đinh Trọng Thắm, Phó Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa, trong dịp đón Tết Nguyên đán năm nay, nơi đảo xa vẫn có mâm ngũ quả; cành mai vàng, đêm giao thừa có các hoạt động văn hóa văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân,” hái hoa dân chủ.

Sáng mùng 1 Tết, đảo sẽ tổ chức cho quân và dân chào cờ đầu năm, trồng cây, viếng Đài tưởng niệm liệt sỹ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong các ngày Tết cổ truyền, đảo tổ chức các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, bóng đá tạo không khí vui vẻ, đoàn kết thắt chặt tình quân dân trên đảo. Nhưng trước đó, có lẽ điều mà ai trên đảo cũng muốn được chứng kiến là gói bánh chưng. Ngoài đảo bây giờ lá dong không còn thiếu nhưng nhiều người không quên hương vị ấm nồng của những chiếc bánh chưng được gói bằng lá bàng vuông mở ra thơm phức.

Thượng úy Lê Song Toàn, Đảo Trường Sa tâm sự bây giờ tất cả các điểm đảo của quần đảo Trường Sa đều đã có màu xanh cây cỏ. Những thảm cây muống biển phủ xanh bát ngát trên những triền cát, các cây bão táp, phong ba, bàng vuông, cây tra, cho đến rau mồng tơi, bầu bí, giàn mướp... cũng đã trụ vững được ở nơi đầu sóng ngọn gió, khí hậu nghiệt ngã.

Vận chuyển quà Tết lên tàu. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) 

Từ một quần đảo không sẵn các điều kiện tự nhiên thích hợp cho bất kỳ sự sống nào, bây giờ cây xanh ở các đảo đều trưởng thành và đầy sức sống trong nắng gió Biển Đông. Bất cứ ai đi trên đảo hôm nay đều cảm giác như đi giữa một vùng quê Việt Nam thuần hậu, yên hòa vì văn hóa Việt đã cắm mốc trên những đảo nổi, đảo chìm xa xôi mà vô cùng gần gũi.

Sống giữa mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, lòng người đều hướng niềm tin nơi cửa Phật bao dung, che chở, mong cầu biển yên, sóng lặng, hòa bình, để ra khơi chài lưới, an sinh. Bởi vậy, công dân sống trên đảo đều hướng tâm niệm của mình về những đấng mà mình tôn quý. Những ngôi chùa giữa Biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống yên bình, hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng.

Vợ chồng anh Lâm Ngọc Vinh (36 tuổi) và chị Nguyễn Thị Phương Dung (31 tuổi) hộ dân trên đảo Trường Sa cho rằng: "Chùa Trường Sa là điểm đến ưa thích của hầu hết cư dân trên đảo. Không chỉ những ngày lễ, ngày hội mà ngay cả những ngày thường, vợ chồng chúng tôi cũng thường xuyên đến vãn cảnh chùa để tận hưởng bóng mát và khung cảnh yên bình giữa hòn đảo đầy nắng gió này. Đặc biệt vào ngày mùng 1 Tết, toàn bộ các hộ dân trên đảo cũng như cán bộ, chiến sỹ đều không quên vào chùa lễ Phật cầu an, mong muốn một năm mới an bình đến với quân và dân trên đảo."

Một mùa Xuân mới đang về. Hương Xuân đang lan tỏa khắp làng trên xóm dưới. Bao người con của đất Việt đều mong muốn các cán bộ, chiến sỹ thuộc quần đảo Trường Sa hiểu rõ vai trò trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đất liền luôn hướng về đảo xa, mong làm sao cán bộ, chiến sỹ Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, vững chắc tay súng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc./.

Hoàng Nam (TTXVN)