Tranh truyện Việt Nam: Thể nghiệm mới của nhà văn, họa sĩ

 Truyện đồ họa của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Tranh truyện (picture book) là một dòng sách mới ở nước ta, với những cách thức kể chuyện bằng tranh, được vẽ bởi các họa sĩ chuyên nghiệp và có tác động đến thị giác của người đọc.

Truyện đồ họa của Nhà xuất bản Kim Đồng với bộ ba tác phẩm “Cô bé ganh tị” (tác giả Nguyên Hương – Phương Thảo), “Phía sau cánh cửa” (tác giả Ngọc Linh – Phạm Ngọc Tân), “Hạ về trên đồi cỏ lau hồng” (tác giả Vương Thùy Linh – Hoàng Phương Thúy) được xem là thể nghiệm mới của các nhà văn và họa sĩ trong việc khai thác thể loại sách nghệ thuật này.

Theo nhà văn Ngọc Linh, tác giả cuốn truyện đồ họa “Phía sau cánh cửa”, để làm nên những cuốn sách truyện đồ họa, nhà văn và họa sĩ phải kết hợp nhuần nhuyễn với nhau. Bởi lẽ, tranh và truyện như một chuỗi liền mạch, trong đó tranh là một phần nội dung không thể tách rời.

"Một bức tranh họa sĩ vẽ không chỉ đơn thuần là minh họa mà còn ẩn trong đó nhiều ý tưởng và hàm chứa cả nội dung. Độc giả nhí có thể reo vui với những chi tiết đặc biệt mà các họa sĩ cài cắm vào" - nhà văn Ngọc Linh chia sẻ.

Trên thế giới, dòng sách tranh truyện đã có hơn 300 năm tồn tại, bắt đầu vào khoảng thế kỉ 17. Còn ở Nhật, thế kỉ 19, thời Minh Trị đã có những cuốn tranh truyện dành cho người nước ngoài.

Riêng ở nước ta, tranh truyện dường như chỉ mới bắt đầu. Các công ty sách như Quảng Văn, Nhã Nam hay Nhà xuất bản Kim Đồng đang đặt những viên gạch đầu tiên cho nền công nghiệp tranh truyện Việt Nam, đối tượng chính là độc giả nhỏ tuổi.

Hiện nay, thị trường đang manh nha những tín hiệu để tranh truyện xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, hai yếu tố quan trọng phải là sự hội tụ đông đảo cộng đồng sáng tác tranh truyện, đồng thời các nhà xuất bản phải tập trung nhiều hơn cho sách thiếu nhi.

Ông Trịnh Minh Tuấn, Giám đốc công ty sách Quảng Văn - đơn vị xuất bản bộ sách tranh truyện "Ehon" của Nhật Bản cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển tranh truyện Việt Nam trên nền tảng văn hóa truyền thống, cụ thể là tranh Đông Hồ: "Dựa trên nền tảng truyền thống, các họa sĩ Việt Nam kế thừa để có thể phát triển nền tranh truyện mang bản sắc của người Việt đi ra thế giới. Ví dụ như “Đám cưới chuột”, “Cá chép trông trăng”... Vấn đề là chúng ta có những tác giả nào để kể câu chuyện đó một cách hấp dẫn cho trẻ", ông Tuấn chia sẻ.

Quá trình phát triển một sản phẩm không thể thiếu việc chúng ta học hỏi từ bên ngoài. Việc xuất bản bộ tranh truyện "Ehon" và tranh truyện phương Tây chính là quá trình học hỏi của các nhà xuất bản, các họa sĩ và tác giả trong nước. Tuy vậy, sáng tác tranh truyện không chỉ đơn thuần mang tính chất kỹ thuật mà còn dựa vào nền tảng triết lý, thậm chí là triết học. Mỗi tác phẩm tranh truyện phải là một thông điệp nhân văn, hướng đến việc nâng cao thẩm mỹ cho người đọc./.

Theo Phương Thúy/VOV.VN