Hành trình cùng con trai vượt qua bệnh tật của chủ nhà hàng gốc Việt ở Mỹ

Gia đình Dee Nguyễn. Ảnh: Orange County Register. 

Gặp Dee Nguyễn tại nhà hàng nhỏ ở thành phố Laguna Hills, quận Cam, bang California, Mỹ, người ta sẽ thấy một đầu bếp tài năng và điềm tĩnh làm việc cùng một đội ngũ nhân viên tận tâm. Khách hàng yêu thích món bánh mỳ với kem cháy kiểu Pháp và những chiếc bánh mì cuộn nho quế đậm mùi cafe ở đây, theo Today.

Dù nhà hàng chật ních khách, ít người biết tại sao Break of Dawn chỉ mở 20 tiếng mỗi tuần. Càng ít người biết, ngoài công việc đầu bếp, Dee Nguyễn còn có một công việc thứ hai: chăm sóc cậu con trai 17 tuổi.

Làm chủ một nhà hàng chuyên phục vụ bữa sáng và trưa ở quận Cam chưa bao giờ là mơ ước của Dee Nguyễn. Là thế hệ thứ nhất người Việt sinh ra ở nước ngoài, Dee được cha mẹ kỳ vọng trở thành bác sĩ hoặc luật sư nhưng anh lại tìm thấy niềm đam mê trong nấu ăn. Và không chỉ thích, anh còn trở thành một đầu bếp xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp học viện ẩm thực California, Dee đầu quân cho nhà hàng hạng sang Ritz Carlton ở thành phố ngoại ô bang Laguna Niguel và nhanh chóng thăng tiến trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục.

Dee tính toán anh sẽ lên chức điều hành chỉ trong vài năm. Anh kết hôn với Linh Hua và sau đó vài tháng, họ chờ đón đứa con đầu lòng. Dee đang sống một cuộc sống trong mơ.

Tai họa ập xuống

Dee tưởng rằng anh đã nếm đủ mùi vị của lao động cật lực và hy sinh, nhưng anh không ngờ rằng cuộc đời muốn anh học thêm nữa. Berlin, con trai của Dee và Linh, sinh vào tháng 12 năm 2001. Cậu bé bị chẩn đoán mắc hội chứng mất cơ bụng Eagle-Barrett hoặc hội chứng bộ ba. Người mắc hội chứng này bị các khiếm khuyết bẩm sinh như cơ bụng ở phía trước yếu hoặc bị mất, các bộ phận của đường tiết niệu như bàng quang và thận phát triển bất thường.

Những tháng đầu tiên sau khi chào đời, Berlin phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn. Dù đau đớn, Berlin vẫn là một cậu bé hạnh phúc và thông minh. Khi mới 9 tháng tuổi, cậu bé đã biết nói.

Năm một tuổi rưỡi, Berlin tiếp tục vào phòng mổ để chỉnh phần da bụng. Cuộc phẫu thuật đáng nhẽ ra diễn ra đơn giản lại biến thành một bi kịch. Bác sĩ phòng chăm sóc đặc biệt mắc lỗi khi xử lý ống thở của Berlin. Cậu bé không có oxy để thở trong 15 phút và rơi vào trạng thái hôn mê. Các bác sĩ đều cho rằng cậu bé sẽ không bao giờ tỉnh lại và gợi ý hai vợ chồng Dee Nguyễn rút ống thở của con trai. Cuối cùng Berlin cũng tỉnh lại nhưng não của cậu bé bị tổn thương kéo theo liệt và suy giảm nhận thức.

Một bên là công việc mơ ước ở Ritz Carlton, nơi đòi hỏi anh phải làm việc nhiều tiếng mới có thể phát triển. Một bên là con trai. Khi Berlin lên 5 tuổi, năm 2006, Dee quyết định phải thay đổi.

Anh từ bỏ vị trí bếp phó và mở nhà hàng của riêng mình. Khi đặt tên cho nhà hàng là "Rạng Đông", hai vợ chồng anh nhớ lại giây phút bác sĩ bảo họ đã mất Berlin vĩnh viễn nhưng rồi con trai sống sót. Cảm giác giống như sau đêm dài đen tối là bình minh ló rạng, là ánh rạng đông của ngày mới.

Cuộc sống mới

Dee và vợ chấp nhận thực tế rằng Berlin sẽ không bao giờ đi lại được, con trai họ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và sẽ phụ thuộc vào cha mẹ cả đời. Những việc nhỏ nhặt và đơn giản đối với mọi ông bố bà mẹ khác lại là vấn đề đảm bảo mạng sống của con trai đối với hai vợ chồng Dee. Ví dụ, đều đặn cứ 3-4 tiếng cần phải xử lý ống thông tiểu cho Berlin. Vì vậy trong suốt 17 năm qua, Dee chưa bao giờ ngủ thông một giấc quá ba tiếng đồng hồ. Berlin không còn cảm giác ở bàng quang nên cha cậu bé luôn phải kiểm soát lượng nước con trai uống và tính toán thời gian đi đổ nước tiểu.

Holly Hellberg, người chăm sóc và hỗ trợ Berlin ở trường, cho biết cô cảm thấy mình nhỏ bé khi ở cạnh gia đình Nguyễn. "Họ đã hy sinh tất cả vì Berlin, hy sinh cuộc đời họ", cô nói. "Nhưng hai vợ chồng chưa bao giờ tỏ ra thất vọng, nản chí, giận dữ, cay đắng vì Berlin khuyết tật. Đơn giản họ chỉ yêu thương thằng bé".

Berlin càng lớn, gánh nặng đổ lên vai hai vợ chồng càng lớn. Dee phụ trách bế con trai lên xe lăn, tắm rửa và giúp con lên giường đi ngủ. Anh ngồi trong phòng vệ sinh hàng tiếng đợi con trai đi nặng, một việc vô cùng khó khăn với người bị liệt. Trong khi đó, Linh chăm sóc răng miệng cho con trai. Những đứa trẻ bị liệt như Berlin thường bị sâu răng và viêm lợi. Nhưng Berlin thì không. Răng cậu bé trắng, đều tăm tắp, không sâu chiếc nào.

Hai vợ chồng thu xếp lịch làm việc để đảm bảo một trong hai người luôn ở cạnh Berlin. Linh là một dược sĩ làm việc ca chiều và tối còn Dee có mặt ở nhà hàng từ 8h sáng đến 1h chiều, 5 ngày mỗi tuần.

Bình minh

Dù không còn là đầu bếp của nhà hàng hạng sang, Dee vẫn không ngừng sáng tạo. Hàng tháng, anh tổ chức sự kiện nếm thử món mới dành cho 50 thực khách. Trong tuần, anh đi lang thang các khu chợ ngoài trời, vào rừng tìm kiếm những nguyên liệu địa phương theo mùa. Một lần, anh hái những quả hồng trên cây ở vườn nhà bạn có tuổi đời 30 năm. Sau khi cẩn thận lột vỏ, anh ngâm trái hồng trong nước muối và tự tay treo từng trái lên trần nhà hàng, hàng ngày anh xoa bóp từng quả trong suốt một tháng để làm ra những trái hồng khô kiểu Nhật.

Liệu Berlin có thể sống được bao lâu, Dee Nguyễn và vợ không nghĩ đến việc đó. Họ đang tận hưởng cuộc sống cùng nhau.

"Người ta nói cha mẹ là tấm gương cho con cái", Dee viết nhân sinh nhật 16 tuổi của con trai. "Nhưng trong trường hợp của chúng ta, con trai à, con mới là người dạy chúng ta cách sống và cách yêu thương. Cha đã mất quá nhiều thời gian để nhận ra điều gì quan trọng trong đời, không phải là tiền bạc, không phải là địa vị xã hội".

Berlin luôn cười thật tươi với cha mẹ, ánh mắt rạng ngời. "Lúc đó, bạn bắt đầu biết trân trọng những điều nhỏ nhặt. Bạn nâng niu từng ngày", Dee nói. "Tôi thức dậy và nghĩ chúng tôi vẫn còn sống. Berlin vẫn còn sống và khỏe mạnh. Tôi cảm thấy biết ơn".

An Hồng (vnexpress)