Hái trăng trên đỉnh núi

 

Chiều nay lúc Xíu đi học về mẹ nói có bưu phẩm gửi đến. Xíu buông vội cặp sách lao lại ôm khư khư chiếc hộp được bọc kỹ trong lớp giấy gói quà. Đó chắc chắn là quà của Cỏ, người bạn nhỏ từng lên thăm bản làng vào mùa trung thu ba năm trước. Xíu chưa muốn mở ngay hộp quà, niềm vui sướng lâng lâng khiến nó không ngừng nghĩ về người bạn nhỏ. Cỏ từng đứng trước nhà, cúi rạp người nhìn Xíu buộc con lợn vào gốc cây mơ. “Nó dễ thương vậy sao không thả ra mà buộc làm chi?”. Xíu ngẩng lên thấy một đôi mắt tròn xoe đang nhìn mình. Mái tóc kiểu “úp nồi” khiến hai má của Cỏ càng thêm phúng phính. Trên khuôn mặt Cỏ có một nốt ruồi to ở khóe môi trông đến là duyên. Xíu bảo:

- Người thành phố ai cũng thơm như cánh hoa ấy nhỉ?

- Mẹ tớ bảo khi sinh ra tớ đã có sẵn thứ mùi thơm ấy đấy. Kể cả lúc ra vườn rau bám đầy đất cát thì mùi thơm ấy vẫn không hề mất đi. Mà tớ là Cỏ, còn bạn tên gì?

- Xíu.

- Xíu à? Tên là Xíu nên người cũng bé xíu như cái kẹo.

Cỏ bịt miệng cười khúc khích. Đáng yêu đến mức Xíu chẳng thể nào rời mắt khỏi người bạn mới. Cỏ thì lẽo đẽo đi theo Xíu từ nhà ra vườn, từ gốc mơ sang gốc mận. Xíu đi lấy nước dưới suối gần nhà Cỏ cũng bám theo sau dù mẹ bạn ấy cứ liên tục gọi tên. Xíu chỉ muốn làm thật nhanh việc nhà để chạy xuống xem đoàn từ thiện dỡ hàng. Lần nào có đoàn từ thiện về Xíu cũng được chia quà. Xíu không thích bánh kẹo bằng những cuốn sách hay, chiếc bút chì nhỏ xinh, bộ đồ chơi ghép hình bằng gỗ. Cũng có khi những cuốn vở thơm mùi giấy mới đủ khiến Xíu phấn khích cả ngày dài. Nhưng chuyến xe hôm ấy đã mang đến cho Xíu món quà quý giá hơn tất cả. Đó là người bạn nhỏ có bàn tay mập như nải chuối, thấy cái gì cũng hỏi, líu lo như con chim nhỏ sáng nào cũng hót trước hiên nhà. Mẹ Cỏ có mái tóc hệt như con gái mình vậy, Xíu trông thấy không nhịn được cười. Đã vậy tóc mẹ Cỏ còn rất nhiều màu sắc, ngộ nghĩnh không thể tả. Cỏ bảo:

- Bố hay nói mẹ tớ là phiên bản lỗi của bà ngoại. Tớ thì nghĩ mẹ là một phiên bản đặc biệt và duy nhất. Mẹ cũng yêu tớ theo cách ấy. Giống phần đông mọi người mẹ trên đời. Cậu nhìn nốt ruồi ở mép tớ đi. Tớ đi học, bạn bè hay cười trêu. Chỉ có mẹ là nói “mẹ yêu tất thảy những gì thuộc về con. Kể cả cái nốt ruồi”.

- Mẹ cậu ngọt ngào như cục kẹo ấy nhỉ.

- Mỗi lần ốm là tớ phải nạp năng lượng bằng cái ôm của mẹ. Còn mẹ cậu thì sao?

- Mẹ tớ ấy à? Mẹ không mặc quần áo đẹp bao giờ. Cơ thể mẹ chỉ có mùi mồ hôi, mùi nhựa cây rừng, mùi của lợn gà, trâu bò ám vào chứ không thơm tho như mẹ cậu. Mẹ cũng không nói lời dịu dàng. Mẹ lại càng ít khi ôm tớ. Nhưng mẹ vẫn yêu chị em tớ theo cách của mẹ.

- Tất nhiên rồi.

Tối hôm ấy đoàn từ thiện dựng lều ngay dưới núi. Họ đốt lửa trại, ca hát nhảy múa vui đến mức những con chữ trong sách giáo khoa cứ nhảy múa trong đầu Xíu. Hình như có tiếng Cỏ hát trong veo. Hình như có tiếng Cỏ cười trong vắt. Xíu gập sách lại ra đứng tựa người vào gốc cây mơ nhìn khoảng sáng phía xa, bập bùng ánh lửa. Xíu cứ đứng đó cho đến lúc mẹ gọi vào buông màn cho em ngủ. Trời se lạnh muỗi ngoài rừng về nhiều. Mấy chỗ thủng trên màn mẹ khâu díu lại với nhau. Xíu nằm im nhìn trăng qua những mối khâu nhăn nhúm của mẹ, qua khung cửa sổ vắt đầy quần áo, giẻ lau. Có lúc trăng gần đến mức Xíu tưởng như nó đậu ngay trên ngọn cây mơ, chỉ cần chạy ra sân kiễng chân là với được. Lời Cỏ nói chập chờn trong giấc mơ của Xíu “ngày mai tụi mình sẽ cùng đón trung thu”. Ngủ một giấc thôi là đến ngày mai, Cỏ nhỉ…

Tết trung thu năm ấy mãi mãi còn lấp lánh trong tâm trí Xíu. Từ lúc đoàn từ thiện mới dựng rạp Xíu đã chẳng chú tâm làm được việc gì. Buộc con lợn lỏng dây, đập tải ngô giữa ban ngày mà cũng thấy từng nhịp chày chấp chới ánh trăng. Tối đến chị em Cỏ tắm giặt, mặc bộ quần áo đẹp nhất, ăn cơm cũng nhấp nhổm, vội vàng để được đi phá cỗ trung thu. Cỏ đứng dưới chân núi ngửa cổ gọi Xíu ơi, Xíu à. Đường xuống núi mọi khi Xíu đi nhanh lắm, từng bụi cây, hòn đá đều quen chân. Buổi tối không cần đèn có khi Xíu còn đi được. Thế mà tối hôm ấy có ánh trăng rằm vằng vặc trên trời nhưng Xíu đi mãi vẫn chưa xuống núi. Xíu cõng em trên vai, tiếng Cỏ gọi khiến chân càng líu ríu. Bên dưới những con lân lấp lánh đã bắt đầu nhảy quanh đống lửa. Tiếng trống vang lên thúc giục, tiếng bạn bè đang hát mỗi lúc một lớn hơn “Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình/ Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh/ Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng/ Dưới ánh trăng vàng em cất tiếng hát vang”. Xíu chưa bao giờ được tận mắt xem múa lân nên lại càng háo hức. Thằng Dìu thì luôn miệng hỏi “có bánh trung thu hình con cá không chị ơi? Nó trắng muốt và thơm”. Xíu gật đầu để em chịu ngồi yên trên lưng mình, không ngọ nguậy.

Cỏ nắm lấy tay Xíu dắt đi xem con chó bằng tép bưởi. Xem những chiếc bánh trung thu được làm bằng rau câu. Đèn lồng thì đủ các hình con vật, Xíu ngắm mải mê không biết chán. Đôi mắt nào cũng như đang reo lên niềm hạnh phúc. Nó tựa như phép màu đến với một bản làng xa xôi hẻo lánh và những đứa trẻ nghèo. Đèn lồng được thắp lên lung linh bởi ánh nến phía bên trong. Tụi Xíu nắm tay nhau thành vòng tròn cùng cất lên tiếng hát. “Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu/ Cán đây rất dài cán cao quá đầu/ Em cầm đèn sao em hát vang vang/ Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan!”. Đó có lẽ là buổi tối cổ tích của tuổi thơ. Xíu sẽ không bao giờ quên được tiếng nhịp tim mình đập thình thịch trong lồng ngực. Lúc leo núi về nhà, Dìu ngồi trên lưng Xíu đưa tay lên cao bảo “em sắp hái được trăng rồi này. Chị cố lên đi! Cố lên đi”.

*
* *

Xíu cẩn thận bóc từng lớp giấy gói quà, hồi hộp hệt như buổi chiều hôm ấy chờ đợi tới tối để phá cỗ trung thu. Hộp quà mở ra, một chiếc đèn trung thu hình ngôi sao được bọc bằng giấy bóng kính đỏ. “Đẹp quá!”. Xíu reo lên khe khẽ khi đưa chiếc đèn lên cao nhìn ngắm nó qua ánh mặt trời. Xíu thích thú khi nhận ra trong hộp giấy còn có một bức thư được gập nhỏ lại. Từng nét chữ thân quen hiện ra vì đây không phải là lần đầu Cỏ viết thư cho Xíu. Ba năm qua, Xíu được sống trong cảm giác chờ đợi nhận được phong thư thơm nức mùi giấy mực từ Cỏ. Mở thư ra là biết bao nhiêu chuyện vui buồn được Cỏ kể một cách ngộ nghĩnh. Chuyện con gấu bông để quên ở trường, vì sợ mất người bạn thân nên Cỏ khóc nhiều quá. Nửa đêm bố mẹ đành phải đến trường nhờ bác bảo vệ soi đèn pin đi tìm gấu nhỏ. Chuyện Cỏ mới dùng tông đơ cắt trụi lông con chó xù để nó “được bảnh trai hơn và không hôi hám, không bị bọ chét làm phiền”. Chuyện “mẹ tớ lại mới đổi kiểu tóc trông buồn cười lắm. Bố tớ cứ lườm suốt thôi. Mẹ về thăm bà ngoại phải đội mũ trên đầu không dám bỏ ra vì sợ bà la”. Chuyện Cỏ mới nhặt một cái cây bên lề đường mang về trồng ngay trước nhà mà không biết đấy là cây gì. Chỉ vì thấy người ta đào đường, vứt chổng chơ nó trên đống đất. Cỏ nói “cái cây nhỏ bị nhổ lên khỏi lòng đất chẳng khác gì một đứa trẻ bị giằng ra khỏi vòng tay của mẹ Xíu à. Tớ sẽ chăm sóc và trò chuyện với nó mỗi ngày. Không cần nó ra hoa, kết quả hay tán lá sum sê. Chỉ cần nó tươi xanh là được. Con lợn nhỏ của cậu đã lớn bằng nào rồi? Cậu vẫn buộc nó dưới gốc mơ đấy à? Cậu nên thả nó ra. Chúng ta thích chạy chơi lung tung con lợn chắc cũng vậy. Nó sẽ biết đường tìm về nhà thôi mà, hệt như tụi mình vậy Xíu”.

Xíu áp lá thư vào ngực, lòng dâng lên niềm xúc động khó tả. Cỏ hồn nhiên, trong trẻo đến từng ý nghĩ. Nên Cỏ đâu biết rằng con lợn của mùa thu ba năm trước đã không còn nữa. Nó đã được bố hóa kiếp mời bạn nhậu. Xíu cũng không khóc như Cỏ khi bị lạc bạn gấu bông. Xíu đã quen với việc ấy rồi, cũng như quen trèo đèo lội suối, quen với những gian khổ khó khăn ở bản làng nghèo. Cũng có lúc Xíu thèm được vô tư chơi đùa như Cỏ. Thèm được đi siêu thị ngắm nghía “cả thế giới đồ đạc”. Thèm được đi công viên đạp vịt giữa hồ. Thèm một lần đến biển để chạy chơi với ngàn con sóng. Nhưng Xíu yêu nơi mà mình sinh ra. Yêu thằng Dìu bé nhỏ, thương người mẹ cả đời nghèo khổ, chắt chiu. Yêu đến mức nghĩ đến rời xa thôi đã thấy không thể nào chịu nổi.

Xíu gập bức thư lại khi những dòng chữ vẫn lấp lánh trong đầu “cậu hãy đón một mùa tết trung thu vui nhé. Đây là chiếc đèn lồng tớ tự tay làm. Tuy nó không được đẹp như mua ngoài cửa hàng nhưng tớ hy vọng là cậu thích”. Xíu đứng dậy, buộc tóc gọn gàng đi vo gạo nấu cơm. Tối nay Xíu sẽ cõng Dìu đi hái trăng trên đỉnh núi. Trăng rằm hẳn sẽ tròn vành vạnh, treo trên ngọn cây pơ lang nhìn giống chiếc đèn lồng. Xíu tin rằng khi nhìn lên vầng trăng sẽ gặp được người bạn nhỏ của mình. Vì trong thư Cỏ dặn “chúng mình sẽ cùng ngắm chung một vầng trăng, có chú Cuội và chị Hằng xinh đẹp”…

Vũ Thị Huyền Trang (baoquangnam)