Tổng thống Putin thăm Ấn Độ: Đằng sau một chuyến đi

Ông chủ điện Kremlin sẽ hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi, tham dự Thượng đỉnh Ấn – Nga lần thứ 19 nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương sau Thượng đỉnh Sochi trước đó ít lâu.

Trọng tâm chuyến thăm của ông Putin là hợp đồng bán tên lửa, vũ khí nhiều tỷ USD cho Ấn Độ. Một khi thành công, nó sẽ củng cố vị thế quân sự của New Delhi tại khu vực, giúp Kremlin thu về khoản lợi nhuận không nhỏ và mở rộng quan hệ với đối tác thân thiết của Washington.

Vũ khí xây hòa khí

Ấn Độ dường như đã có sự chuẩn bị rất kỹ để lấy lòng Tổng thống Putin trong chuyến công du lần này. Ngay trước thềm chuyến thăm, New Delhi tuyên bố sẽ dành tặng một “món quà nhỏ”, gồm ba chiếc máy bay chiến đấu MiG 21 “Made in India”, cho ông chủ điện Kremlin.

Một mặt, động thái này nhằm ít nhiều thể hiện sự biết ơn của Ấn Độ dành cho Nga vào những năm 1960, khi cung cấp tới 1.200 máy bay chiến đấu siêu thanh MiG và chuyển giao công nghệ sản xuất cho New Delhi, bất chấp sự phản đối từ Anh và Mỹ. Mặt khác, đây là cách Ấn Độ xoa dịu lo lắng của Moscow về việc chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi ngày càng đóng một vai trò tích cực trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Washington.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters)

Khai vị độc đáo là vậy, xong “món chính” trong bàn tiệc Ấn – Nga lần này mới là thứ đáng chú ý. Thủ tướng Narendra Modi và vị thượng khách đến từ xứ Bạch Dương sẽ bàn thảo về hợp đồng mua vũ khí khổng lồ. Theo đó, Ấn Độ sẽ bỏ ra 5,5 tỷ USD để sở hữu bốn hệ thống tên lửa phòng không S-400 tối tân. Việc thay thế tàu ngầm hạt nhân INS Chakra bằng một tàu ngầm hạt nhân lớp Akula khác của Nga, cùng phi vụ mua bốn tàu khu trục 1135.6 lớp Krivak với tổng trị giá 4 tỷ USD cũng sẽ được đem ra thảo luận. Đồng thời, hai bên tìm kiếm đạt thỏa thuận về chuyển giao 48 máy bay trực thăng Mi-17V-5 và phối hợp sản xuất súng trường tấn công AK-103 cùng 200 máy bay trực thăng hạng nhẹ Kamov K226T.

Tuy nhiên, hợp tác quốc phòng được thúc đẩy cũng đòi hỏi Ấn Độ có những cam kết mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Tháng 10/2017, ngay trước thềm cuộc họp lần Ấn – Mỹ lần 4 về Hợp tác Công nghệ Tàu Sân bay, một báo cáo của Nga cáo buộc New Delhi đã cho phép đại biểu Mỹ thăm quan INS Chakra, tàu ngầm hạt nhân lớp Akula của Nga được cải tạo và chuyển giao cho Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi đã trấn an Tổng thống Putin về việc này tại Thượng đỉnh Sochi, song nhiều khả năng nó sẽ được nhắc lại tại New Delhi lần này. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo sự cố tương tự không tái diễn, Moscow có thể sẽ đề cập việc ký kết với New Delhi những thỏa thuận tương tự như Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) và Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) giữa Mỹ và Ấn Độ đầu tháng Chín vừa qua.

“Tự chủ chiến lược”

Được công bố tại Đối thoại Shang-ri La năm 2018, “tự chủ chiến lược” đã là kim chỉ nam của Ấn Độ xuyên suốt các chính sách đối ngoại với nước lớn của quốc gia này thời gian gần đây. Theo đó, New Delhi mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước, nhưng vẫn đảm bảo tự chủ chiến lược. Tuy nhiên, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ là thử thách lớn dành cho phương châm này.

Đầu tiên, New Delhi cần khéo léo tìm kiếm lợi ích truyền thống từ Moscow mà không “chọc giận” Washington, nhất là khi chính quyền của Thủ tướng Modi đang đóng vai trò then chốt trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump. Ngày 24/7/2017, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật chống kẻ thù của nước Mỹ bằng trừng phạt (CAATSA), cho phép Chính phủ có quyền cấm vận các công ty Nga và khách hàng của họ. Do đó, nếu giao dịch với Moscow, New Delhi có thể sẽ phải đối mặt với động thái đáp trả tử phía Washington.

Thứ hai, một thượng đỉnh Ấn – Nga thành công là cách đánh tiếng với Pakistan rằng quan hệ Moscow – New Delhi sẽ tiếp tục được củng cố, bất chấp những tiến triển gần đây trong quan hệ giữa Kremlin và Islamabad. Điều này là đặc biệt quan trọng bởi gần đây, Pakistan và Nga đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự nhằm cải thiện khả năng tác chiến của Hải quân Pakistan.

Cuối cùng, đây sẽ là cách New Delhi cân bằng quan hệ với Bắc Kinh sau cuộc gặp 2 + 2 với Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ ngày 6/9 vừa qua. COMCASA cùng LEMOA được ký kết sẽ góp phần cải thiện tính bảo mật của Quân đội Ấn Độ, cho phép họ tiếp cận công nghệ tiên tiến từ Mỹ, kiểm soát chặt chẽ mọi biến động từ phía Trung Quốc xung quanh khu vực Himalaya và Ấn Độ Dương. Việc New Delhi bắt tay với Moscow sẽ ít nhiều xoa dịu nghi ngại của Bắc Kinh rằng chính quyền của Thủ tướng Modi đang “vào hùa” với Mỹ, Nhật Bản và Australia để hạn chế ảnh hưởng Trung Quốc tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Do đó, chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới New Delhi mang đến cơ hội và thách thức mà chính quyền Thủ tướng Narendra Modi cần khôn khéo xử lý, duy trì cân bằng quan hệ với ba nước lớn và hòa bình ổn định khu vực, đảm bảo “tự chủ chiến lược” trong một thế giới biến động nhanh, khó lường./.

Minh Quân/ Báo TG&VN